THỰC VẬT CÁT TƯỜNG
ĐÀO
Trong thần thoại cổ đại, truyền thuyết cây đào là do chiếc gậy của Khoa Phụ 夸父 đuổi theo mặt trời hoá thành. Khi Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, khát nước không thể chịu nỗi, vất chiếc gậy mà chết, chiếc gậy lập tức hoá thành rừng đào, do đó cây đào đã mang sắc thái thần dị. Lại có truyền thuyết cho rằng trên núi Đào Đô 桃都 có một cây đào lớn, dưới cây đào có 2 vị thần tên là Thần Đồ 神荼và Uất Luỹ 郁壘 (1), hai vị thần này chuyên bắt ác quỷ. Về sau mọi người đã dùng gỗ đào đặt ngoài cửa để xua quỷ trừ tà. Đào được xem là “vương mộc chi tinh” 王木之精, có thể áp phục tà khí, cho nên quỷ quái đều sợ gỗ đào, mọi người căn cứ vào truyền thuyết này đã dùng gỗ đào làm đào phù 桃符 (2).
Đào còn có tên là “Tiên đào” 仙桃, “Thọ đào” 壽桃. Hàng năm vào ngày mồng 3 tháng 3, hái hoa đào ngâm với rượu để uống có thể trừ được bách bệnh. Theo truyền thuyết, Vương Mẫu Nương Nương trên trời từng mời các tiên đến dự “hội bàn đào”, ăn được trái đào của Vương Mẫu có thể trường sinh bất lão. Cho nên, đào cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ, mọi người thường dùng đào để chúc thọ, có thể dùng bột nắn thành hình trái đào. Nhiều đồ án cát tường có hình trái đào cũng là lấy ý nghĩa “trường thọ” như: nhiều con dơi đi với nhiều trái đào là “Đa phúc đa thọ đồ” 多福多壽圖, hoa quế đi với hoa đào là “Quý thọ vô cực đồ” 貴壽無極圖.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Về tên của 2 vị thần này, một số tư liệu viết là Thần Trà 神茶 và Uất Luỹ 鬱壘. Nguyên tác này in theo chữ phồn thể , nhưng với chữ “Uất” được in theo chữ giản thể là 郁.
(2)- ĐÀO PHÙ 桃符: tức mảnh gỗ bên trên có vẽ hình Môn thần hoặc viết tên của Môn thần đem treo trên cửa dùng để trừ tà vào thời cổ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/02/2013
Ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn
Dịch từ nguyên tác Trung văn
CÁT TƯỜNG THỰC VẬT LOẠI
ĐÀO
吉祥植物類
桃
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét