About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Xã hội đời Nguyên và văn hoá đời Nguyên

XÃ HỘI ĐỜI NGUYÊN VÀ VĂN HOÁ ĐỜI NGUYÊN

          Xã hội đời Nguyên từ tổng thể mà nói đều là trên cơ sở phát triển đi lên của các đời trước. Nhìn từ cuộc sống kinh tế, chế độ sở hữu đất đai phong kiến cùng mối quan hệ giai cấp được kiến lập trên cơ sở này vẫn chiếm địa vị chủ đạo. Nhìn từ sinh hoạt chính trị, chế độ quan liêu tập quyền trung ương chiếm địa vị thống trị. Nhìn từ sinh hoạt văn hoá, học thuyết Nho gia vẫn là chủ lưu của tư tưởng. Chính sách văn hoá đời Nguyên có hai trọng tính, sự phát triển cộng đồng văn hoá đa dân tộc lấy văn hoá trung nguyên làm chủ, đây là nét đặc sắc lớn của văn hoá đời Nguyên.
          Triều Nguyên đã thực hiện sự thống nhất trong lịch sử Trung Quốc mà trước đó chưa có, kết thúc cục diện phân chia nam bắc kéo dài mấy trăm năm, đồng thời khiến nhiều khu vực biên cương quy thuộc dưới sự quản lí của chính quyền trung ương. Đây là đặc điểm của lịch sử triều Nguyên khác với đời trước. Thời đại Tống cùng với Liêu, Kim trước sau ở thế giằng co nhau, hai miền nam bắc ngăn cách rất sâu, hai bên đều lập ra những chướng ngại, sự giao lưu văn hoá chỉ là ngẫu nhiên, cá biệt. Ví dụ phương nam thịnh hành Lí học, còn tại phương bắc dưới sự thống trị của triều Kim, những người hứng thú với nó rất là thưa thớt, không được xem trọng. Quân Mông Cổ (Nguyên) xuống phía nam, Lí học lên phía bắc, dần trở thành chủ lưu của giới tư tưởng cả nước. Sau khi triều Nguyên thống nhất, nhân vật nam bắc qua lại với nhau, cọ xát lẫn nhau, bất luận là sáng tác văn học nghệ thuật, hoặc nghiên cứu học thuật, đều có tác dụng hữu ích cực lớn. Hội hoạ, thư pháp nam bắc vốn phong cách khác nhau, sau khi thống nhất đã hỗ tương ảnh hưởng, có thành tựu càng lớn, tạp kịch xuống phía nam đã thúc đẩy sự phát triển của hí kịch phương nam. Việc biên soạn Đại nhất thống chí 大一统志 là kết quả của học giả các tộc nam bắc cùng nỗ lực, còn cục diện đại thống nhất là tiền đề để có thể biên soạn thành bộ sách này. Nhiều tác gia có thể du lịch danh sơn đại xuyên của hai miền nam bắc, hiểu rõ phong tục nhân tình, mở rộng tầm nhìn, viết ra những áng thơ văn hay đẹp. Còn khu vực biên cương sau khi quy phụ triều Nguyên, mối quan hệ với trung nguyên ngày càng mật thiết, văn hoá truyền thống của trung nguyên đã truyền đến các nơi ở biên cương, văn hoá các tộc ở biên cương cũng nối nhau truyền vào trung nguyên, sản sinh ảnh hưởng với những mức độ khác nhau, khiến văn hoá trung nguyên càng phong phú đa dạng. Một số người Mông Cổ cùng thành viên các tộc ở tây bắc đến trung nguyên, tiếp thụ văn hoá truyền thống của trung nguyên, đồng thời về văn học nghệ thuật và học thuật cũng có những phát minh sáng tạo. Sự phát triển cộng đồng văn hoá đa dân tộc lấy văn hoá truyền thống trung nguyên làm chủ, đã hình thành nét đặc sắc lớn của văn hoá đời Nguyên, đây chính là kết quả của việc đại thống nhất mà đời trước chưa có.
          Về văn hoá triều Nguyên đã thực hành 2 chính sách quan trọng. Một mặt, để củng cố sự thống trị của mình, kẻ thống trị triều Nguyên đã thực hiện rộng rãi “Hán pháp” 汉法, tức các chế độ truyền thống của trung nguyên, tôn sùng Khổng Tử 孔子 và Nho thuật, lập Nho học, giữa đời Nguyên về sau còn thực hiện chế độ khoa cử để chọn kẻ sĩ. Trước đây có thuyết cho rằng đời Nguyên chia người ra làm 10 hạng, nho hạng thứ 9 và ăn xin hạng thứ 10 (nhân phân thập đẳng, cửu nho thập cái - 人分十等九儒十丐). Kì thực đó là truyền sai. Triều Nguyên đem cư dân trong cả nước dựa theo chức nghiệp và các loại hộ theo thành phần dân tộc gọi là “chư sắc hộ kế” 诸色户计, nho hộ là một trong số đó. Theo chính sách của quốc gia, nghĩa vụ chủ yếu của nho hộ là có người đi học, có thể miễn làm sai dịch, địa vị cũng gần với tăng hộ, đạo hộ. Triều Nguyên không có chia ra 10 loại hộ, đương nhiên cũng không tồn tại vấn đề “cửu nho thập cái”. Từ quy định chính sách mà nói, nho hộ (sĩ nhân triều Nguyên đa số thuộc nho hộ, cũng có một bộ phận thuộc các loại hộ khác) so với quân hộ, trạm hộ, dân hộ thì nho hộ nhận được sự ưu đãi. Nhưng mặt khác, triều Nguyên thực hành chính sách áp bức dân tộc và kì thị dân tộc, biểu hiện tập trung ở chế độ 4 hạng người, tức cư dân cả nước chia làm 4 đẳng cấp: Mông Cổ 蒙古, Sắc mục 色目, Hán nhân 汉人, Nam nhân 南人, có sự đãi ngộ khác nhau. Mông Cổ và Sắc mục hưởng các loại đặc quyền; Hán nhân và Namnhân luôn chịu sự kì thị, nhất là Nam nhân. Trên con đường sĩ hoạn, người Mông Cổ và người Sắc mục chiếm vị trí cao, Hán nhân và Nam nhân trừ thiểu số cực ít ra, số còn lại chỉ có thể ở chịu khuất ở vị trí dưới làm liêu, không có cửa để thăng tiến. Từ pháp chế mà nói, chỗ nào cũng ủng hộ quyền lợi của người Mông Cổ người Sắc mục; quyền lợi của Hán nhân và Nam nhân không được sự bảo hộ, có lúc ngay cả sự an toàn về nhân thân và tài sản cũng bị xâm phạm. Từ văn hoá mà nói, về phương diện giáo dục, khoa cử khảo thí, sử dụng ngôn ngữ văn tự, sự kì thị dân tộc cũng biểu hiện rõ nét. Nho hộ nhận được sự ưu đãi, nhưng quan viên Mông Cổ, Sắc mục làm việc trong chính phủ triều Nguyên, rất nhiều người đối với văn hoá truyền thống của trung nguyên luôn có thành kiến, từ đó đối với nho hộ có sự khinh thị thậm chí là đối địch, cưỡng bức họ cũng giống như dân hộ làm tạp dịch. Nhân đó, hoàn cảnh thực tế của nho hộ luôn cách xa với tăng hộ, đạo hộ cùng thời đại, càng khó mà sánh với sự đãi ngộ mà nhân sĩ các triều trước đó hưởng thụ.
          Có thể nhìn thấy, lĩnh vực văn hoá tư tưởng của thời đại này thể hiện sự phức tạp, thế thái mâu thuẫn. Nói chung, tư tưởng di dân nhớ về cố quốc, theo sự diệt vong của nhà Kim nhà Tống đã xuất hiện tại phương bắc và phương nam, nhưng trong một thời gian không dài. Do bởi sự củng cố thống trị của triều Nguyên, thêm vào đó là việc thực hành rộng rãi chính sách tôn Khổng và tôn phụng nho thuật, đại đa số sĩ nhân trong Hán nhân và Nam nhân, đã nhận đồng sự thống trị của triều Nguyên một cách nhanh chóng, đua nhau mưu cầu làm quan, thơ văn ca công tụng đức có thể thấy khắp nơi. Nhưng, việc thực hiện áp dân tộc bức nghiêm khắc và kì thị dân tộc không thể không kích động nhiều người trong số họ bất mãn mạnh mẽ đối với xã hội, trong thơ văn cũng có người kêu gọi kháng nghị, có người đi đến chỗ trốn đời tiêu cực. Còn có một số nhân sĩ trong việc sáng tác văn nghệ thông thường đã chuyển tìm một chốn lập mệnh an thân, sự liên kết của họ đã dẫn đến sự phồn vinh của tạp kịch và tiểu thuyết.
                                                                      (còn tiếp)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 07/02/2015

Nguyên tác Trung văn
NGUYÊN ĐẠI XÃ HỘI HOÀ NGUYÊN ĐẠI VĂN HOÁ
元代社会和元代文化
Trong quyển
TỐNG NGUYÊN VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
宋元文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ Nhân dân xuất bản xã, 2006

0 nhận xét:

Đăng nhận xét