About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Trung Hoa tứ binh thời đại

TRUNG HOA TỨ BINH THỜI ĐẠI

         Các nhà nhân loại học, khảo cổ học phương tây đem xã hội nhân loại phân thành mấy thời đại: thời đại thạch khí, thời đại đồng khí, thời đại thiết khí, thời đại điện khí, thời đại tin tức. Nhưng vào thời Tiên Tần, trong Việt tuyệt thư 越绝书  học giả nước Sở là Phong Hồ Tử 风胡子(*) đã chỉ ra rằng:
          Hiên Viên Thần Nông Hách Tư chi thời, dĩ thạch vi binh, đoạn thụ mộc nhi vi cung thất, tử nhi long tàng (**), phù thần thánh chủ sử nhiên; chí Hoàng Đế chi thời, dĩ ngọc vi binh, dĩ phạt mộc vi cung thất, tạc địa, phù ngọc diệc thần vật dã, hựu ngộ thánh chủ sử nhiên, tử nhi long tàng; Vũ huyệt chi thời, dĩ đồng vi binh, dĩ tạc Y Khuyết thông Long Môn, quyết giang đạo hà, đông chú vu đông hải, thiên hạ thông bình, trị vi cung thất, khởi phi thánh chủ chi lực tai? Đương thử chi thời, tác thiết binh, uy phục tam quân, thiên hạ văn chi, mạc cảm bất phục, thử diệc thiết binh chi thần.
                                               (Ngoại truyện kí – Bảo kiếm đệ thập tam)
          轩辕神农赫胥之时, 以石为兵, 断树木而为宫室, 死而龙藏 (**), 夫神圣主使然; 至黄帝之时, 以玉为兵, 以伐树木为宫室, 凿地, 夫玉亦神物也, 又遇圣主使然, 死而龙藏; 禹穴之时, 以铜为兵, 以凿伊阙通龙门, 决江导河, 东注东海, 天下通平, 治为宫室, 岂非圣主之力哉? 当此之时, 作铁兵, 威服三军, 天下闻之, 莫敢不服, 此亦铁兵之神.
                                                                   (外传记 - 宝剑第十三)
          (Thời Hiên Viên Thần Nông Hách Tư, lấy thạch làm binh, đốn cây làm nhà, khi mất thì không dùng đến, ấy là do thần thánh mà như thế; đến thời Hoàng Đế, lấy ngọc làm binh, chặt cây làm nhà, đào đất, ngọc cũng là thần vật, lại gặp được thánh chủ nên mới như vậy, khi mất thì không dùng đến; đến thời ông Vũ, lấy đồng làm binh, đục Y Khuyết thông Long Môn, khơi ngòi dẫn nước, cho chảy về biển đông, thiên hạ thanh bình, lo việc xây cất nhà cửa, há chẳng phải là sức lực của thánh chủ sao? Còn hiện nay chế ra thiết binh, uy phục ba quân, thiên hạ nghe qua, không ai là không phục, ấy cũng là thần thiết binh.)
          Theo cách phân kì lịch sử của học giả Trung Quốc hơn 2500 năm trước, đến thời Xuân Thu, Trung Quốc đã trải qua thời đại thạch binh, thời đại ngọc binh, thời đại đồng binh, thời đại thiết binh. Học giả phương tây không biết trong lịch sử văn minh nhân loại còn có thời đại ngọc binh, có văn minh ngọc khí, có thời đại ngọc khí. Họ chỉ biết có thời đại thạch khí, thời đại thanh đồng khí, thời đại thiết khí. Rất nhiều người cho rằng có một thời đại chung cho cả kim và thạch. “Binh” , vừa là binh khí vừa là công cụ sản xuất. Ví dụ như cung tên vừa là vũ khí công kích dùng trong chiến tranh, vừa là công cụ sản xuất dùng trong săn bắn; rìu, vừa là công cụ dùng để chặt cây vừa là vũ khí dùng để giết người; cái cày vừa là công cụ canh tác vừa là vũ khí chiến đấu. Phong Hồ Tử đã dựa theo hình thái chủ đạo của văn minh vật chất xã hội (không phải chỉ từ một phương diện sản xuất), để phân chia giai đoạn phát triển của nền văn minh vật chất, tiến hành phân kì cổ sử, có thể nói là có tuệ nhãn. Theo các nhà lí luận sử học phương tây, có người phủ nhận thời đại ngọc binh, có người đem thời đại ngọc binh quy nhập vào thời đại thạch khí, cũng có người đem quy nhập vào thời đại thanh đồng khí. Nhằm nhất trí với “lí luận kinh điển” này, từ điển Từ Hải 辞海 đã cắt bỏ đoạn “Hoàng Đế chi thời, dĩ ngọc vi binh” 黄帝之时, 以玉为兵 của Phong Hồ Tử, để phù hợp với thuyết thạch khí, đồng khí, thiết khí. Độc giả chỉ cần xem mục “Phong Hồ Tử” 风胡子 là rõ (1).
          Phong Hồ Tử vô cùng chính xác khi đề xuất tứ binh thời đại đồng bộ với tộc đoàn văn hoá thượng cổ. Điều này không chỉ khẳng định sự tồn tại chân thực của tộc đoàn văn hoá thượng cổ, mà còn khẳng định hình thái chủ đạo nền văn minh văn hoá thời đại đó. Thạch binh, không phải là loại đá nhỏ dùng để chặt, đập mà là đồ đá mới được mài dũa tinh xảo. Ngọc binh, lấy ngọc làm công cụ sản xuất, làm vũ khí, tế khí và vương quyền trọng khí, đại biểu cho nông, công, binh nhung, tế tự, nhà nước; tượng trưng cho nhân quyền, thần quyền, binh quyền, vương quyền. Thời đại đặc trưng lấy ngọc làm binh gọi là thời đại ngọc binh, hoặc thời đại ngọc khí, văn minh của nó gọi là văn minh ngọc binh hoặc văn minh ngọc khí. Đồng binh, lấy đồng xanh làm công cụ sản xuất, làm vũ khí, lễ khí và vương quyền trọng khí. Thiết binh, chỉ lấy sắt làm công cụ sản xuất và vũ khí mà không lấy làm lễ khí và vương quyền trọng khí, vẫn lấy ngọc và vàng bạc làm lễ khí và vương quyền trọng khí.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- “Từ Hải – Phong Hồ Tử” 辞海 - 风胡子, trang 3501.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- PHONG HỒ TỬ 风胡子: cũng còn được viết là 风湖子, 风胡, 风壶, người nước Sở thời Xuân Thu, rất giỏi nhận biết về kiếm, rèn đúc kiếm.
(**)- LONG TÀNG 龙藏: còn được viết là 龙臧.
          Ở quẻ Càn có câu:
Tiềm long vật dụng, dương khí tiềm tàng
潜龙勿用, 阳气潜藏.
(Rồng lặn chớ dùng, khí dương ẩn núp)
          Người đời sau dùng “long tàng” để ví với việc bỏ đi, ẩn giấu đi không dùng đến.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 16/8/2013

Nguyên tác Trung văn
TRUNG HOA TỨ BINH THỜI ĐẠI
中华四兵时代
Trong quyển
THƯỢNG CỔ TRUNG HOA VĂN MINH
上古中华文明
Tác giả: Vương Đại Hữu 王大有, 2000

0 nhận xét:

Đăng nhận xét