ĐIỀN ĐAN
Điền Đan 田单, không rõ năm sinh năm mất. Hiệu An Bình Quân 安平君, Bình Đô Quân平都君. Tể tướng đời Tương Vương Điền Pháp Chương 襄王田法章, Tề Vương Điền Kiến 齐王田建 của nước Tề, một trong những hiền tướng thời Chiến Quốc, quân sự gia trứ danh. Kết cục không rõ.
Điền Đan người Lâm Tri 临淄 (nay là phía đông bắc Lâm Bác 临博 tỉnh Sơn Tây), tông tộc xa của vương thất nước Tề. Lúc trẻ thích nghiên cứu quân sự, từng giữ chức Tri Bác Thị duyện 淄博市掾 thời Tề Mẫn vương 齐湣王. Năm 284 trước công nguyên, Nhạc Nghị 乐毅 thống lĩnh quân Yên, liên hợp với nước Triệu, Nguỵ, Sở tấn công nước Tề, công phá đô thành Lâm Tri, bức Tề Mẫn Vương bỏ chạy đến đất Cử莒, Điền Đan đưa tông tộc chạy đến Tức Mặc 即墨. Chẳng bao lâu Tề Mẫn Vương bị Trác Xỉ 淖齿 giết chết. Năm sau, bách tính đất Cử giết Trác Xỉ, lập thái tử Điền Pháp Chương 田法章 làm Tương Vương.
Lúc bấy giờ, Nhạc Nghị dẫn quân liên tục tấn công dũng mãnh, chiếm luôn hơn 70 thành, nước Tề chỉ còn 2 thành là Cử và Tức Mặc. Nhạc Nghị lại phái binh tấn công Tức Mặc, vị tướng giữ Tức Mặc đem quân nghinh chiến, binh bại trận vong, nhất thời, trong thành như quần long vô thủ, lòng người khủng hoảng. Nhân Điền Đan hiểu biết về quân sự, lại là tông tộc xa của vương thất, bách tính liền cử Điền Đan làm tướng, thống lĩnh bách tính giữ thành. Điền Đan thu thập tàn binh, tổ chức bách tính, đem gia thuộc và người trong tộc biên chế vào quân đội, ra sức chống đỡ, trải qua mấy năm, Tức Mặc vẫn vững vàng.
Năm 279 trước công nguyên, Yên Chiêu Vương 燕昭王 bệnh và qua đời, Huệ Vương 惠王 tức vị. Điền Đan thừa cơ phái người đến nước Yên thực thi kế phản gián, phao tin Nhạc Nghị cố ý án binh bất động; không đi đánh đất Cử và Tức Mặc là muốn tự xưng vương tại nước Tề; nếu như thay tướng khác để tấn công, nhất định sẽ công hạ được 2 thành. Huệ Vương tin lời đồn, đổi Kị Kiếp 骑劫 thống soái đến Tề, Nhạc Nghị giận bỏ về nước Triệu.
Kị Kiếp ngạo mạn khinh địch, vừa đến Tề đã hạ lệnh tấn công Tức Mặc, lại đem tù binh nước Tề ra xẻo mũi, san phá phần mộ tổ tiên của người dân nước Tề ở ngoài thành. Việc này đã làm cho dân quân Tức Mặc đồng lòng chống giặc, mọi người đều liều chết chiến đấu. Điền Đan sai người giả làm phú hộ trong thành, ngầm mang lễ vật tặng cho Kiêu Kị, thỉnh cầu sau khi thành bị phá xin được bảo toàn tấm thân. Còn nói rằng, lương thực trong thành đã hết, kiên trì chẳng được bao lâu, vài ngày sau sẽ đầu hàng. Kiêu Kị tin theo cho là thật, lơi lỏng ý chí chiến đấu, một lòng chờ quân Tề đến đầu hàng.
Bấy giờ, Điền Đan chọn hơn một ngàn con trâu khoẻ mạnh, trên sừng trâu buộc dao nhỏ, thân khoác tấm chăn có hoa văn xanh, đuôi trâu còn buộc thêm bó cỏ lau có tẩm dầu. Vào lúc đêm khuya, Điền Đan hạ lệnh đục mười mấy chỗ nơi tường thành, đốt đuôi trâu, xua bầy trâu ra ngoài. Bầy trâu bị nóng hung hãn chạy xông vào doanh trại quân Yên. Điền Đan lại tổ chức 5000 dũng sĩ theo sau bầy trâu vào trận. Bách tính trong thành lên thành hò hét trợ uy. Quân Yên không đề phòng bị bầy trâu đang giận và quân Tề dũng mãnh giết chết vô số, chủ tướng Kị Kiếp cũng bị giết chết. Như vậy, không những giải vây được Tức Mặc, mà còn khiến cho người nước Tề lũ lượt bạo động, hưởng ứng theo đội quân Điền Đan thừa thắng phản công. Mấy tháng sau, Điền Đan thu phục lại hơn 70 toà thành, cứu được nước Tề, được Tề Tương Vương bái làm Tướng quốc, phong tước An Bình Hầu.
Năm 265 trước công nguyên, Tề Vương Điền Kiến 田建 tức vị, Điền Đan vẫn giữ chức Tướng quốc. Năm sau, được phái sang nước Triệu nhậm chức Tướng quốc. Kết cục không rõ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/8/2015
Nguyên tác Trung văn
ĐIỀN ĐAN
田单
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
0 nhận xét:
Đăng nhận xét