TIỂU DANH VÀ QUAN DANH
Người xưa thường theo độ tuổi khác nhau mà có 2, 3 tên thậm chí 4 tên. Tên khi còn nhỏ là “nhũ danh” 乳名, lúc thiếu niên là “tiểu danh” 小名, thanh niên là “học danh” 学名 (thường là những ai đi học mới có), tên sau khi thành niên, đặc biệt là khi có địa vị trong xã hội là “đại danh” 大名. Ví dụ Nguỵ Vương Tào Tháo 曹操 thời Tam quốc, tiểu danh là A Man 阿瞒, mọi người gọi là Tào A Man. Lưu Thiện 刘禅 tiểu danh là A Đẩu 阿斗. Đối với người, chỉ gọi đại danh, không gọi nhũ danh, tiểu danh, học danh. Gọi đại danh đa phần là để biểu thị sự trang trọng và tôn kính. Nhưng có lúc trong những trường hợp đặc biệt cũng có thể dùng nhũ danh hoặc tiểu danh, những trường hợp này thường mang tính chất trào lộng. Đối với một nhân vật trọng đại nào đó lại càng như vậy. Ví dụ: Tân Khí Tật 辛弃疾, từ nhân thời Nam Tống, trong bài từ Vĩnh ngộ lạc – Kinh Khẩu Bắc Cố đình hoài cổ 永遇乐 - 京口北古亭怀古 đã viết:
Tà dương thảo thụ, tầm thường hạng mạch, nhân đạo Kí Nô tằng trú.
斜阳草树, 寻常巷陌, 人道寄奴曾住
(Nắng chiều chiếu khắp cỏ cây, cả những ngõ đường bình thường, người ta nói rằng Kí Nô từng sống ở nơi đây)
Kí Nô 记奴 tức tiểu danh của Nam triều Tống Vũ Đế Lưu Dụ 刘裕, tổ tiên của ông là người Bành Thành 彭城, sau dời đến Kinh Khẩu 京口. Lưu Dụ sinh trưởng ở nơi đây. Trong bài từ, Tân Khí Tật đã dùng “tiểu danh” của Lưu Dụ mà không dùng “đại danh” khiến cho bài từ chân thật lại thêm thú vị.
Quan danh 官名
Với người xưa, những ai từng làm quan thường xưng quan danh.
Đào Uyên Minh 陶渊明 thời Đông Tấn từng làm huyện lệnh Bành Trạch 彭泽 83 ngày, người thời bấy giờ gọi ông là Đào lệnh 陶令.
Đỗ Phủ 杜甫 thời Đường từng giữ chức Tả thập di 左拾遗, Công bộ viên ngoại lang 工部员外郎, người đời gọi ông là Đỗ thập di 杜拾遗, Đỗ công bộ 杜工部.
Văn học gia Tống Liêm 宋濂 thời Minh từng là Hàn lâm học sĩ 翰林学士, người đời gọi ông là Tống học sĩ 宋学士.
Quan danh cũng bao gồm cả địa danh nơi từng nhậm chức.
Thi nhân Vương Xương Linh 王昌龄 thời Đường từng nhậm chức Huyện thừa ở Giang Ninh 江宁 nên người đời gọi ông là Vương Giang Ninh 王江宁.
Thi nhân Vi Ứng Vật 韦应物 thời Đường từng làm Thứ sử Giang Châu 江州, Thứ sử Tô Châu 苏州 nên người đời cũng gọi ông là Vi Giang Châu 韦江州, Vi Tô Châu 韦苏州.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 8 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TIỂU DANH DỮ QUAN DANH
小名与官名
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét