TẾ TÁO, TỐNG TÁO, NGHINH TÁO
Nguồn gốc của phong tục tống Táo (tiễn ông Táo) rất lâu đời, thực tế khởi nguồn từ việc sùng bái lửa của người xưa. Trong “thất tự” 七祀của thiên tử nhà Chu có “tự Táo” 祀灶 (thờ ông Táo).
Sau đời Hán, ông Táo từ chỗ nắm giữ lửa lo việc ẩm thực ở mỗi nhà biến thành vị quan giám sát việc thọ yểu hoạ phúc của mỗi nhà. Ông Táo trở thành tay “toạ thám” 坐探 (gián điệp) được Ngọc Hoàng Đại Đế phái xuống mỗi nhà, chuyên giám sát ngôn hành cử chỉ, lỗi lớn lỗi nhỏ của các hộ. Hàng năm cứ vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp, ông Táo sẽ về trời một lần bẩm báo lại với Ngọc Hoàng Đại Đế. Vì thế, trước khi ông Táo lên trời báo lại việc thiện ác, nhà nhà đều phải tế tự Táo thần, cầu xin ông mở lòng từ bi báo những điều tốt đẹp. Nghi thức tiễn ông Táo gọi là “tống Táo” 送灶 hoặc “từ Táo” 辞灶. Lúc tiễn ông Táo, nhà nhà đều nấu bát chè ỷ thơm ngọt để cúng, hoặc dâng lên bánh mứt để tiễn. Thực phẩm cúng ông Táo còn có “táo đường” 灶糖, “đường qua” 糖瓜. Táo đường là loại kẹo mạch nha vừa ngọt vừa dính. Dùng kẹo mạch nha dâng cúng là có ý muốn, khi ông Táo ăn, miệng sẽ bị dính, để ông Táo trước mặt Ngọc Đế không tâu những lời xấu, mà chỉ nói những lời ngon ngọt.
Sau khi cúng hoàn tất, cũng vào ngày này đưa ông Táo lên trời, tức cử hành nghi thức “tống Thần”. Vào lúc sáng sớm, nhà nhà đều chuẩn bị đầy đủ lễ vật như bánh trái, hương đèn, giấy tiền vàng bạc cùng giáp mã, tiễn các vị Thần lớn nhỏ trong nhà lên trời. Vào ngày này nếu có gió tốt, các Thần sẽ theo ngọn khói bay lên trời. Vì thế, dân gian có cách nói “tống Thần phong, tiếp Thần vũ” 送神风, 接神雨.
Nếu như ông Táo là tượng gỗ thì phải đem tượng xoay chuyển thân. Ngày 30 trừ tịch, đem tượng chuyển lại đặt vào vị trí cũ, biểu thị ông Táo đã về. Nếu là tượng giấy, thì lấy xuống đem ra sân đặt lên con ngựa giấy rồi hoá hoả, để ông Táo cưỡi ngựa lên trời, sau đó đặt lên đỉnh bạc bằng giấy nói là tặng ông Táo ít tiền để đi đường. Có người còn đặt dưới ngựa giấy những thứ như đậu khô, khi đốt lên phát ra tiếng kêu lách tách, giống như tiếng pháo tiễn đưa.
Đến đêm trừ tịch, nhà nhà lại thắp hương đèn, bày lễ vật, dán tượng ông Táo mới vào khám thờ, hai bên khám dán câu đối:
Thướng thiên ngôn hảo sự
Hồi cung giáng cát tường
上天言好事
回宫降吉祥
(Lên trời tâu những việc tốt đẹp
Về lại cung ban cho những điều may mắn)
Cũng có câu:
Du diêm thâm tự hải
Mễ miến tích như sơn
油盐深似海
米面积如山
(Dầu muối có nhiều như biển
Gạo mì chất đầy như núi)
Coi như là đã rước ông Táo về lại nhà, tục gọi là “nghinh Táo” 迎灶. Theo tập tục một số địa phương, nghi thức đưa rước ông Táo đều do đàn ông chủ trì, phụ nữ không tham gia, nên thời xưa có câu:
Nam bất bái nguyệt, nữ bất tống Táo
男不拜月, 女不送灶
Thời xưa trước và sau nghi thức tiễn ông Táo, các nhà đều phải dọn dẹp sạch sẽ, gọi là “tảo trần” 扫尘, “đạn trần” 掸尘. Tảo trần vừa mang ý nghĩa xua đuổi bệnh tật, cầu mong năm mới an khang, vừa có hàm nghĩa trừ bỏ cái cũ bày ra cái mới. Hiện nay, tập tục tiễn ông Táo tuy đã dần mất đi, nhưng quét dọn trước và sau “tiểu niên” 小年vẫn còn bảo lưu đến ngày nay.
Chú của người dịch
1- Tiểu niên 小年: ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp hàng năm, mọi người gọi là “tiểu niên”. Theo tập tục truyền thống, ngày đó chính là ngày tiễn ông Táo.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/02/2015
Ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ
Nguyên tác Trung văn
TẾ TÁO, TỐNG TÁO DỮ NGHINH TÁO
祭灶, 送灶与迎灶
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét