TÌNH BẠN GIỮA QUẢN TRỌNG VÀ BẢO THÚC NHA
Đầu thời Chu có đến mấy trăm nước chư hầu phân phong, đến thời Xuân Thu chỉ còn hơn một trăm nước, trong đó nước tương đối mạnh chỉ có mười mấy nước, như: Tề, Tấn, Sở, Tần, Lỗ, Vệ, Yên, Tống, Trần, Thái, Trịnh, Tào, Ngô, Việt. Các nước lớn tranh bá trở thành đặc điểm chủ yếu thời Xuân Thu. Giữa mười mấy nước lớn tranh đoạt lẫn nhau, kết quả trước sau xuất hiện 5 bá chủ, trong lịch sử gọi đây là “Xuân Thu ngũ bá”. Xuân Thu ngũ bá gồm: Tề Hoàn Công 齐桓公, Tấn Văn Công 晋文公, Tống Tương Công 宋襄公, Tần Mục Công 秦穆公, Sở Trang Vương 楚庄王; một thuyết khác cho là Tề Hoàn Công 齐桓公, Tấn Văn Công 晋文公, Sở Trang Vương 楚庄王, Ngô vương Hạp Lư 吴王阖闾, Việt vương Câu Tiễn 越王勾践.
Nước Tề thuộc phía bắc tỉnh Sơn Đông ngày nay. Nói đến nước Tề xưng bá, đầu tiên phải nói đến đại chính trị gia Quản Trọng 管仲, do bởi Tề Hoàn Công xưng bá chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của Quản Trọng. Nói đến Quản Trọng phải bắt đầu từ “tình bạn giữa Quản Trọng và Bảo Thúc Nha”, bởi vì người tiến cử Quản Trọng cho Tề Hoàn Công chính là Bảo Thúc Nha 鲍叔牙.
Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là đôi bạn thân. Lúc ban đầu hai người hùn vốn đi buôn, Quản Trọng nhà nghèo, vốn bỏ ra ít, nhưng khi chia phần lãi lại được nhiều. Bọn thủ hạ của Bảo Thúc Nha không vui, cho Quản Trọng là tham. Bảo Thúc Nha giải thích rằng:
Quản Trọng không tham mấy đồng tiền đó đâu. Vì nhà ông ta nghèo khó nên ta đã nhường cho ông ta đấy thôi.
Quản Trọng từng đem binh đánh nhau, khi công kích luôn nấp ở phía sau, nhưng khi lui binh luôn chạy trước. Binh sĩ dưới tay Quản Trọng đều xem thường Quản Trọng, không muốn cùng ông chiến đấu. Bảo Thúc Nha lại giải thích rằng:
Quản Trọng nhà còn mẹ già, ông ấy giữ mình để phụng dưỡng mẹ, không phải ông ấy sợ chết đâu.
Bảo Thúc Nha biện hộ cho Quản Trọng, ra sức che những khuyết điểm của ông ta, hoàn toàn do bởi Bảo Thúc Nha yêu quý tài năng của Quản Trọng. Quản Trọng nghe được những lời của Bảo Thúc Nha, vô cùng cảm kích, cất tiếng than rằng:
Người sinh ra ta là cha mẹ, còn người hiểu ta đó là Bảo Thúc.
Quản Trọng và Bảo Thúc Nha kết thành đôi bạn thân sống chết có nhau.
Lúc bấy giờ quốc quân nước Tề là Tương Công 襄公 không có con, chỉ có hai anh em khác mẹ, một người là công tử Củ 纠, mẹ là người nước Lỗ (nay là phía nam tỉnh Sơn Đông 山东); người kia là công tử Tiểu Bạch 小白, mẹ là người nước Vệ (nay là phía bắc tỉnh Hà Nam 河南). Quản Trọng và Bảo Thúc Nha mỗi người phò tá một công tử. Quản Trọng làm thầy công tử Củ; Bảo Thúc Nha làm thầy công tử Tiểu Bạch.
Tề Tương Công tàn bạo hôn dung. Quản Trọng và Bảo Thúc Nha biết được mình sẽ không được kết quả tốt đẹp nên tìm cơ hội, Quản Trọng đưa công tử Củ trốn sang nước Lỗ 鲁, Bảo Thúc Nha đưa công tử Tiểu Bạch trốn sang nước Cử 莒.
Năm thứ 12 đời Chu Trang Vương 周庄王 (năm 685 trước công nguyên), Công Tôn Vô Tri 公孙无知 giết Tề Tương Công, đoạt lấy ngôi vị. Chưa đầy một tháng, Công Tôn Vô Tri lại bị các đại thần giết chết. Một số đại thần nước Tề âm thầm phái sứ giả đến nước Cử đón công tử Tiểu Bạch về nước để lên ngôi. Lỗ Trang Công nghe được tin ấy, trước tiên sai Quản Trọng đem một bộ phận binh mã chặn đường của công tử Tiểu Bạch, sau đó đích thân dẫn 300 chiến xa, cử Tào Mạt 曹沫làm Đại tướng hộ tống công tử Củ về lại nước Tề.
Quản Trọng dẫn 30 chiến xa ngày đêm lên đường đuổi theo công tử Tiểu Bạch. Đuổi theo đến Tức Mặc 即墨(nay là phía đông nam huyện Bình Độ 平度 tỉnh Sơn Đông 山东) phát hiện công tử Tiểu Bạch. Quản Trọng giương cung nhắm công tử Tiểu Bạch bắn một phát, chỉ nghe công tử Tiểu Bạch kêu lên một tiếng, miệng thổ huyết, ngã trên xe. Mọi người chung quanh chạy đến cứu, trong số đó có người la lớn “không may rồi”, tiếp đó có tiếng khóc to.
Nhìn thấy cảnh tượng đó, Quản Trọng cho rằng công tử Tiểu Bạch đã chết nên liền đánh xe quay trở về báo lại với Lỗ Trang Công. Lỗ Trang Công lập tức mở tiệc ăn mừng, sau đó đưa công tử Củ về lại nước Tề.
Họ đâu biết rằng, mũi tên của Quản Trọng không giết chết công tử Tiểu Bạch, chỉ bắn trúng khuy đồng trên áo. Tiểu Bạch sợ Quản Trọng bắn tiếp, lanh trí cắn lưỡi giả thổ huyết chết. Công tử Tiểu Bạch thay áo, ngồi xe có mui theo đường nhỏ về đến đô thành Lâm Tri 临淄nước Tề. Lúc này Lỗ Trang Công và công tử Củ chỉ mới nửa đường.
Một số đại thần nước Tề vốn chủ trương lập công tử Củ lên ngôi, thấy công tử Tiểu Bạch về trước nên nói với Bảo Thúc Nha:
Ông định lập công tử Tiểu Bạch lên ngôi, lỡ công tử Củ về đến thì sao?
Bảo Thúc Nha đáp rằng:
Nước Tề luôn gặp nội loạn, nếu có được một người hiền minh như công tử Tiểu Bạch làm quốc quân thì mới có thể an định. Nay công tử Tiểu Bạch về trước công tử Củ, nếu công Tử Củ lên làm quốc quân, Lỗ Trang Công nhất định yêu sách tài vật, nước Tề vốn đã đủ bi thảm rồi, nay như vậy nữa thì làm sao chịu nỗi? Các đại thần nghe có lí nên đều đồng ý để công tử Tiểu Bạch lên ngôi, đó chính là Tề Hoàn Công trong lịch sử. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 18/8/2013
Nguyên tác Trung văn
QUẢN BẢO CHI GIAO
管鲍之交
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét