ĐÌNH VÀ TỈNH ĐÌNH TRONG TỬ CẤM THÀNH
Trong ngự hoa viên của Tử cấm thành 紫禁城 có tổng cộng 12 đình, những đình này đều được cất theo quan thức nhưng không cứng nhắc, cách tạo hình của mỗi đình đều có nét đặc sắc: hoặc sừng sững trên đỉnh núi, hoặc vắt ngang qua mặt nước. Trừ Ngự Cảnh đình 御景亭 và Tứ Thần từ 四神祠 ra, 10 đình còn lại đều được bố trí đối xứng trái phải ở hai bên đông tây của ngự hoa viên, điểm xuyết sơn thuỷ hoa mộc, lộ rõ nét đoan trang phú lệ, thể hiện đặc điểm nội uyển hoàng gia.
Ngự Cảnh đình御景亭toạ lạc trên đỉnh Đôi Tú sơn 堆秀山phía đông điện Khâm An 钦安. Đình có dạng hình vuông với 4 trụ. Mái đình lợp ngói thuý lục lưu li, đường biên lợp ngói hoàng lưu li, 4 mặt lắp cửa, bên trong đình đặt bảo toạ. Đây là nơi hoàng đế đăng cao vào tiết Trùng Dương 重阳 mồng 9 tháng 9. Lên đình nhìn ra xa, cả Tử cấm thành紫禁城, Cảnh sơn 景山, Tây uyển 西苑 đều trong tầm mắt. Dưới núi có nham động, bên trái bên phải có đường lên. Trên núi có thuỷ pháp 水法, dùng chậu đồng đổ nước vào, từ cao dẫn xuống, phun ra từ miệng rồng đá phía trước núi.
Phù Bích đình 浮碧亭 và Trừng Thuỵ đình 澄瑞亭mỗi đình đều toạ lạc trên mỗi cầu, cầu bắc qua ao hình vuông, dưới cầu cá thung thăng tự do bơi lội, cảnh sắc tươi đẹp. Bình diện của đình hình vuông, phía sau tại phía nam của đình có thêm hiên rộng, lan can gỗ bên cạnh đình được thay bằng đá. Đình có mái nhọn, lợp ngói lục lưu li, đường biên viền ngói hoàng lưu li. Trần bên trong đình có 8 phương, chính giữa là tảo tỉnh 藻井 (1) song long hí châu. Hình chế hai bên đình tương đồng, chỉ có sự sai biệt rất nhỏ ở bộ phận màu sắc. Đời Thanh từng lập đấu đàn bên trong Trừng Thuỵ đình ở phía tây, 4 mặt lắp tấm hộ tường, cùng cửa lớn cửa sổ.
Thiên Thu đình 千秋亭 và Vạn Xuân đình 万春亭tinh xảo điển nhã, cả hai có cấu tạo hoàn toàn tương đồng, chỉ có tảo tỉnh là có sự sai biệt rất nhỏ. Bình diện của đình có hình vuông, 4 mặt có “bão hạ” 抱厦 (2), nhưng tầng cao nhất của đình lại đỉnh tròn, đây có lẽ là do quan niệm “trời tròn đất vuông” mà ra. Trên đỉnh lợp ngói trúc tiết lưu li màu vàng, đời Minh gọi là “nhất bả tản” 一把
伞 (một chiếc dù) . Ngói trên nhỏ dưới lớn, từng miếng từng miếng lợp lên nhau. Bảo đỉnh lưu li, đấu củng, trụ ngạch, cửa … kim bích huy hoàng, tạo hình đẹp, hiếm có.
Bên đông và bên tây phía trước điện Khâm An 钦安có Phương đình 方亭, được xây vào thời Càn Long 乾隆nhà Thanh, vốn tên là Hương đình 香亭. Nửa gian trước của đình mở rộng, nửa gian sau có cửa, ngăn cách thành buồng nhỏ. Loại đình hình vuông 4 trụ mái nhọn thường thấy, nhưng phân cách ra như đình này thì tương đối ít.
Trong ngự hoa viên còn có 2 tỉnh đình 井亭 màu sắc tươi đẹp, kết cấu tinh xảo, toạ lạc tại phía nam của Vạn Xuân đình và Thiên Thu đình. Hai đình này khác với những đình khác, trên đỉnh không nhọn mà là bằng phẳng. Đến gần xem, bên trong mỗi đình đều có giếng, đình được dựng riêng cho giếng. Phía tây, ở trên đỉnh còn có lại hai thanh gỗ nằm ngang mắc một chiếc ròng rọc, đây là di tích lấy nước trong cung còn lưu lại.
Kiến trúc tỉnh đình trong Cố cung, về đại thể kết cấu mà nói cũng tương tự với đình, đa số có đấu củng 斗拱 (3) với nhiều màu sắc. Có đình lắp ghế ngồi dài dạng lan can, mái lợp ngói lưu li, bốn bên ở chân đình có mương thoát nước để tránh trong đình tích nước gây ẩm thấp. Tương truyền, khi Cố cung mới bắt đầu xây dựng đã cho đào 72 giếng để phòng “địa sát”. Có giếng ở trong sân, có giếng ở gian bếp, trong nhà kho, dùng để lấy nước lấy nước sinh hoạt.
