About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Phương thức tu từ "khoa trương" ở câu đối

PHƯƠNG THỨC TU TỪ “KHOA TRƯƠNG” Ở CÂU ĐỐI

          Khoa trương là dùng ngôn ngữ hình tượng hoá, đem sự vật được miêu tả cố ý phóng đại hoặc thu nhỏ, từ đó tạo cho người đọc có một cảm giác đột xuất khác thường, tăng cường tính sinh động và sức truyền cảm ở câu đối. Phương thức khoa trương luôn đem những việc không thể phát sinh nói thành có thể phát sinh hoặc đã phát sinh, hoặc vốn không thể đếm được nói thành đếm được một cách rõ ràng. Ví dụ như:
Tử hàm dao thảo thiên thu hận
Hồn bạng mai hoa vạn cổ hương
死含瑶草千秋恨
魂傍梅花万古香
Khi chết ngậm mối hận cỏ dao đến thiên thu
Hồn nương theo hoa mai thơm vạn cổ
          Đây là cặp đối ở miếu thờ Sử Khả Pháp 史可法 (1) ngoài thành Dương Châu 扬州, kí thác nỗi u buồn và sự sùng kính của mọi người đối với tấm lòng trung trinh ái quốc của vị anh hùng dân tộc.
          “Dao thảo” 瑶草 ở vế trên ám chỉ quyền thần cuối đời Minh Mã Sĩ Anh 马士英, ông ta có biệt tự là “Dao Thảo”. Mã Sĩ Anh lợi dụng thực lực của 4 tổng binh Giang bắc, dùng Yêm đảng 阉党, bài xích Sử Khả Pháp, dẫn đến việc quân Thanh vây khốn Dương Châu, khiến Sử Khả Pháp anh dũng hi sinh. Quyền thần hại nước, liệt sĩ ngậm hờn.
          “Mai hoa” 梅花 ở vế dưới ám chỉ Mai Hoa lĩnh 梅花岭 nơi có y quan trủng衣冠塚 (2) của Sử Khả Pháp. “Mai hoa” cũng tượng trưng lòng trung trinh tiết nghĩa của Sử Khả Pháp.
          “Thiên thu hận” 千秋恨 và “vạn cổ hương” 万古香đều là từ khoa trương.

Chú của người dịch
1- Sử Khả Pháp 史可法 (1601 – 1645): tự Hiến Chi 宪之, một tự khác là Đạo Lân 道邻, tổ tịch Tường Phù 祥符Nam河南. Ông là vị tướng kháng Thanh, anh hùng dân tộc cuối đời Minh. Thi đậu Tiến sĩ lúc trẻ, bước vào con đường làm quan, sau đi dẹp các phản loạn. Khi thành Bắc Kinh bị công hãm, Sử Khả Pháp ủng hộ Phúc Vương, tiếp tục đánh quân Thanh. Năm 1645, quân Thanh vây đánh thành Dương Châu, thành phá, Sử Khả Pháp bị chết.
          Sau khi Sử Khả Pháp chết, vùng Mai Hoa Lĩnh ở Dương Châu có nhiều đội quân xưng là của Sử Khả Pháp, cho nên đương thời có thuyết Sử Khả Pháp không chết. Sử Khả Pháp được triều đình Nam Minh đặt tên thuỵ là “Trung Tĩnh” 忠靖, Thanh Cao Tông truy thuỵ là “Trung Chính” 忠正.
          Nguồn http://www.baike.com/wiki
2- Y quan trủng 衣冠塚: tức mộ táng chỉ chôn những vật phẩm như y phục, mũ mà không có di thể. Đây là do bởi di thể của người chết không thể tìm thấy, hoặc đã táng ở nơi khác, lập y quan trủng ở đây là để kỉ niệm.
                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 13/02/2015

Nguồn
TRUNG HOA ĐỐI LIÊN TẢ TÁC
中华对联写作
Tác giả: La Duy Dương 罗维扬
Trường Sa: Nhạc Lộc thư xã, 2004

0 nhận xét:

Đăng nhận xét