TRUYỀN THUYẾT TRƯƠNG QUẢ LÃO
Trong bát tiên, người có số tuổi nhiều nhất phải nói đến Trương Quả Lão 张果老. Ông xuất hiện vào thời Đường Minh Hoàng 唐明皇 nhưng tự xưng mình đã từng làm quan cho Đế Nghiêu 帝尧 5000 năm trước. Theo truyền thuyết, được sự chỉ điểm của Thiết Quải Lí 铁拐李 mà đắc đạo, ẩn cư ở núi Trung Điều 中条 tại Hằng Châu 恒州, thường hoạt động ở sông Phần 汾 vào đời Tấn. Thời Võ Tắc Thiên 武则天 từng sai sứ đến mời, nhưng có người nói là ông đã chết. Người đời sau lại thấy ông trong núi ở Hằng Châu. Thời Đường Huyền Tông sau mấy lần cho người đến mời, ông mới chịu vào cung, đó là vào năm Khai Nguyên 开元 thứ 21 (năm 733). Nghe nói Huyền Tông muốn gã công chúa Ngọc Chân 玉真 cho ông, lại còn cho giữ chức Ngân Thanh Quang lộc đại phu, nhưng đều ông từ chối. Ông khẩn khoản xin về quê, về sau mất tại huyện Bồ Ngô 蒲吾 ở Hằng sơn 恒山.
Đặc điểm của Trương Quả Lão là một chữ “lão”, râu tóc của ông đều bạc trắng như tuyết. Một đặc điểm khác là “đảo kị lư” 倒骑驴 (cưỡi ngược lừa), ở Thái Bình quảng kí 太平广记 quyển 30 có dẫn những ghi chép trong Minh Hoàng tạp lục 明皇杂录, Tuyên thất chí 宣室志, Tục thần tiên truyện 续神仙传, Trương Quả Lão thường cưỡi ngược lừa một ngày đi cả ngàn dặm, con lừa của ông hơn cả lạc đà trong sa mạc, không cần phải cho ăn, không cần phải cho uống. Mỗi khi đêm xuống, Trương Quả Lão gõ vào đầu lừa một cái, lừa lập tức ngã trên mặt đất biến thành con lừa giấy. Trương Quả Lão xếp lừa giấy lại bỏ vào trong người rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, lấy ra giũ một cái rồi nhẹ nhàng thổi vào một làn hơi, con lừa liền đứng ngay trước mặt, Trương Quả Lão cầm cái phách, lại leo ngược lên lừa bắt đầu lên đường. Đến nay theo truyền thuyết, trên chiếc cầu Triệu Châu 赵州 (1) nổi tiếng vẫn còn lưu dấu chân con lừa mà ông cưỡi.
Lí Nguyên 李元 đời Đường trong Độc dị chí 独异志 cũng có ghi chép về sự tích của Trương Quả Lão, nói rằng: Đường Huyền Tông đón Trương Quả Lão vào cung, không biết số tuổi của Trương Quả Lão là bao nhiêu, mới hỏi đạo sĩ Diệp Tĩnh Năng 叶静能, đạo sĩ bảo rằng nếu có thể cứu được tính mạng của ông, ông mới chịu nói. Sau khi Đường Huyền Tông bằng lòng, đạo sĩ nói Trương Quả Lão là tinh linh con dơi trắng thời khai sơ của vũ trụ. Nói xong 7 khiếu chảy máu đầy mặt đất. Huyền Tông nhờ Trương Quả Lão cứu giúp, Trương Quả Lão bảo rằng do tiết lộ thiên cơ. Huyền Tông khẩn cầu, Trương Quả Lão lấy nước phun vào mặt đạo sĩ, đạo sĩ liền sống lại. Ở truyền thuyết này, Trương Quả Lão đã từ tiên hoá nhân vật biến hành tiên hoá tinh linh động vật.
Thời Tống, về việc tiên hoá của Trương Quả Lão càng có đặc điểm tiên thuật. Đến đời Nguyên, tái hiện trong tạp kịch. Ngô Nguyên Thái 吴元泰đời Minh trong Bát tiên xuất xử đông du kí 八仙出处东游记 lại nói Trương Quả Lão cưỡi ngược con lừa trắng, từ đó xuất hiện hình tượng tiên nhân Trương Quả Lão cưỡi ngược lừa.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1) CẦU TRIỆU CHÂU 赵州: tức cầu An Tế 安济, tục gọi là cầu Đại Thạch 大石, toạ lạc huyện Triệu 赵 tỉnh Hà Bắc 河北, bắc qua sông Hào 洨. Cầu Triệu Châu được xây dựng vào khoảng năm Đại Nghiệp 大业 nhà Tuỳ, do kiến trúc sư nổi tiếng là Lí Xuân 李春 thiết kế và xây dựng. Cầu có lịch sử cách nay khoảng 1400 năm, là chiếc cầu vòm cổ đại hiện tồn tại và được bảo vệ hoàn thiện nhất trên thế giới.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/8/2013
Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG QUẢ LÃO ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
张果老的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI BÁT TIÊN TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT
中国历代八仙造型艺术
Biên soạn: Trịnh Quân 郑军, Lưu Đông Vân 刘冬云
Nhân dân mĩ thuật xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét