TRUYỀN THUYẾT CHIM YẾN ĐƯA THƯ
Thời Đường tại Trường An 长安 nhà họ Quách 郭có cô con gái tên Thiệu Lan 绍兰, không những đẹp như hoa như ngọc mà còn thông minh dịu dàng, tri thư đạt lí. Đến tuổi xuất giá, người khắp nới đến cầu hôn đông vô kể, đông đến nỗi tựa hồ đạp hư ngạch cửa nhà họ Quách. Nhà họ Quách chọn lựa kĩ trong số người đến cầu hôn, cuối cùng hứa gã Thiệu Lan cho một đại phú thương tên Nhậm Tông 任宗.
Kết hôn được mấy năm, vợ chồng luôn kính trọng lẫn nhau, tình cảm giữa hai người rất tốt đẹp, nhưng sau đó:
Thương nhân trọng lợi khinh li biệt
商人重利轻离别
(Thương nhân coi trọng cái lợi xem thường li biệt)
Cuối cùng một ngày nọ Nhậm Tông từ biệt Thiệu Lan đi đến vùng Tương trung 湘中 kinh doanh, Thiệu Lan không có cách nào giữ lại, đành rơi nước mắt dặn chồng nên về sớm, chớ có quên nhà. Sau khi Nhậm Tông đi được mấy năm, Thiệu Lan thỉnh thoảng còn nhận được thư của chồng gởi về. Nhưng trải qua một thời gian dài, thư ngày càng ít dần, cuối cùng ngay cả một chút tin cũng không có. Ngày xuân, Thiệu Lan hàng ngày lên trên lầu nhìn về dòng sông lớn phía trước, hi vọng sẽ thấy chồng ngồi thuyền trở về. Nhưng từ sáng sớm đến chiều tối, chỉ thấy từng chiếc buồm trắng ngang qua, rồi dần biến mất nơi trời nước giáp nhau, làm gì có bóng dáng của chồng? Thiệu Lan lòng đầy buồn thương ai oán.
Một hôm, Thiệu Lan đang ngồi thêu trong nhà, bỗng nhìn thấy trên rường nhà có một đôi chim yến, một trống một mái đang vui đùa thân thiết. Thiệu Lan trong phút chốc xúc động, ngừng thêu, nhìn chim yến buông tiếng thở dài, buồn bã nói rằng:
Ta nghe nói chim yến từ biển đông bay đến, hàng năm đều phải bay qua Tương trung. Chồng ta rời nhà đã mấy năm rồi không thấy về, cũng chẳng thấy tin tức gì, không biết sống chết ra sao. Ta muốn nhờ chim mang bức thư gởi cho chồng để ta vơi đi nỗi buồn thương lo lắng.
Nói xong nước mắt liền tuôn rơi. Chim yến thấy tình cảnh như thế liền nhẹ nhàng cất lên tiếng kêu, dường như đồng ý. Thiệu Lan lại nói:
Nếu chim quả thật bằng lòng thì bay vào lòng ta.
Vừa dứt tiếng, chim yến liền bay đến đậu trên đầu gối của Thiệu Lan. Thiệu Lan ngâm một bài thơ:
Ngã tế khứ trùng hồ
Lâm song khấp huyết thư
Ân cần bằng yến dực
Kí vu bạc tình phu
我婿去重湖
临窗泣血书
殷勤凭燕翼
寄于薄情夫
Chồng thiếp đi khắp giang hồ
Thiếp bên song khóc viết bức huyết thư
Ân cần nhờ chim yến giúp
Gởi đến người chồng bạc tình.
Thiệu Lan liền lấy bút viết lên một tờ giấy nhỏ, buộc vào chân chim. Chim yến kêu lên một tiếng rồi bay ra ngoài cửa sổ.
Nhậm Tông lúc bấy giờ đang ở Kinh Châu 荆州, bỗng thấy một con chim yến bay qua bay lại đang cất tiếng kêu phía trên đầu. Nhậm Tông cảm thấy kì lạ, ngẩng đầu lên nhìn, lúc này chim yến bay sấn đến đậu trên vai Nhậm Tông. Nhậm Tông thấy nơi chân chim có buộc một phong thư, mở ra xem, thấy đó là bài thơ của Thiệu Lan viết gởi cho mình. Trong phút chốc Nhậm Tông cảm động muôn phần, rơi nước mắt. Chim yến trông thấy, kêu lên một tiếng rồi bay đi mất.
Chẳng bao lâu sau, Nhậm Tông sắp xếp công việc buôn bán, lập tức trở về nhà gặp vợ.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
Trong Trung Quốc thành ngữ cố sự tổng tập 中国成语故事总集 , tập 1 do Đường Kì 唐麒 chủ biên, có thành ngữ Song yến truyền thư 双燕传书 với nội dung và tên nhân vật như trên. Thành ngữ Song yến truyền thư xuất xứ từ Khai Nguyên Thiên Bảo di sự - Truyền thư yến 开元天宝遗事 - 传书燕, tác giả là Vương Nhân Dụ 王仁裕nhà Hậu Chu thời Ngũ đại.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/5/2014
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét