About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Điển cố "Thuần lư chi tư"

ĐIỂN CỐ “THUẦN LƯ CHI TƯ”

          Điển cố “Thuần lư chi tư” 莼鲈之思 xuất xứ từ Tấn thư – Trương Hàn truyện 晋书 - 张翰传. Trong Thế thuyết tân ngữ 世说新语 của Lưu Nghĩa Khánh 刘义庆 nhà Tống thời Nam triều cũng có ghi. Trương Hàn 张翰 là văn học gia thời Tây Tấn, người đất Ngô (nay là Tô Châu 苏州 Giang Tô 江苏), từng làm quan cho Tề Vương Tư Mã Quynh 司马冏. Trương Hàn thấy Tư Mã Quynh kiêu xa ngang ngược, lại đắm chìm trong tửu sắc nên cảm thấy thất vọng, tương lai thất bại sẽ liên luỵ đến mình. Nhân thấy gió thu nổi lên, nhớ đến món ăn ở quê nhà là canh rau thuần, gỏi cá lư nên liền từ quan trở về. Trương Hàn về quê ẩn cư chẳng bao lâu, Trường Sa Vương phát binh đánh Tề Vương Tư Mã Quynh, Tề Vương bị chém, Trương Hàn tránh được cái hoạ. Mọi người cho rằng Trương Hàn biết trước, nhớ canh rau thuần, gỏi cá lư chẳng qua chỉ là lí do để thoái bộ lui chân. Người đời sau dùng “Thuần lư chi tư” để chỉ việc trốn đời ở ẩn.
          Nhưng, phải thừa nhận rằng, canh rau thuần, gỏi cá lư quả thực là đặc sản của đất Ngô.
          Thuần là một loại thực vật thuỷ sinh, cũng còn được gọi là “thuỷ quỳ” 水葵. Lấy rau thuần làm canh từ xưa đã có. Riêng canh rau thuần trở thành điển cố  cũng có xuất xứ từ một chuyện khác, xuất xứ từ Lục Cơ truyện 陆机传 trong Tấn Thư 晋书. Truyền thuyết kể rằng, Lục Cơ đến Lạc Dương, bái yết quan Thị trung Vương Tế 王济, Vương Tế chỉ món sữa dê nói với Lục Cơ rằng: “Ở đất Ngô có món nào ngon hơn món sữa dê ngon này không?” Lục Cơ đáp rằng: “Có canh rau thuần ở hồ Thiên Lí, khi nấu không cần dùng muối, tương làm gia vị”. Lục Du 陆游 thi nhân thời Nam Tống có viết:
Khương nghi sơn mính lưu nhàn xuyết,
Thị hạ hồ thuần hỉ cộng phanh
姜宜山茗留闲啜
豉下湖莼喜共烹
Trà núi pha gừng để dành khi nhấp chén
Rau thuần ở hồ thêm chút đậu chao cùng vui nấu
chính là dùng điển cố này.
          Cá lư mà dùng để làm gỏi cá còn có tên là “Hoa cô ngư” 花姑鱼, “Tức phụ ngư” 媳妇鱼, “Hoa hoa nương tử” 花花娘子, đây là đặc sản nổi tiếng Giang Nam, thịt của cá tươi mềm, mùi vị thơm ngon, được khen tặng là giai vị của vùng đông nam. Thời cổ nhiều người đã lấy cá này làm gỏi cho nên gọi là “gỏi cá lư”. Cá lư là không những là loại cá ngon mà còn có một câu chuyện thú vị. Trong Hậu Hán thư – Tả Từ truyện 后汉书 - 左慈传 có kể rằng:
           Tả Từ 左慈, tự Nguyên Phóng 元放 người Lư Giang 庐江, từ nhỏ đã học phép thuật thần tiên, từng đến chỗ Tư không Tào Tháo 曹操 dự tiệc. Hôm đó Tào Tháo nói với tân khách rằng: ‘Nay các vị khách quý tụ hội, sơn hào hải vị đều có đủ, chỉ thiếu món cá lư ở Tùng giang 松江 mà thôi.’ Tả Từ lên tiếng đáp rằng: ‘Có cá lư không khó.’ Liền lấy một chiếc chậu đồng đổ đầy nước, dùng cần câu câu trong chốc lát, quả nhiên được mấy con cá lư, mỗi con dài khoảng 3 xích, vẫn còn quẫy đuôi. Tào Tháo liền hạ lệnh làm gỏi cá lư trước mặt mọi người, mọi người được một bữa ngon.
          Câu chuyện trên, bất luận là Tả Từ biểu diễn ảo thuật hoặc tác giả hư cấu, cũng đều phản ánh gỏi cá lư là món ngon nổi tiếng lúc bấy giờ.
          Cá lư, rau thuần cố nhiên mùi vị thơm ngon, nổi tiếng từ lâu, nhưng sở dĩ danh tiếng được vang xa đó là còn nhờ vào có mối quan hệ mật thiết với Trương Hàn. Đàm Thược 谈钥 (1) đời Tống trong Gia Thái Ngô Hưng chí 嘉泰吴兴志 khi nói đến cá lư đã viết:
Nhục tế mĩ, nghi canh, hựu khả vi quái, Trương Hàn sở tư giả
肉细美, 宜羹, 又可为脍, 张翰所思者.
          (Thịt của cá tươi mềm, thích hợp nấu canh, cũng có thể làm gỏi, đó là cá mà Trương Hàn nhớ đến).

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Gia Thái Ngô Hưng chí 嘉泰吴兴志  do Đàm Thược 谈钥 đời Tống biên soạn. Đàm Thược có tên tự là Phù Thời 符时 người Quy An 归安, đậu Tiến sĩ năm Thuần Hi 淳熙 thứ 8 (năm 1181). Nguyên tác in nhầm là Đàm Minh 谈明.
          Nguồn: http://www.docin.com/p-42349180.htm

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn ngày 15 tháng 6 năm 2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
“THUẦN LƯ CHI TƯ” ĐÍCH ĐIỂN CỐ
莼鲈之思的典故
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ
ẨM THỰC
中国民俗文化
饮食
Chủ biên: Chu Ưng (朱鹰)
Trung Quốc xã hội xuất bản xã, năm 2005

0 nhận xét:

Đăng nhận xét