About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Từ thường dùng và nghĩa cổ kim của nó

TỪ THƯỜNG DÙNG VÀ NGHĨA CỔ KIM CỦA NÓ

Thế nào là từ thường dùng ? 
          Bất cứ ngôn ngữ phát triển nào, số lượng từ đều rất lớn, muốn nắm toàn bộ chúng là rất khó. Học một ngôn ngữ nào đó trong một thời gian ngắn, cần phải chú trọng đến từ thường dùng của ngôn ngữ đó. Như thế nào là từ thường dùng? Có bao nhiêu từ thường dùng trong Hán ngữ cổ?
          Từ thường dùng chính là lớp từ mà tần suất sử dụng tương đối cao và xưa nay đều thông dụng. Từ thường dùng trong Hán ngữ cổ có bao nhiêu, trước mắt vẫn chưa có thống kê chính xác. Cổ Hán ngữ thường dụng tự tự điển 古汉语常用字字典 thu thập hơn 4100 chữ thường dùng (từ đơn âm), hơn 2500 từ phức âm. Từ nguyên 辞源 thu thập 12890 chữ (từ đơn âm), 84134 từ phức âm. Trong đó những từ nào là từ thường dùng, những từ nào là từ không thường dùng, cách nhìn của nhiều người chưa hẳn là nhất trí. Nhưng có hơn 1500 từ đơn âm sử dụng với tần suất cao (nhìn chung gọi là chữ thường dùng), có thể được xem là từ thường dùng. Bộ Luận ngữ 论语 có tổng cộng 15883 chữ, trong đó có 1576 từ đơn âm. Bộ Mạnh Tử 孟子 tổng cộng có 35402 chữ, trong đó có 1589 từ đơn âm. Hơn 1500 từ đơn âm này không chỉ được sử dụng với tần suất cao, thường thấy trong các sách cổ, mà còn là cơ sở cấu thành từ phức âm. Học Hán ngữ cổ cần phải nắm vững ý nghĩa và cách dùng của chúng.

Nghĩa cổ và nghĩa hiện nay của từ thường dùng.
          Ý nghĩa và cách dùng của từ thường dùng không thể là cố định là bất biến. Nghĩa cổ và nghĩa hiện nay đương nhiên vừa có một bộ phận tương đồng, vừa có một bộ phận không tương đồng. Bộ phận tương đồng phản ánh mặt kế thừa của ngôn ngữ, bộ phận không tương đồng phản ánh mặt phát triển của ngôn ngữ. Đối với bộ phận tương đồng, khi học Hán ngữ hiện đại chúng ta đã học kĩ nên không cần xem nó là trọng điểm; nhưng đối với bộ phận không tương đồng phải đặc biệt chú ý. Nghĩa cổ và nghĩa hiện nay bất đồng, lại có hai tình huống nghĩa cổ và nghĩa hiện nay khác nhau xa và có cả hữu đồng hữu dị.
          Khác nhau xa là do bởi nghĩa cổ mất đi, về căn bản, nghĩa cổ hiện nay không còn dùng nữa hoặc đổi sang do từ khác biểu thị; còn nghĩa hiện nay sản sinh ở đời sau, thời cổ căn bản không có, hoặc vốn do từ khác biểu thị.
          Hữu đồng hữu dị là do bởi nghĩa hiện nay là từ nghĩa cổ phát triển ra. Đối với nghĩa cổ đã tiêu vong, hoặc nghĩa cổ do từ khác biểu thị, chúng ta phải ghi nhớ, không được lấy nay để áp xưa, giải thích lẫn lộn. Đối với nghĩa cổ mà có chỗ hữu đồng hữu dị với nghĩa hiện nay, cần phải làm rõ điểm tương đồng và điểm khác nhau của chúng, không được gộp chung một nắm, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Đặc biệt là từ thường dùng trong Hán ngữ cổ, nhìn chung đều là từ đa nghĩa, có thể có một số nét nghĩa được bảo lưu; có một số nét nghĩa đời sau không dùng đến, lại có một số nét nghĩa do từ phức âm biểu thị; từ vốn là đơn âm biến thành ngữ tố của từ phức âm; có một số nét nghĩa diễn biến thành nghĩa khác. Ví dụ:
          Chữ “binh” nghĩa gốc là vũ khí. Trong Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yển 郑伯克段于鄢 có câu:
          Thái Thúc hoàn tụ, thiện giáp binh, cụ tốt thặng, tương tập Trịnh
          大叔完聚, 缮甲兵, 具卒乘, 将袭郑.
          (Thái Thúc tu bổ thành quách, tập họp bách tính, chỉnh sửa giáp binh, chuẩn bị chiến xa, định tập kích Trịnh)
(“thiện giáp binh” 缮甲兵chính là chỉnh sửa mũ giáp cùng vũ khí). Nét nghĩa này về sau được bảo lưu trong những từ phức âm hoặc thành ngữ, như: binh khí 兵器, đao binh 刀兵, giáp binh 甲兵, đoản binh tương tiếp 短兵相接, lệ binh mạt mã 厉兵秣, trảm mộc vi binh 斩木为兵 v.v… không còn sử dụng như từ đơn âm. Nghĩa phái sinh của chữ “binh” là quân đội. Trong Gián trục khách thư 谏逐客书  có câu:
          Thần văn địa quảng giả túc đa, quốc đại giả nhân chúng, binh cường tắc sĩ dũng.
          臣闻地广者粟多, 国大者人众, 兵强则士勇
          (Thần nghe nói: đất rộng thì thóc lúa nhiều, nước lớn thì người đông, quân đội hùng mạnh thì lính dũng cảm)
(“binh cường” 兵强là nói quân đội hùng mạnh). Nét nghĩa này, xưa và nay đều dùng, nhưng thời cổ chỉ chuyên chỉ tập thể, không chỉ cá nhân; hiện nay vừa có thể chỉ tập thể (bộ binh 步兵, trang giáp binh 装甲兵, công trình binh 工程兵, thông tấn binh 通讯兵…) cũng có thể chỉ cá nhân (“ngã thị nhất cá binh” 我是一个兵: tôi là một người lính).
          Nghĩa phái sinh còn là “quân sự” 军事, “chiến tranh” 战争. Trong thiên Ngũ đố 五蠹 ghi rằng:
          Cảnh nội giai ngôn binh, tàng Tôn, Ngô chi thư giả hữu chi, nhi binh dũ nhược.
          境内皆言兵, 藏孙, 吴之书者有之, 而兵愈弱
          (Trong nước mọi người đều bàn luận về chiến tranh, có người cất giữ sách của Tôn Tử, Ngô Tử thế mà binh lực ngày càng yếu)
(“ngôn binh” 言兵 chính là bàn luận về chiến tranh). Nét nghĩa này chỉ còn bảo lưu trong những từ phức âm hoặc thành ngữ, như: binh pháp 兵法, binh thư 兵书, binh quý thần tốc 兵贵神速, binh bất yếm trá 兵不厌诈, chỉ thượng đàm binh 纸上谈兵, tiên lễ hậu binh 先礼后兵, không còn sử dụng như từ đơn âm.
          Chữ “lược” nghĩa gốc là cương giới. Trong Tả truyện – Hi Công thập ngũ niên 左传 - 僖公十五年 có câu:
          Lộ Tần Bá dĩ Hà Ngoại liệt thành ngũ, đông tận Quắc lược.
          赂秦伯以河外列城五, 东尽虢略
          (Lấy 5 thành ở Hà Ngoại hối lộ Tần Bá, phía đông đến cương giới nước Quắc)
(“đông tận Quắc lược” 东尽虢略 chính là phía đông tiếp liền với cương giới nước Quắc).
          Nghĩa phái sinh của chữ “lược” là tuần hành, thị sát. Trong Tả truyện – Chiêu Công nhị thập tứ niên 左传 - 昭公二十四年 có câu:
          Sở Tử vi chu sư, dĩ lược Ngô cương
          楚子为舟师, 以略吴疆
          (Sở Vương lập ra thuỷ quân để thị sát cương giới nước Ngô)
(“dĩ lược Ngô cương” 以略吴疆 chính là đi thị sát cương giới nước Ngô).
          Hai nét nghĩa này về sau đều do từ khác biểu thị.
          Nghĩa phái sinh của nó còn là “đoạt lấy” (công thành lược địa 攻城略地), “kế mưu” (thao lược 韬略), “đại khái” 大概 (lược hữu sở văn 略有所闻), “giản lược” (lược vi 略微, ước lược 约略) … tuy không còn sử dụng như từ đơn âm, nhưng vẫn còn bảo lưu trong những từ phức âm hoặc thành ngữ, như: xâm lược 侵略, phương lược 方略, sách lược 策略, chiến lược 战略, hùng tài đại lược 雄才大略, lược thuật đại ý 略述大意, hạng lược 项略, thô lược 粗略, lược kiến nhất ban 略见一斑. Nét nghĩa giản đơn khái quát (như: truyện lược 传略, sử lược 史略, khái lược 概略, yếu lược 要略), lược bớt (như: tùng lược 从略, tỉnh lược 省略) là những nét nghĩa được sản sinh thời cận đại, thời cổ tuy không có, nhưng rõ ràng là từ nghĩa cổ phái sinh. Những tình huống này cần phải làm rõ.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 09/02/2015

Nguồn
CỔ HÁN NGỮ TỐC THÀNH ĐỘC BẢN
古汉语速成读本
Biên soạn: Lưu Khánh Nga 刘庆俄
Trung Hoa thư cục, 2005

0 nhận xét:

Đăng nhận xét