About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Về sự ra đời trang blog Huỳnh Chương Hưng - Trần Xuân Toàn

Về sự ra đời trang blog Huỳnh Chương Hưng

(Trần Xuân Toàn)

Lâu nay, nói đến anh Huỳnh Chương Hưng, giảng viên Hán-Nôm, đang công tác tại khoa Ngữ Văn, trường Đại học Quy Nhơn, thì từ đồng nghiệp cũ và mới cho đến học trò, sinh viên xưa và nay, đều nói: anh là một thầy giáo mẫu mực, uyên bác; từ bạn bè thân quen cho đến những người tiếp xúc với anh vài lần, đều bảo: đấy là một người rất gần gũi, hiểu người, hiểu đời và rất khiêm cung.
Quả vậy, chỉ cần ai đó tiếp xúc với anh một vài lần đều không thể quên một con người gầy gò, mảnh mai, rất dễ  gần, nói năng nhỏ nhẹ nhưng uyên bác, chỉn chu trong mọi công việc, luôn dành mối quan tâm của mình đến người khác…Bạn bè, đồng nghiệp, học trò thường xem anh như một nho sĩ thời hiện đại, một kẻ sĩ như cách người xưa gọi.
Ngoài giảng dạy là công việc chính, đòi hỏi anh phải luôn đọc sách, viết lách, dịch thuật, … mọi người còn biết đến anh với nhiều tài năng khác. Anh vẽ những bức tranh, bức thư pháp không thua kém một họa sĩ thực thụ nào. Anh dịch thuật nhiều văn bản Hán Nôm nhuần nhuyễn đến nỗi những bậc túc nho khác đôi lúc cũng phải nhờ cậy, tham vấn đến anh. Ngoài chữ Hán, chữ Nôm là sở trường chính trong giảng dạy, anh còn biết những 4-5 ngôn ngữ khác. Thi thoảng anh cũng viết văn, làm thơ để trãi lòng mình với mình, với người và với đời. Những gì anh sáng tạo xứng danh với công việc của một trí thức uyên bác.
Nhưng chỉ tiếc, những hiểu biết của anh, ngoại trừ anh chia sẻ hết lòng với sinh viên trên lớp, anh không “thèm” chia sẻ với ai nữa.
Những bức tranh, thư pháp rất công phu và rất có hồn, ai cần, anh sẵn lòng chia sẻ để làm vui trong tư gia của một ai đó làm của riêng. Anh dịch thuật và nghiên cứu rất nhiều, nhưng anh chưa chịu công bố dưới bất kì hình thức phổ thông nào, nên vẫn còn ở dạng bản thảo. Nhiều lần bảo anh in báo, anh khiêm nhường bảo: chưa đủ độ chín; khuyên anh in sách, anh bảo không đủ tiền. Nói rằng, bạn bè, học trò sẽ gom góp tài chính để in, chuyện dễ như trở bàn tay, anh nói: phiền lắm. Anh khiêm tốn và không muốn làm phiền đến ai khác, huống hồ ở đây lại liên quan đến tiền nong!
Thơ, văn anh cũng vậy, làm ra, anh chỉ để ngâm ngợi cho riêng mình.
Anh Hưng ơi, có phải người ta định nghĩa [1]:
- Kẻ Sĩ: Sĩ là người học trò-Người nghiên cứu học vấn (Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh). Đành rằng Sĩ là người học trò, song theo quan niệm của ông cha ta xưa : “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người học trò xưa trước khi trau dồi kiến thức (hiểu biết) phải “học Lễ” tức học luân lý đạo đức - học “làm người” trước hết, tức là đặt cái học “thành Nhân” lên trên cái học “thành Công” như trong thời đại chúng ta! Không những thế, các tiên nho còn đưa ra các châm ngôn có tính cách khuôn vàng thước ngọc cho các “kẻ Sĩ” mà tiêu biểu cho tinh thần kẻ sĩ là câu “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lac” (lo trước nỗi lo của thiên ha và vui sau điều thiên hạ vui”. Do trên chúng ta có thể rút ra một kết luận khá chân xác về Kẻ Sĩ là: “Người có đạo đức + kiến thức+ có lý tưởng + và trách nhiệm phụng sư tha nhân”. Thiếu một trong 4 yếu tố nói trên, không phải là Kẻ Sĩ và càng không bao giờ có tinh thần “kẻ sĩ” cả! Hai chức năng chính của kẻ Sĩ là “hướng Thượng” và “hướng Tha”. Hướng thượng là hướng về Trời, về Đạo Đức Tâm linh. Còn hướng tha là có lòng yêu người, yêu dân tộc, yêu đồng bào và yêu nhân loại. Do vậy, nếu người trí thức hay “kẻ Sĩ” nào mà không biết sống “hướng Thượng” cũng chẳng “hướng Tha” thì không xứng đáng là “kẻ sĩ’ hay “ người trí thức” vậy.
- Trí Thức: Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, “Trí thức”:  người học giỏi, hiểu biết nhiều”. Nhưng nếu chỉ như vậy thôi thì định nghĩa về người trí thức sẽ, hoặc thiên về chuyên môn, hoặc thiên về lợi ích cá nhân và dĩ nhiên là không đầy đủ so với định nghĩa về “Kẻ sĩ” bao gồm 4 yếu tố hay 2 chức năng kể trên. Theo Paul Alexandre Baran (một kinh tế gia và cũng là một học giả nổi tiếng Hoa Kỳ) trong bài “Thế nào là người trí thức”? (The Commitment of the intellectual) tác giả phát biểu về người trí thức là người “lao động về trí óc” và ngoài yếu tố kiến thức ra, người trí thức còn là người hội đủ có các yếu tố: (1) Trung lập về đạo đức (2) Khao khát chân lý (3) Tôn trọng sự thật (4) trí thức, còn là người phê phán xã hội…. Qua nhận định của Paul Alexandre Baran về người trí thức, chúng ta thấy định nghĩa này gần như tương đương, tương đồng với định nghĩa về vai trò của “kẻ Sĩ” theo quan niệm của Đông phương và Việt Nam.
- Sĩ Phu: Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, “sĩ phu chính nghĩa là người đàn ông. Dùng nghĩa rộng là những người có học thức trong môt nước” hay theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức- Lê Ngọc Trụ hiệu đính thì “Sĩ phu: dt, Đàn ông//người tai mắt trong một xã hội”. Vậy theo định nghĩa của cả hai ông Đào Duy Anh và Lê Văn Đức, sĩ phu là người trí thức có tầm vóc quốc gia. Đây là định nghĩa phổ thông mà mọi người chúng ta đều có thể chấp nhận được. Tóm lại, Sĩ Phu là người có công trình Lập Đức- Lập Công hay Lập Ngôn. Nếu không đòi hỏi cả “tam lập” thì ít nhất cũng đạt được “Nhất Lập” trong “Tam lập” nói trên, mới xứng đáng là bậc Sĩ Phu.
Nếu vậy thì hãy xem lại con người anh Huỳnh Chương Hưng, đã là một kẻ sĩ, một trí thức trọn vẹn chưa?
Than ôi, một con người mong chia sẻ hiểu biết của mình cho học trò, cho mọi người nhưng lại quá khiêm nhường, sợ phiền lụy người khác thành ra không đạt đến cái muốn của mình, cái được của người.
Trong việc này, anh Huỳnh Chương Hưng quả là người quá “ích kỉ” vì chỉ biết vui cái vui riêng mình, chỉ biết lo cho cái lo riêng mình (không để người khác lo cùng!), không được như người xưa “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lac”, ngay cả trong thời buổi mà nhật ký riêng mình người ta cũng sẵn lòng phơi ra cho thiên hạ thấy trong bờ lốc bờ liếc (blog) vậy!
Nếu anh Huỳnh Chương Hưng đem hiểu biết của mình chia sẻ, tranh biện với người khác để đi đến tận cùng của chân lý hẳn anh là một kẻ sĩ, một trí thức trọn vẹn!
Mấy lời đại ngôn nói trên, e sẽ không làm vừa lòng với con người khiêm cung như anh Huỳnh Chương  Hưng. Dẫu biết vậy, nhưng người viết những dòng này vẫn không thể nói khác đi được. Chắc anh và mọi người biết về anh cũng lượng thứ.
Chỉ mong anh như kẻ sĩ, trí thức mọi thời, chia sẻ hiểu biết của mình để giúp ích phần nào cho người, cho đời, nhất là trong thời buổi của thời đại @ này, thời đại của thế giới phẳng nhờ vào công nghệ số với internet, email, blog, facebook… làm cho con người dù ở bất cứ phương trời nào, dù xa xôi có bao nhiêu cũng xích lại gần nhau.
Mong lắm thay!
Và đó cũng là lý do mà những đồng nghiệp, học trò và bạn bè gần xa đã “nhỏ to” để anh đồng ý cho sự xuất hiện của trang blog Huỳnh Chương Hưng này.
“Cuộc sống đó có bao nhiêu mà hững hờ”. Mong rằng anh Hưng sẽ không “hững hờ” với những quan tâm của mọi người yêu mến anh!

                                                  Trần Xuân Toàn



[1] http://nghiathuc.wordpress.com/2011/06/01/vai-tro-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%87nh-c%E1%BB%A7a-k%E1%BA%BB-si-tri-th%E1%BB%A9c-va-si-phu-th%E1%BB%9Di-d%E1%BA%A1i/


 Người đăng: Phan Tới


Mọi bài viết của bạn bè, đồng nghiệp, độc giả ... xin vui lòng liên hệ qua mail: phantoixp@gmail.com (Phan Tới) để đưa lên blog .




 


 

1 nhận xét:

Huỳnh Chương Hưng nói...

Cám ơn em. Chúc em luôn vui khoẻ

Đăng nhận xét