About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Nghiên cứu: Đông Tây Nam Bắc và hàm nghĩa văn hoá

ĐÔNG - TÂY - NAM - BẮC
VÀ HÀM NGHĨA VĂN HOÁ


          Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bốn hướng Đông Tây Nam Bắc có mối quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời. Đằng sau những từ ấy hàm chứa một hàm nghĩa vô cùng sâu sắc. Điều đó phản ánh rõ trong sinh hoạt và trong thơ văn, đặc biệt là thơ văn thời kì cổ trung đại. Các nhà thơ nhà văn thời kì ấy và ngay cả các nhà thơ nhà văn thời hiện đại đã rất ý thức khi sử dụng bốn từ Đông Tây Nam Bắc trong tác phẩm của mình.
          Dưới đây chúng ta sơ bộ lần lượt đi vào hàm nghĩa văn hoá của bốn từ Đông Tây Nam Bắc.

1- ĐÔNG
          Người xưa từ chỗ quan sát hiện tượng tự nhiên bắt gặp hàng ngày, nhận thấy rằng nơi mặt trời mọc cây cỏ tươi tốt, vạn vật sinh sôi phát triển, họ đã xác định được hướng đầu tiên và đặt cho tên gọi là “Đông” (). Hướng Đông và mặt trời có mối quan hệ mật thiết, điều này đã dược phản ánh trong văn tự. Chữ Đông gồm có chữ “nhật” () và chữ “mộc” () tạo thành.
          Hướng Đông là nơi xuất phát của mặt trời, nơi có ánh sáng và sự ấm áp, vì thế Đông chủ về sinh. Gió từ hướng Đông thởi tới khiến muôn vật sinh trưởng nên vị thần chủ tể của mùa Xuân được gọi là “Đông Hậu” (東后), “Đông Quân” (東君), “Đông Hoàng” (東皇), “Đông Đế” (東帝). Mùa Xuân cũng là thời điểm bắt đầu cho công việc của nhà nông nên từ “Đông” cũng hàm nghĩa việc nông như: “Đông tác” (東作), “Đông giao” (東郊), “Đông cao” (東皋), “Đông chuy” (東菑), những từ này đều chỉ việc nông.
Canh đông cao chi ốc nhưỡng hề
耕東皋之沃壤兮
(Cày cấy ở thửa ruộng màu mỡ)
                                            (Phan Nhạc – Thu hứng phú 潘岳 - 秋興賦)

Vương bố nông sự, mệnh điền xá đông giao
王布農事, 命田舍東郊
(Vua ban bố việc nông, sai cày cấy ruộng vườn)
                                         (Lã thị Xuân Thu – Mạnh Xuân kỉ 呂氏春秋 - 孟春紀)
          Với màu sắc, Đông thường được “thanh” () thay thế, như: “Thanh đế” (青帝), “Thanh cung” (青宮). Ba từ: Đông, Xuân, Thanh thường phối hợp với nhau.
          Hướng Đông chủ về sinh, thuộc dương, nên Đông cũng được dùng để chỉ nam giới. Ta thấy có “Đông Hoàng Công” (東皇公) tức chúa Xuân, “Đông cung”
(東宮) chỉ thái tử, “Đông sàng” (東床) là chàng rể và từ “Đông phương kị” (東方騎) cũng được dùng để chỉ chàng rể quý.
          Trong quan niệm của người xưa, Đông là hướng tôn quý, nên khi muốn đối lập sự giàu nghèo, sang hèn thì Đông bao giờ cũng được dùng để chỉ sự giàu sang phú quý. Ta có “Đông đệ” (東第) chỉ phủ đệ của những nhà giàu có sang trọng, “Đông tự” (東序), “Đông giao” (東膠) thời cổ đều chỉ Đại học, “Tây tự” (西序), “Ngu tường” (虞庠) là Tiểu học.
Vị vi Thông Hầu, cư liệt đông đệ
位為通侯, 居列東第
(Địa vị là Thông Hầu nên ngồi tại đông đệ)
(Sử kí – Tư Mã Tương Như liệt truyện 史記 - 司馬相如列傳)

Khai đông các dĩ diên hiền nhân
開東閣以延賢人
(Mở đông các để mời người hiền)
(Hán thư – Công Tôn Hoành truyện 史記 - 公孫宏傳)
          Và trong thần thoại Ngưu Lang – Chức Nữ, Chức Nữ là con gái của thiên đế, xuất thân tôn quý nên đã ở phía Đông của thiên hà, còn Ngưu Lang xuất thân thấp kém nên ở phía Tây của thiên hà. Từ ý nghĩa cao quý, Đông có nghĩa là chủ yếu, chủ nhân, là quan trọng. Vì thế khi nói đến quan hệ chủ khách thì Đông bao giờ cũng được dùng để chỉ người chủ, như: “Đông gia” (東家), “Phòng đông” (房東), “Đông nhân” (東人). Ngày nay chúng ta vẫn còn dùng từ “cổ đông” (股東)  để chỉ người góp cổ phần vào công ty. Ngay cả vị trí ngồi ở trong nhà, chủ nhân thường ngồi ở hướng Đông.
          Trong quan niệm của người xưa, mỗi khi nói đến một phương vị nào đó không cần xác định thì họ thích dùng từ “Đông”. Đông ở đây không phải là thực chỉ mà là hư chỉ. “Đông li” (東籬) (hàng rào phía đông), “Đông hiên” (東軒) (hiên phía đông), “Đông viên” (東園) (vườn phía đông), và cả câu chúc thọ mà chúng ta thường nghe “Phúc như đông hải” có thể đều là hư chỉ, như:
Thái cúc đông li hạ
採菊東籬下
(Hái cúc bên dậu đông)
(Đào Uyên Minh - Ẩm tửu 5  陶淵明 - 飲酒 5)

Đào hoa khai đông viên,
Hàm tiếu khoa bạch nhật
桃花開東園
含笑誇白日
(Vườn đông hoa đào nở
Chúm chím dưới ánh mặt trời)
(Lí Bạch – Cổ phong 47 李白 - 古風 47)
        Có người còn dùng từ “Đông” để đặt cho tên tự của mình, như Mạnh Giao (孟郊) (751 – 814) thi nhân thời trung Đường có tên tự là Đông Dã (東野).

2- TÂY
          Ngược lại với Đông, Tây là hướng mặt trời lặn. Theo Thuyết văn giải tự (說文解字), Tây là chữ thuộc loại tượng hình:
          Điểu tại sào thượng. Tượng hình. Nhật tại Tây phương nhi điểu thê, cố nhân dĩ vi Đông Tây chi Tây….
          鳥在巢上. 象形. 日在西方而鳥棲, 故因以為東西之西….
          (Chim đậu ở trên tổ. Loại chữ tượng hình. Mặt trời lặn về hướng Tây và chim đậu lại trên cây, cho nên nhân đó lấy làm chữ Tây trong Đông Tây …)
          Điều này nói lên rằng: chữ 西 (tây)  vốn là chữ ban đầu của chữ (thê: đậu lại). Mặt trời lặn ở núi phía Tây và chim đậu lại trên tổ, cho nên chữ “Tây” với nghĩa đậu lại, nghỉ ngơi đã được chuyển thành nghĩa hướng Tây.
          Hướng Tây là nơi tối tăm lạnh lẽo, mang ý nghĩa tử vong không tốt lành. Phương Tây có chòm Bạch hổ gồm 7 sao: Khuê (), Lâu (), Vị (), Mão (), Tất (). Tuy (), Sâm (). Những sao này đều mang ý nghĩa tàn sát, thu gom, bén nhọn; vì thế Tây chủ quản về việc sát phạt. Đông chủ sinh phối hợp với văn, Tây chủ tử phối hợp với võ; nên các quan văn gọi là Đông ban, các quan võ gọi là Tây ban.
          Với bốn mùa, Tây với Thu có mối quan hệ. Với ngũ hành, Tây với Kim có mối quan hệ. Mùa Thu mang ý nghĩa tàn sát, giết hại, thu gom. Sương lạnh tàn sát cỏ cây, động vật loài mạnh ăn thịt loài yếu, lớn săn bắt nhỏ. Và cũng chính vì ý nghĩa này nên chúng ta hiểu được rằng: thời xưa mỗi năm đến mùa Thu, triều đình đều:
Lục hữu tội, nghiêm đoán hình, thiên địa thuỷ túc, bất khả dĩ doanh.
戮有罪, 嚴斷刑, 天地始肅, 不可以贏
          (Giết kẻ có tội, nghiêm khắc hình phạt, trời đất bắt đầu thu lại, không thể khoan thứ)
                                     (Lã thị Xuân Thu – Mạnh Thu kỉ 呂氏春秋 - 孟秋紀)
          Và đến cuối thu cũng cần phải:
Xúc ngục hình, vô lưu hữu tội
趣獄刑, 無留有罪
(Tăng cường xem xét việc hình ngục, không lưu giữ người có tội)
                                                  (Quý Thu kỉ - 季秋紀)
          Vì là hưởng tử vong nên Tây có quan hệ với già yếu, đau buồn. Ví cho người sắp mất là “Nhật bạc Tây sơn” (日薄西山). Mượn hướng Tây để tô đậm tình cảm đau thương là hiện tượng thường thấy trong thơ văn cổ đại. Cho nên không phải ngẫu nhiên khi người xưa tạo ra chữ “sầu” () đã để chữ “Thu” () trên chữ “tâm” (). Tây và Âm lại có quan hệ nội tại; vì thế nói đến giới nữ người xưa thường liên hệ đến từ “Tây”, như Tây Vương Mẫu, Tây Thi. Tây. Ngày xưa gió Tây còn được gọi là “thiếu nữ phong” (少女風), và với Tây sương kí (西廂記),  câu chuyện tình giữa nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Quân Thuỵ, từ “tây sương” (西廂 – mái tây) chính là nơi ở của Oanh Oanh. Và những câu thơ như:
Quân như đông phù cảnh,
Thiếp tự tây liễu yên
君如東扶景
妾似西柳煙
(Chàng như cảnh sắc nơi cây phù tang ở hướng đông
Thiếp như làn khói trên nhành liễu ở hướng tây)
(Lương Vũ Đế - Nghĩ minh nguyệt chiếu cao lâu 梁武帝 - 擬明月照高樓)

Mĩ nhân hiệp Triệu sắt,
Vi nguyệt tại tây hiên
美人挾趙瑟
微月在西軒
(Người đẹp ôm đàn Triệu
Trăng non tại hiên tây)
(Trần Tử Ngang – Nguyệt hạ hữu hoài 陳子昂 - 月下有懷)
          Có thể nói, Tây là phù hiệu của giới nữ.

3- NAM   
          Từ chỉ phương vị Nam () là một chữ giả tá. Xét từ góc độ từ nguyên thì “Nam” là từ “nhâm” () mà ra. “Nhâm” là nuôi dưỡng vạn vật, vì thế Nam là phương muôn vật được nuôi dưỡng.
Nam phương giả, nhâm dưỡng chi phương, vạn vật hoài nhâm dã
南方者, 妊養之方, 萬物懷任也
(Nam là phương nuôi dưỡng, muôn vật được nuôi dưỡng)
                                                      (Bạch Hổ thông – Ngũ hành 白虎通 - 五行)
          Hướng Nam cũng thuộc về dương, chủ về sinh, vì thế nên thiên tử phải “nam diện” để cai trị. Bậc tôn quý khi ngồi phải quay mặt về hướng Nam với ý nghĩa họ nắm giữ sự sống chết vinh khô của muôn loài. Kẻ thống trị tự cho mình là người nuôi dưỡng vì thế họ phải ở vào vị trí của người nuôi dưỡng (nam diện) để tiếp kiến kẻ dưới mới là thuận với trời, hợp với người, danh chính ngôn thuận.
Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ
聖人南面而聽天下
(Bậc thánh nhân ngồi quay mặt về hướng nam mà cai trị thiên hạ)
                                                                      (Dịch – Thuyết quái - 說卦)
          Có sinh trưởng cây cối mới sum suê tươi tốt, vinh hoa phú quý của con người cũng giống như sự sum suê tươi tốt của cây cỏ. Vì thế, Nam cũng có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Trong văn học, có “giấc Nam kha”,
Thuần Vu Phần (淳于棼) trong giấc mộng đã làm đến chức Nam kha Thái thú, tận hưởng hết mọi vinh hoa phú quý. Và:
Nam hạng hữu quý nhân,
Cao cái tứ mã xa.
南巷有貴人
高蓋駟馬車
(Ngõ nam có quý nhân,
Ngồi xe tứ mã có lọng che cao)
(Bạch Cư Dị - Hiệu Đào Tiềm thể thi 15 白居易 - 效陶潛體詩 15)
          Nam cũng tượng trưng cho sự kiên cố, trường thọ. Nói đến trường thọ có “Nam sơn” (南山), “Nam nhạc (南嶽). Với câu chúc thọ phổ biến: “Thọ tỉ Nam sơn” (壽比南山), Nam ở đây không phải là thực chỉ mà chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Nếu trên mặt đất lấy Nam sơn tượng trưng cho trường thọ, thì trên trời lấy Nam cực làm Thọ tinh.
Thọ như Nam cực,
Tử tôn thiên ức
壽如南極
子孫千億
(Sống thọ như Nam cực,
Con cháu đông hàng ngàn hàng ức)
                                                            (Thôi Ân – Trượng tụng 崔駰 - 杖頌)
          Cũng như Đông, từ “Nam” cũng thường được các nhà thơ nhà văn sử dụng để làm nền, chỉ là hư từ như “Nam mẫu” (南畝) (cánh đồng phía nam), “Nam trù” (南疇) (ruộng nam), “Nam mạch” (南陌) (đầu bờ nam), “Nam viên” (南園) (vườn nam):
Sử phụ đống chi trụ, đa ư nam mẫu chi nông phu
使負棟之柱, 多於南畝之農夫
          (Khiến cho những cây cột đội đòn nóc nhiều hơn những người nông phu ở cánh đồng phía nam)
(Trần Trọng San: Hán văn, tái bản lần thứ 1, NXB Tp Hồ Chí Minh, 1995)
(Đỗ Mục – A Phòng cung phú 杜牧 - 阿房宮賦)

Khứ niên hà thời quân biệt thiếp
Nam viên lục thảo phi hồ điệp
去年何時君別妾
南園綠草飛蝴蝶
(Năm ngoái vào lúc nào chàng từ biệt thiếp?
Lúc ấy vườn nam cỏ xanh bươm bướm bay)
                                                                        (Lí Bạch – Tư  biên 李白 - 思邊)


4- BẮC
         Theo quan niệm xưa, nếu xếp 4 hướng theo thứ tự từ tốt đến xấu ta sẽ có Đông Nam Tây Bắc, Bắc được xếp ở vị trí cuối cùng. Bắc là nơi u tối lạnh lẽo. Trong giáp cốt văn, chữ “Bắc” () được viết như hình dáng hai người quay lưng lại với nhau. Trong các thư tịch cổ, chữ “Bắc” được dùng như chữ “bối” (). Dương là chính diện, là hướng Nam, âm là hướng sau lưng, là hướng Bắc, vì thế, từ nghĩa quay lưng lại dẫn đến nghĩa hướng Bắc chỉ phương vị. Vì là nơi u tối nên những gì thuộc Bắc đều có màu đen. Đen và Bắc cùng thuộc một hệ thống. Ở Hải nội kinh (海內經) trong Sơn hải kinh (山海經) ghi rằng:
          Bắc hải chi nội, hữu sơn danh viết U Đô chi sơn, hắc thuỷ xuất yên. Kì thượng hữu huyền điểu, huyền xà, huyền báo, huyền hổ, huyền hồ bồng vĩ.
          北海之內, 有山名曰幽都之山, 黑水出焉. 其上有玄鳥, 玄蛇, 玄豹, 玄虎, 玄狐蓬尾.
          (Trong biển bắc có một ngọn núi tên là U Đô, dòng nước đen xuất phát từ đó. Trên núi có chim đen, rắn đen, báo đen, cọp đen, chồn đen)
          Phương Bắc có “U Đô” (幽都), “U Châu” (幽州), “U Thiên” (幽天) đều là những nơi u tối.
          Nam thuộc dương, Bắc thuộc âm nên Bắc và giới nữ có mối liên hệ. Trong văn học dùng “Bắc đường” (北堂) để chỉ người mẹ.
Bắc đường thị thiện xâm tinh khởi
北堂侍膳侵星起
(Lo phụng dưỡng mẹ, mờ mờ sáng đã thức dậy)
                     (Vương Vũ Xứng – Kí Kim Hương Trương Tán tán thiện
                                         王禹偁 - 寄金鄉張贊善)

Bắc đường thiên vạn thọ
北堂千萬壽
(Bắc đường thọ ngàn vạn tuổi)
(Lí Bạch – Tặng Lịch Dương Chử Tư mã 李白 - 贈歷陽褚司馬)
          Sở dĩ cỏ huyên cùng với mẹ có liên quan với nhau là bởi kết quả ảnh hưởng của từ “Bắc đường”. Ở Mao truyện (毛傳) đã đem chữ “bối” () trong câu “Ngôn thụ chi bối” (言樹之背) giải thích là “Bắc đường”. Các nhà thơ đã liên tưởng đến ý này nên đã dùng “Huyên đường” (萱堂), “Bắc đường huyên” (北堂萱) để chỉ người mẹ.
          Nam chủ về sinh, Bắc chủ về tử, vì thế Bắc là hướng tử vong, là nơi thu gom cất dấu muôn vật. Người mất được chôn ở phương Bắc, đầu hướng về Bắc:
Táng vu bắc phương, bắc thủ
葬于北方, 北首
(Chôn ở phương bắc, đầu hướng về bắc)
                                                            (Lễ kí – Đàn Cung hạ 禮記 - 檀弓下)

Sinh giả nam hướng, tử giả bắc thủ
生者南向, 死者北首
(Khi sống mặt hướng về nam, lúc mất đầu quay về bắc)
                                              (Khổng Tử gia ngữ - Vấn lễ 孔子家語 - 問禮)
          Trong lịch sử Trung Quốc, nơi chôn cất nổi tiếng phần nhiều là ở núi Bắc Mang (北邙) (cũng được viết là 北芒). Từ thời Đông Hán về sau, vương hầu công khanh của các triều đại cũng được mai táng ở đó, nên từ “Bắc Mang” dùng để phiếm chỉ nơi chết chóc.
Bắc Mang sơn thượng liệt phần oanh
北邙山上列坟塋
(Trên núi Bắc Mang đầy phần mộ)
                                                (Thẩm Thuyên Kì – Mang sơn 沈佺期 - 邙山)

Nhất đán bách tuế hậu,
Tương dữ hoàn Bắc Mang
一旦百歲後
相與還北邙
(Ngày kia rồi trăm tuổi
Về cùng với Bắc Mang)
                                                    (Đào Uyên Minh – Nghĩ cổ 陶淵明 - 擬古)

Hà sự bi hoan lệ mãn cân,
Phù sinh cộng thị Bắc Mang trần
何事悲歡淚滿巾
浮生共是北邙塵
(Việc gì phải đau buồn, vui mừng lệ thấm khăn
Cuộc đời phù sinh tất cả rồi sẽ là cát bụi ở Bắc Mang)
                                      (Âu Dương Chiêm – Quan tống táng 歐陽詹 - 觀送葬)
          Vua Trụ soạn ra nhạc Bắc lí mang những âm thanh dâm ô. Có nhạc Bắc lí tất có điệu múa Bắc lí, vì do diễn tấu ở Bắc lí nên có tên gọi như thế. Bắc lí là loại vũ nhạc dâm ô, phương Bắc là nơi u tối, chọn nơi u tối để diễn tấu thích hợp cho việc làm u tối. Vì thế, các kĩ viện ở Trường An vào đời Đường đều ở tại phía Bắc của Trường An, và cũng được gọi là Bắc lí. Sự xếp đặt này cho thấy người xưa đã chịu ảnh hưởng của quan niệm truyền thống.
          Tóm lại, qua những điều trình bày ở trên, chúng ta hiểu được sâu hơn về bốn từ chỉ phương vị này. Và có thể lí giải được rằng tại sao khi nói đến các cặp phương vị từ, chúng ta thường nói Đông – Tây, Nam – Bắc hoặc Đông Nam – Tây Bắc. Chúng ta cũng sẽ hiểu sâu hơn khi gặp những từ chỉ phương vị này trong tác phẩm văn học, đặc biệt là văn học cổ./.
                                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn, ngày 3 tháng 1 năm 2002



TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH


TỪ ĐIỂN
1-HÙNG QUANG NGHĨA (chủ biên), Trung Quốc Thành ngữ đại từ điển, Viễn Đông đồ thư công ty ấn hành. (bản Trung văn)
2-HỨA THẬN (Hán) (1996), Thuyết văn giải tự, Trung Hoa thư cục xuất bản. (bản Trung văn)
3-NGUYỄN TÔN NHAN (2002), Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM.
4-THIỀU CHỬU (1993), Hán Việt tự điển, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, HCM.
5-Từ Hải, Thượng Hải Phúc châu lộ, Trung Hoa thư  cục xuất bản, năm 1967 (bản Trung văn)
6-Từ điển Trung – Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992


SÁCH
1-DƯƠNG LÂM (1996), Hán ngữ từ hối dữ Hoa Hạ văn hoá, NXB Ngữ văn, Bắc Kinh, Trung Quốc. (bản Trung văn)
2- LÊ NGUYỄN LƯU: Đường thi tuyển dịch. NXB Thuận Hoá, 1997
3- NGUYỄN HIẾN LÊ:  Cổ văn Trung Quốc. NXB Tao đàn – Sài gòn, 1965


0 nhận xét:

Đăng nhận xét