Trên mái bằng của tỉnh đình đều có một khoảng trống hình bát giác gọi là “lộc đỉnh”. Đây chủ yếu là để lấy ánh sáng, bởi nếu mái đình che lại, nhìn vào giếng thấy tối, có nước hay không có nước, mực nước cao hay thấp không thể nhìn rõ, trên đỉnh đối diện miệng giếng để lộ thiên, ánh sáng chiếu vào thì có thể nhìn thấy rất rõ. Hơn nữa, mỗi khi vét giếng phải dùng cây sào dài, có khoảng trống này cây sào lên xuống vào ra rất tiện. Còn như nói, tạo khoảng trống này là để nạp ánh sáng trời, nước trời , đó chẳng qua là trong xã hội phong kiến người ta sùng thượng mê tín nên đặt ra lí do thôi.
Chú của người dịch
Vật trang sức trong bộ phận cung điện của Cố cung có “tảo tỉnh” 藻井 và “Hiên Viên kính”轩辕镜, đây là một loại thủ pháp trang sức truyền thống trong kiến trúc cổ đại ở Trung Quốc.
Thời cổ, tảo tỉnh gọi là “thiên tỉnh” 天井, “ỷ tỉnh” 绮井 hoặc “phương tỉnh” 方井, chỉ được dùng trong những kiến trúc có tính chất trang nghiêm tôn quý như cung điện của hoàng đế, chùa miếu và phủ đệ của quý tộc. Tảo tỉnh có hình trạng giống vành giếng, được lắp ở trên trần phía trên bảo toạ hoặc thần tượng, khắc hoạ các loại đồ án hoa văn, kết cấu rất phức tạp, so với trần của cung điện càng thú vị hơn. Bộ phận trung tâm của tảo tỉnh nhìn chung là hình tròn, gọi là “minh kính” 明镜. Thời Minh Thanh, bộ phận minh kính thường khắc rồng cuộn, cho nên tảo tỉnh cũng được gọi là “long tỉnh” 龙井. Từ miệng rồng rủ xuống hạt châu dùng để tị tà, gọi là “Hiên Viên kính” 轩辕镜, phía dưới nó là bảo toạ.
Khởi nguyên của tảo tỉnh là vào thời kì huyệt cư của xã hội nguyên thuỷ, lúc bấy giờ lối ra vào trên đỉnh huyệt động gọi là “trung lựu” 中霤, vừa có thể lên xuống ra vào, vừa có thể thông gió thông nắng, giống như “thiên song” 天窗 (cửa sổ trời). Trung lựu cũng là một trong đối tượng được thờ cúng trong Ngũ tự 五祀 thời cổ, tức “Trạch thần” 宅神. Cho nên về sau trong kiến trúc cung điện chùa miếu dùng tảo tỉnh, cũng mang ý nghĩa thần thánh, đồng thời còn bảo lưu được di tích “thiên song” cổ đại.
Đời Hán, đã có những ghi chép liên quan đến tảo tỉnh. Tảo tỉnh lúc bấy giờ đã là thủ pháp trang sức thường thấy trong kiến trúc cung điện. Đến thời Nam Bắc triều, Tuỳ, Đường về sau, càng dùng phổ biến, trong thạch thất ở Đôn Hoàng 敦煌 và Vân cương 云冈 đều có thể thấy. Đời Nguyên, Minh, Thanh, tảo tỉnh càng tinh xảo, nhìn chung có hình tròn, hình vuông hoặc hình nhiều cạnh, đề tài phong phú, đồng thời trang trí nhiều loại hoa văn, có điêu khắc và hội hoạ, so với các đời trước, tảo tỉnh các đời này phức tạp, tinh mĩ hơn rất nhiều.
(Theo Lâm kinh 林京: Tử cấm thành đích điện vũ tảo tỉnh紫禁城的殿宇藻井)
2- Bão hạ 抱厦: một loại mô thức kiến trúc gồm nhiều phòng vây quanh mặt trước và mặt sau của sảnh chính
3- Đấu củng 斗拱: một loại kết cấu đặc biệt của kiến trúc Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ cột chìa ra gọi là củng và những trụ kê hình vuông chèn giữa các củng gọi là đấu.
(Theo Từ điển Trung Việt)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/02/2015
Nguyên tác Trung văn
TỬ CẤM THÀNH ĐÍCH ĐÌNH DỮ TỈNH ĐÌNH
紫禁城的亭与井亭
Tác giả: Như Cạnh Hoa 茹竞华
Trong quyển
TỬ CẤM CHI ĐIÊN LƯỢC ẢNH
紫禁之巅掠影
Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟
Bắc Kinh, Trung Hoa văn sử xuất bản xã, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét