LĂNG MỘ THÀNH CÁT TƯ HÃN Ở ĐÂU?
Năm 1227 khi Thành Cát Tư Hãn 成吉思汗 thống lĩnh quân binh tiến đánh Tây Hạ 西夏 đã phát bệnh và qua đời. Nghe nói, mọi người tuân theo di mệnh của ông “bí bất phát tang” 秘不发丧 (bí mật, không phát tang), di thể được đưa về quê nhà, chôn thật sâu, cho muôn ngựa đạp bằng phần mộ, bên trên trồng cây thành rừng, cho nên mộ táng của Thành Cát Tư Hãn ở đâu, không ai biết được.
Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn mà được xây ở Y Kim Hoắc Lạc Kì 伊金霍洛旗tại khu tự trị Nội Mông vào năm 1954 không phải là nơi chôn di thể của Thành Cát Tư Hãn, đó chỉ là lăng mộ mang tính tượng trưng, tức mộ giả, bên trong hoàn toàn không có di thể của ông.
Thế thì di thể của Thành Cát Tư Hãn được chôn ở đâu? Sử sách đưa ra nhiều thuyết, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Theo Mã khắc . Ba La du kí 马克 . 巴罗游记 (1), di thể của Thành Cát Tư Hãn được an táng trên núi A Lặc Thái 阿勒泰. Thành Cát Tư Hãn khi dẫn quân đi đánh Tây Hạ mất ở huyện Thanh Thuỷ 清水 tỉnh Cam Túc 甘肃, trước khi mất, ông ra lệnh “bí bất phát tang” để tránh xáo động lòng quân. Vì thế các tướng đã đưa linh cữu của Thành Cát Tư Hãn về Nội Mông an táng, “trên đường đưa linh cữu của chủ tướng về núi A Lặc Thái, những kẻ hộ tống đã tuẫn táng những người mà họ gặp trên đường đi.”
Những ghi chép trong các sử sách Trung Quốc đều không nói rõ, hoặc chỉ nói ở “Khởi Liễn Cốc” 起辇谷, hoặc nói ở “Bất Nhi Hãn sơn” 不儿罕山 (nay là núi Đại Khẳng Đặc 大肯特của Cộng hoà nhân dân Mông Cổ).
Các nhà khảo cổ của viện bảo tàng Tân Cương 新疆 Trung Quốc phát hiện một ngọn núi nhân tạo thuộc dãy A Lặc Thái ở gần Tam Đạo Hải 三道海 huyện Thanh Hoà 青和 phía bắc Tân Cương, nghi ngờ đây là mộ của Thành Cát Tư Hãn, nhưng chưa xác nhận.
Kì thực, không chỉ Thành Cát Tư Hãn, lăng mộ của các vị quân chủ triều Nguyên đều chưa thể khảo chứng đích xác, điều này có lên quan đến phong tục mộ táng của đời Nguyên. Triều Nguyên tuy vào làm chủ trung nguyên nhưng vẫn bảo lưu tập tục Mông Cổ, phản ánh ở chế độ tang táng. Quý tộc thực hành tập tục bí mật mai táng. Theo những ghi chép trong các sử liệu, quý tộc Mông Cổ khi mất, mộ không vun thành nấm, chôn xong “cho ngựa đạp bằng”, sau đó tại mộ này, đem lạc đà con giết trước mặt lạc đà mẹ, lấy huyết rưới xuống, sai cả ngàn kị binh trông giữ. Đến mùa xuân năm sau, sau khi cỏ cây mọc lên tươi tốt, sĩ binh nhổ lều dời đi, mọi người chỉ nhìn thấy một vùng thảo nguyên rậm rạp, không biết mộ ở nơi nào. Nếu như hoàng đế muốn tế, thì cho lạc đà mẹ dẫn đường, nếu thấy lạc đà mẹ tới nơi nào mà kêu lên bi thương thì nơi đó là mộ. Do bởi trên mộ không có gì làm tiêu chí nên cũng không có cách gì nhận biết nơi có linh cữu. (Thảo mộc tử - 草木子).
Hiện nay, viên lăng của Thành Cát Tư Hãn toạ lạc ở Ngao Bao 敖包 (2) phía đông nam trấn Y Kim Hoắc Lạc Kì 伊金霍洛旗và A Đằng Tịch 阿腾席 của Nội Mông gọi là “Bát bạch thất” 八白室. “Bát bạch thất” do 8 gian phòng màu trắng cấu tạo nên. Do bởi quý tộc Mông Cổ có tập tục sau khi chôn không lưu lại dấu vết, không để ai biết nơi chôn, không có chỗ để tế tự, cho nên để kỉ niệm tổ tiên, mới sáng lập linh miếu để có thể tế tự, linh miếu này gọi là “Bát bạch thất”. Trong Mông Cổ nguyên lưu 蒙古源流 có ghi rằng:
Nhân vì không thể mời được kim thân, nên mới tạo ra trường lăng, tại nơi đó lập 8 gian phòng màu trắng, xây lăng tẩm tại Ngạc Đặc Khắc 谔特克 phía bắc núi A Nhĩ Đài 阿尔台, phía nam núi Cáp Đại 哈岱, đặt tên là Sách Đa Bát Khắc Đạt Minh Thành Cát Tư Hãn 索多博克达明成吉思汗. Về sau lưu truyền đến hiện nay.
Việc chọn nơi đó để xây lăng Thành Cát Tư Hãn có liên quan đến một truyền thuyết đẹp. Tương truyền vào năm 1226 Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh quân binh tiến đánh Tây Hạ, khi đi ngang qua cao nguyên phía nam của Mông Cổ (cao nguyên Ngạc Nhĩ Đa Tư 鄂尔多斯), có đến nơi này. Lúc bấy giờ đang là mùa xuân, cảnh sắc tươi đẹp nơi đây đã cuốn hút Thành Cát Tư Hãn khiến ông không nỡ ra đi, Sau khi trầm tư hồi lâu, Thành Cát Tư Hãn mới nói với những người chung quanh rằng: “Ta thấy nơi đây rất đẹp, sau khi ta mất có thể an táng ở đây”. Quả nhiên, qua năm sau (năm 1227), trên đường tây chinh, Thành Cát Tư Hãn bị bệnh và mất ở huyện Thanh Thuỷ. Di thể của ông do chư vương và Na Nhan 那颜 (tức thủ lĩnh quý tộc Mông Cổ) theo nguyện vọng của ông lúc sinh tiền, từ xa ngàn dặm đã đưa đến đây an táng. Từ đó, gọi nơi đây là Y Kim Hoắc Lạc 伊金霍洛, có nghĩa là “lăng viên của chủ nhân”.
Kiến trúc hiện có của lăng Thành Cát Tư Hãn là kiến trúc được trùng tu sau giải phóng (3). Năm 1939 trong thời kì chiến tranh chống Nhật, Đức Vương 德王 (4) đã bí mật sai Mông gian, Hán gian tiến hành mưu đồ trộm dời linh cữu (5) Thành Cát Tư Hãn đến Quy Tuy 归绥. Nhân dân Nội Mông biết tin đã kháng nghị kịch liệt. Dưới sự kêu gọi của nhân dân và các nhân sĩ yêu nước chống Nhật, chính phủ Quốc dân đảng buộc phải thành lập hội đồng di dời. Tháng 5 năm 1939 bắt đầu, trước tiên dời đến núi Hưng Long 兴隆 huyện Du Trung 榆中 tỉnh Cam Túc 甘肃. Tại Du Trung 11 năm, sau lại dời đến chùa Tháp Nhĩ 塔尔 tỉnh Thanh Hải 青海. Sau giải phóng, đáp ứng lời yêu cầu của các tộc nhân dân Nội Mông, mùa xuân năm 1954 đoàn đại biểu của khu tự trị Nội Mông đến chùa Tháp Nhĩ nghinh đón linh cữu Thành Cát Tư Hãn , và ngày 1 tháng 4 năm đó, linh cữu được đưa về Y Kim Hoắc Lạc. Trung ương cấp kinh phí 80 vạn nguyên để xây lại lăng.
Do bởi tập tục đặc biệt của tộc Mông Cổ nên lăng tẩm của Thành Cát Tư Hãn và của các đế vương triều Nguyên đều không rõ tung tích, khác với 2 triều Minh Thanh, lăng mộ của các đế vương của 2 triều này đều to lớn.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Mã khắc . Ba La du kí 马克 . 巴罗游记 (The Travels of Marco Polo) tập du kí của Marco Polo, thương nhân và là nhà thám hiểm người Venezia (Ý) ghi chép lại những điều nghe thấy trên đường đông du.
(2)- NGAO BAO 敖包: “Ngao bao” là tiếng Mông Cổ, tức “đôi tử” 堆子, cũng dịch là “hung bao” 胸包, “ngạc bác” 鄂博, đó là dùng gỗ hoặc đá hoặc đất chất lại thành đống. Ngày trước trên thảo nguyên bao la, người Mông Cổ dùng “ngao bao” để làm tiêu chí trên đường đi hoặc phân định ranh giới giữa các vùng, về sau dần trở thành vật tượng trưng để tế sơn thần, lộ thần hoặc cầu được mùa, cầu hạnh phúc.
(3)- Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1949.
(4)- ĐỨC VƯƠNG 德王 (1902 – 1966): tức Đức Mục Sở Khắc Đống Lỗ Phổ Thân Vương 德穆楚克栋鲁普亲王, tự Hi Hiền 希贤, chủ trương Nội Mông Cổ độc lập. Trong thời kì chiến tranh chống Nhật, ông đã hợp tác cùng với Nhật ở khu vực 2 tỉnh Sát Cáp Nhĩ 察哈尔 và Tuy Viễn绥远 (nay thuộc phía đông khu tự trị Nội Mông), thành lập chính phủ tự trị liên hợp Mông Cương chính quyền bù nhìn, đảm nhận chức vụ trọng yếu nên mọi người gọi là Đức Vương.
(5)- Theo tập tục của tộc Mông Cổ, tế tổ tiên chủ yếu là tế linh hồn, không phải tế di thể. Theo họ, linh hồn của người sắp mất sẽ nương tựa vào lông lạc đà. Theo truyền thuyết, trong linh cữu bằng bạc của Thành Cát Tư Hãn là lông bờm của con lạc đà đực mà linh hồn của ông nhập vào trước khi mất, chứ không phải là di hài của ông.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn ngày 27 tháng 6 năm 2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
THÀNH CÁT TƯ HÃN LĂNG MỘ TẠI NÁ LÍ
成吉思汗陵墓在哪里
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét