About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Phần thư khanh



焚书坑
竹白烟销帝业虚
关河空锁祖龙居
坑灰未冷山东乱
刘项原来不读书
              章碣

PHẦN THƯ KHANH
Trúc bạch yên tiêu đế nghiệp hư
Quan hà không toả Tổ Long cư
Khanh hôi vị lãnh Sơn Đông loạn
Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư
                                                  Chương Kiệt

HỐ ĐỐT SÁCH
Sách vở bị đốt thành tro, đế nghiệp nhà Tần cũng theo đó mà tiêu vong
Quan hà hiểm yếu cũng bảo vệ không được Tần Thuỷ Hoàng nơi cung cấm
Tro nơi hố đốt chưa nguội mà vùng Sơn Đông đã loạn
Lưu Bang và Hạng Vũ hoá ra là hạng người không đọc sách.

Phân tích
          Bài thơ này nói lên cục diện động loạn cuối đời Tần, châm biếm và khiển trách Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇thực hiện hành động bạo ngược đốt sách.
          Năm 213 trước công nguyên (năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 34), theo tấu nghị của Thừa tướng Lí Tư 李斯, Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh thu thập và thiêu huỷ sách của bách gia như “Thi”, “Thư” trong phạm vi cả nước, nếu sau 30 ngày mà không đốt, sẽ phạt khổ dịch đi xây thành, gây nên một kiếp nạn văn hoá to lớn trong lịch sử Trung Quốc.
          Phần thư khanh 焚书坑 theo truyền thuyết, là cái hố đốt sách năm đó, di tích nay là ở Li Sơn 骊山 phía đông nam huyện Lâm Đồng 临潼 tỉnh Thiểm Tây 陕西. Chương Kiệt 章碣 hoặc giả đã đi qua nơi đây, mắt nhìn thấy, trong lòng cảm khái nên viết ra bài thơ này.
          Bài thơ mở đầu đã tiếp xúc với chủ đề. Câu đầu dùng ngôn ngữ hơi khoa trương chỉ ra mâu thuẫn: sách bằng trúc và bằng lụa hoá thành tro khói, đế nghiệp của Tần Thuỷ Hoàng cũng theo đó mà tiêu vong, giống như những thứ bị thiêu huỷ trong “phần thư khanh” lúc đó chính là thiên hạ họ Doanh của ông.  Câu này vừa tự (tự sự) xen nghị (nghị luận), minh tự mà ám nghị, có thực có hư. “Trúc bạch yên tiêu” 竹帛烟销là thực tả, hình tượng có thể thấy. “Trúc bạch” 竹帛là tài liệu để viết thời cổ, ở đây chỉ sách vở. “Đế nghiệp hư” 帝业虚là hư tả. Thủ pháp biểu hiện hư thực xen nhau cực kì hàm súc.
          Câu thứ 2 tiến thêm một bước nữa về thâm ý “đế nghiệp hư”, nói rằng:
Tuy có quan hà hiểm yếu cũng không bảo vệ được Tần Thuỷ Hoàng nơi cung cấm. “Quan hà” 关河 chủ yếu chỉ Hàm Cốc quan 函谷关và Hoàng hà 黄河, đương nhiên cũng bao gồm những quan ải, những dòng sông khác, như: Tản quan 散关, Tiêu quan 萧关, Kinh hà 泾河, Vị hà 渭河, Hào sơn 崤山, Hoá sơn 华山. Giả Nghị 贾谊 trong Quá Tần luận 过秦论 đã viết:
Tần địa bị sơn đới hải dĩ vi cố, tứ tái chi quốc dã.
秦地被山带海以为固, 四塞之国也
          (Tần được núi cao sông lớn vây bọc kiên cố, là nước mà bốn mặt đều là quan tái hiểm yếu)
          Nói “quan hà” là khái quát về địa lí hiểm trở mà có thể dựa được. Đô thành Hàm Dương 咸阳 nước Tần bốn phía tuy có nhiều núi sông vây bọc, nhưng vẫn giữ không được, cho nên trong Quá Tần luận 过秦论 cũng nói:
          Tần nhân trở hiểm bất thủ, quan lương bất hạp, trường kích bất thích, cường nỗ bất xạ. Sở sư thâm nhập, chiến vu Hồng Môn, tằng vô phiên li chi gian.
          秦人阻险不守, 关梁不阖, 长戟不刺, 强弩不射. 楚师深入, 战于鸿门, 曾无藩篱之艰.
          (Đất Tần hiểm trở giữ không nên, quan ải cầu đường khoá không được, kích dài đâm đâm chẳng nổi, nỏ mạnh bắn chẳng xong. Quân Sở nhanh chóng tiến vào, đánh ở Hồng Môn, rốt cuộc như chẳng gặp hàng rào nào cản trở.)
          Kiên cố như “hàng rào” cũng ngăn không nổi đội quân khởi nghĩa tiến vào. Bài thơ dùng câu “Quan hà không toả Tổ Long cư” khái quát sự thực lịch sử cuộc động loạn cuối đời Tần cho đến lúc triều Tần diệt vong. Lời ít mà ý sâu; đồng thời dùng hình tượng cho thấy, đem khái niệm trừu tượng “đế nghiệp hư” viết rất có tình có cảnh, vừa thuật vừa bình, mang nhiều ý vị. “Tổ Long” 祖龙 chỉ Tần Thuỷ Hoàng, ở đây không dùng “Thuỷ Hoàng” mà dùng “Tổ Long”, quyết không phải đơn thuần chạy theo việc dùng điển, mà là xuất phát từ nhu cầu biểu đạt tình ý. Trong Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪 có chép một truyền thuyết: Năm Thuỷ Hoàng thứ 36, có vị thần nhân nói với sứ giả của nhà Tần rằng: Năm nay Tổ Long mất”. Sứ giả về báo lại với Thuỷ Hoàng. Thuỷ Hoàng nghe xong, hồi lâu không nói, lát sau giải thích rằng: “Tổ Long là tổ tiên của người”. Tần Thuỷ Hoàng muốn làm tổ của các “long” con cháu muôn vạn đời. Nhưng lúc này giang sơn đã đổi chủ, từ “Tổ Long” được dùng ngược lại, lại thêm ý mới, trở thành cách phúng thích tuyệt diệu nhắm vào Tần Thuỷ Hoàng, hợp với cách dùng từ ngữ của thi ca.
          Điểm đề câu thứ 3, tiến thêm một bước dùng sự thực lịch sử phê phán việc “phần thư”. Tần Thuỷ Hoàng và Lí Tư xem “thư” là căn nguyên của hoạ loạn, cho rằng, thiêu huỷ chúng mới có thể tiêu trừ mầm hoạ, từ đó thiên hạ mới thái bình. Kết quả đã ngược lại, vương triều Trần rất nhanh chóng rơi vào sấm giăng chớp giật, giữ được buổi sớm không giữ được buổi chiều. “Vị lãnh” 未冷là ngôn từ khoa trương, dụng ý ở chỗ làm nổi bật sự hoang đường của hành vi đốt sách, trên thực tế, từ sự kiện đốt sách đến cuộc khởi nghĩa tại Đại Trạch hương 大泽乡 của Trần Thắng 陈胜, Ngô Quảng 吴广, thời gian trước sau cách nhau chỉ có 4 năm.
          Câu cuối nghị luận, cảm khái. Loạn ở Sơn Đông kéo dài một thời gian, vương triều Tần cuối cùng mất về tay Lưu Bang 刘邦 và Hạng Vũ 项羽. Hai người này, một người từng trường kì sống nơi phố chợ, một người xuất thân binh nghiệp, đều không phải là hạng người đọc sách. Có thể thấy, “thư” không hẳn là căn nguyên của hoạ loạn, “phần thư” cũng không hẳn củng cố được “tử tôn đế vương vạn thế chi nghiệp” 子孙帝王万世之业 (cơ nghiệp làm đế vương muôn đời của con cháu) (Quá Tần luận). Nói “Lưu Hạng nguyên lai bất độc thư” mà có thể diệt Tần, toàn câu thuần giọng điệu châm chọc, bao hàm ý vị châm biếm cực kì chua cay. Khởi đầu từ “trúc bạch” đến kết thúc là chữ “thư”, đầu cuối nối nhau liên hoàn, uyển chuyển tự nhiên.
          Thi ca mang tính nghị luận, vừa phải phân tích sự lí, vừa phải hiển thị ý tượng, quả thật là không dễ dàng. Bài thơ này dùng thủ pháp biểu hiện gần với hỉ kịch: vạch ra mâu thuẫn, khiến Tần Thuỷ Hoàng ở vào địa vị tự mình phủ định lấy mình. Viết như thế, bề ngoài dường như rất dịu dàng yên tĩnh, kì thực thái độ phản đối và tình cảm căm ghét vô cùng rõ ràng. Nếu như nói đây chính là biểu hiện “oán nhi bất oán” 怨而不怨, thế thì bài thơ này có thể xem là một thủ pháp nghệ thuật thành công.


CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
CHƯƠNG KIỆT 章碣 (836 – 905): tự Lệ Sơn 丽山, người thời Đường, là con của Chương Hiếu Tiêu章孝标. Ông đậu Tiến sĩ năm Càn Phù 乾符 thứ 3 nhà Đường (năm 876). Về sau không rõ tung tích.
          Nguồn http://wapbaike.baidu.com/view/29502.htm

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 18/3/2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét