THƯ ĐỒNG VĂN
Văn tự Trung Quốc có nguồn gốc từ lâu, đến thời Xuân Thu Chiến quốc, chính trị xã hội, kinh tế, văn hoá biến đổi cực kì nhanh chóng, đồng thời luôn ở vào trạng thái phân liệt cát cứ, đến nỗi xuất hiện cục diện “ngôn ngữ dị thanh, văn tự dị hình” 言语异声,文字异形. Cùng một chữ, giữa các nước thậm chí trong cùng một nước đều có cách viết khác nhau. Thể chữ tiểu triện 小篆 mà nước Tần sử dụng trước khi thống nhất là trên cơ sở thể chữ đại triện 大篆 diễn biến mà ra. Đại triện so với tiểu triện đã khó viết khó nhận biết, nhưng “lục quốc văn tự” so với thể chữ triện lại càng khó nhận biết hơn. Văn tự bất nhất tạo ra chướng ngại nghiêm trọng trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng.
Năm Thuỷ Hoàng 始皇 thứ 26 (năm 221 trước công nguyên), khi vừa mới thống nhất xưng đế, Thuỷ Hoàng đã tiếp thụ kiến nghị của Lí Tư 李斯, hạ lệnh “thư đồng văn tự” 书同文字. Quy định lấy thể chữ tiểu triện của Tần làm thể chữ thống nhất, bãi bỏ “những thể chữ không hợp với văn tự nước Tần”. Thể tiểu triện của Tần là trên cơ sở văn tự nước Tần kết hợp với thể đại triện Chu Tần, với những ưu điểm của chữ khoa đẩu 蝌蚪 của Tề Lỗ sửa đổi mà thành. Để thực hiện rộng rãi thể chữ này, Thuỷ Hoàng đã lệnh cho Lí Tư, Triệu Cao 赵高, Hồ Vô Kính 胡毋敬 lần lượt dùng thể tiểu triện biên soạn các thiên sách như Thương Hiệt thiên 仓颉篇, Viên Lịch thiên 爰历篇, Bác học thiên 博学篇 để làm bản mẫu văn tự quan phương tiêu chuẩn, ban hành trong cả nước. Mặc dù 3 thiên này đã mất từ lâu, nhưng từ các bản khắc trên đá còn lưu lại tương truyền là do nhóm của Lí Tư khắc, chúng ta có thể thấy được diện mạo của nó. Những bản khắc trên đá còn lưu truyền đến nay có Thái sơn khắc thạch 泰山刻石, Lang Nha đài khắc thạch 琅琊台刻石, cùng với 2 bản mẫu khắc đá ở Dịch sơn 峄山 thuộc Sơn Đông 山东 và ở Cối Kê 会稽 thuộc Triết Giang 浙江. Nét bút đơn giản, chỉnh tề, đều đặn, đem văn tự phát triển lên đến một trình độ mới.
“Thư đồng văn” của Thuỷ Hoàng còn có cống hiến to lớn khác, trừ thể chữ tiểu triện pháp định ra, thể chữ lệ giản dị cũng được sử dụng rộng. Tương truyền, lệ thư do Trình Mạo 程邈 sáng tác. Trình Mạo bị tội phải vào ngục, hơn 10 năm ông miệt mài cuối cùng sáng tạo ra thể chữ dẹt, vuông gãy, viết rất nhanh và giản tiện. Do nhà Tần gọi những tội đồ là “lệ” 隶 cho nên thể chữ đó gọi là “lệ”. Thuỷ Hoàng rất thích thể chữ này, không những miễn tội cho Trình Mạo mà còn cho ông làm quan. Từ đó về sau, lệ thư lưu hành trong cả nước. Đời Tần thông hành lệ thư không phải là truyền thuyết mà là sự thực lịch sử, từ những tài liệu vật thực có thể chứng minh điều đó. Tần luật và Ngữ thư 语书 trên những thẻ tre đời Tần trong một ngôi mộ ở Thuỵ Hổ địa 睡虎地 (1) đã viết theo thể chữ lệ. Thông qua truyền thuyết Trình Mạo sáng tạo lệ thư, chúng ta có thể thấy ở thời đại trọng pháp trị, nhiều hình ngục, nhiều công văn, vì để nâng cao hiệu suất, giảm bớt thời gian, giản hoá cách viết, mới sản sinh ra thể chữ lệ. Lệ thư rất có khả năng là trên cơ sở sáng tạo của quần chúng, thêm gia công chỉnh lí được Thuỷ Hoàng chấp nhận và lưu hành rộng rãi, chứ không phải là do một mình Trình Mạo sáng tạo ra. Sự thực, như Lí Học Cần 李学勤 trong Tần giản đích cổ văn học khảo sát 秦简的古文学考察 đã nói: ngọn nguồn của lệ thư phải truy ngược đến cuối thời Chiến quốc, thế thì lệ thư càng có khả năng thoát thai từ cổ lệ của nước Tần. Sự ra đời của lệ thư là một sự kiện quan trọng trong lịch sử văn tự và lịch sử thư pháp ở Trung Quốc, nó đánh dấu việc văn tự Trung Quốc từ cổ thể chuyển sang kim thể, đặt nền móng cho thể chữ khải.
Đời Tần thống nhất văn tự, đã khiến cho thể chữ tiểu triện và chữ lệ trở thành thể chữ thông hành trong cả nước, nó có sự đóng góp to lớn đối với sự phát triển văn hoá Trung Hoa. Trung Quốc đất rộng, phương ngôn các vùng khác nhau rất lớn, nhưng tính đại biểu của Hán tự mạnh, thống nhất văn tự ắt có lợi cho việc khắc phục những chướng ngại về phương ngôn trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, thúc đẩy sự phát triển của một đất nước đa dân tộc và hình thành thể cộng đồng văn hoá Trung Hoa.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Những thẻ tre đời Tần ở Thuỵ Hổ địa tức “Thuỵ Hổ địa Tần giản” 睡虎地秦简, cũng còn được gọi là “Vân Mộng Tần giản” 云梦秦简 được phát hiện vào tháng 12 năm 1975 ở ngôi mộ số 10 tại Thuỵ Hổ địa thuộc huyện Vân Mộng tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, ghi chép lại những pháp luật và công văn lúc bấy giờ.
Nội dung trên thẻ tre sau khi chỉnh lí được đưa vào bộ Thuỵ Hổ địa Tần mộ trúc giản 睡虎地秦墓竹简. Những thẻ tre này là tư liệu quý giá để nghiên cứu về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật, quân sự từ cuối thời Chiến quốc cho đến thời Tần, và cũng tài liệu để hiệu đính các thư tịch cổ.
Theo khảo chứng, chủ nhân của ngôi mộ có tên là “Hỉ” 喜, lúc sinh tiền từng đảm nhiệm qua chức Lệnh sử của huyện, và có tham dự việc “trị ngục”. Có khả năng những thẻ tre này chủ nhân đã căn cứ vào nhu cầu công việc, sao chép lại pháp luật và văn thư pháp luật của triều Tần.
Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
Nguồn http://zh.wikipedia.org/wiki
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 1 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THƯ ĐỒNG VĂN
书同文
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 - 秦
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét