NHỮNG ĐIỀU CẤM KỊ KHI DÙNG ĐŨA
Tập tục dùng đũa của người Trung Quốc có lịch sử rất lâu đời. Thời cổ gọi đũa là “trợ” 箸, trong sinh hoạt thường ngày, đối với việc sử dụng đũa người Trung Quốc rất coi trọng. Nhìn chung khi cầm đũa thường dùng tay phải, ngón cái và ngón trỏ nắm chặt thân đũa, 3 ngón còn lại cong tự nhiên tựa vào đũa, hai đầu đũa nhất định phải chỉnh tề. Trong quá trình sử dụng, đũa phải được đặt ngay ngắn bên phải chén, tuyệt đối cấm kị 12 điều sau đây:
1- Tam trường lưỡng đoản 三长两短:
Ý nói trước khi dùng đũa hoặc trong quá trình sử dụng đặt 2 chiếc đũa dài ngắn không bằng nhau trên bàn. Đây là điều đại bất cát lợi, người ta thường gọi là “tam trường lưỡng đoản”, ý nói đại biểu cho tử vong. Bởi vì người Trung Quốc trước đây cho rằng, người mất nằm trong quan tài, nắp quan tài chưa đóng lại, bộ phận tổ thành quan tài gồm trước sau 2 mảnh ván ngắn, 2 bên hông và dưới đáy là 3 mảnh ván dài, cả 5 mảnh hợp thành, cho nên đây là điều bất cát lợi.
2- Tiên nhân chỉ lộ 仙人指路:
Đây cũng là hành vi mà không được mọi người chấp nhận. Dùng ngón cái, ngón giữa, ngón áp út và ngón út cầm đũa, riêng ngón trỏ duỗi thắng ra. Người Bắc Kinh gọi kiểu cầm đũa này là “mạ đại nhai” 骂大街 (chửi đổng), bởi trong khi ăn, ngón trỏ duỗi ra chỉ trúng vào người khác. Người Bắc Kinh khi dùng ngón trỏ chỉ vào đối phương thường hàm ý chỉ trích. Cho nên dùng đũa trong khi ăn mà ngón trỏ duỗi thẳng ra chẳng khác nào chỉ trích người khác, điều này cấm kị. Còn có một tình huống khác cũng mang ý nghĩa như thế, đó là trong lúc ăn, khi nói chuyện cùng người khác lại dùng đũa chỉ vào họ.
3- Phẩm trợ lưu thanh 品箸留声:
Đây cũng là hành vi cấm kị. Miệng gặm đầu đũa phát tiếng, hành vi này bị coi là hạ tiện. Bởi trong khi ăn mà gặm đũa đã là một việc vô lễ, lại thêm phát ra tiếng khiến người ta ghét. Cho nên xuất hiện hành vi này là ở những người thiếu sự giáo dục.
4- Kích trản xao chung 击盏敲盅:
Hành vi này bị coi là ăn mày xin cơm, tức là khi ăn dùng đũa gõ vào chén dĩa. Thời trước, chỉ khi xin cơm mới dùng đũa gõ vào chén bát, âm thanh phát ra cộng với lời xin ai oán khiến người ta chú ý mà bố thí. Đây cũng bị coi là hành vi hạ tiện, bị mọi người khinh ghét.
5- Chấp trợ tuần thành 执箸巡城:
Tức tay cầm đũa đưa tới đưa lui trên các dĩa thức ăn, không biết nên gắp món nào. Loại hành vi này là biểu hiện điển hình cho sự thiếu tu dưỡng, rất phản cảm trong mắt mọi người.
6- Mê trợ bào phần 迷箸刨坟:
Tức tay cầm đũa bới thức ăn trong dĩa để tìm món ngon, giống như bọn trộm đào trộm mộ. Hành vi này giống với “mê trợ tuần thành” 迷箸巡城, đều thuộc loại thiếu tu dưỡng, khiến mọi người khinh ghét.
7- Lệ trợ di châu 泪箸遗珠:
Trên thực tế đây là lúc dùng đũa gắp thức ăn bỏ vào chén của mình, tay chân lóng ngóng khiến thức ăn rơi vãi vào đĩa khác hoặc trên bàn. Hành vi này bị coi là thất lễ nghiêm trọng.
8- Điên đảo càn khôn 颠倒乾坤:
Ý nói khi ăn cơm dùng đũa ngược đầu nhau, đây cũng là kiểu bị người khác xem thường, như điều mà người ta nói: đói quá không chọn thức ăn, thậm chí không nghĩ tới sỉ diện. Điều này tuyệt đối nên tránh.
9- Định hải thần châm 定海神针:
Tức khi ăn cơm chỉ dùng một chiếc đũa xới vào dĩa thức ăn, điều này cũng phải tránh, vì bị cho rằng đó là làm sỉ nhục những người cùng bàn. Khi ăn mà có hành vi này chẳng khác nào như tại châu Âu duỗi ngón tay giữa ra trước mặt mọi người. Đây cũng là hành vi cấm kị.
10- Đương chúng thướng hương 当众上香:
Xuất phát từ ý tốt xới cơm giúp người khác, nhưng đem đôi đũa cắm vào giữa chén cơm rồi đưa cho đối phương. Hành vi này bị xem là bất kính, bởi tập tục truyền thống của Bắc Kinh là khi dâng hương cho người mất mới làm như thế, nếu đem đôi đũa cắm vào giữa chén cơm chẳng khác nào dâng hương cho người mất, cho nên hành vi này cũng không được chấp nhận.
11- Giao xoa thập tự 交叉十字:
Hành vi này thường không được mọi người chú ý, đó là khi ăn cơm đem đôi đũa gác tréo trên bàn. Người Bắc Kinh cho rằng gác tréo đũa trên bàn là hành vi phủ định toàn bộ những người cùng bàn, tính chất cũng giống như khi học làm bài sai bị thầy cô gạch chéo bài. Ngoài ra, đây cũng là hành vi không tôn kính bản thân, bởi trước đây khi tội nhân kí tên vào bản cung khai, mới bị quan trên đánh dấu chéo vào. Không nghi ngờ gì, đây cũng chính là hành vi tự phủ định mình.
12- Lạc địa kinh thần 落地惊神:
Ý nói lỡ tay làm rơi đũa xuống đất, đây cũng là một loại biểu hiện sự thất lễ. Người Bắc Kinh cho rằng, tổ tiên đang yên nghỉ dưới đất không nên đánh thức dậy, đánh rơi đũa đồng nghĩa với việc đánh thức tổ tiên, đây là điều đại bất hiếu, vì thế hành vi này cũng không được chấp nhận. Nhưng có một cách hoá giải, khi đánh rơi đũa, ngay lập tức dùng đôi đũa đó căn cứ vào chỗ ngồi của mình vẽ một chữ “thập” trên mặt đất, trước tiên là theo hướng đông tây, sau đó là hướng nam bắc, ý nghĩa là: con chẳng ra gì, không nên làm kinh động tổ tiên, sau đó nhặt đũa lên đồng thời miệng nói mình đáng chết.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 15/02/2013
Dịch từ nguyên tác Trung văn
KHOÁI TỬ CẤM KỊ
筷子禁忌
0 nhận xét:
Đăng nhận xét