ẨN SĨ TRƯƠNG TAM PHONG
Trương Tam Phong 张三丰, tên Quân Thực 君实, người Ý Châu 懿州, Liêu Đông 辽东đời Minh, do bởi ông không chú ý đến ăn mặc, hình tượng xộc xệch, cho nên mọi người gọi ông là “Trương lạp tháp” 张邋遢. Trương Tam Phong tướng mạo khôi vĩ, hình rùa lưng hạc, tai to mắt tròn, râu như kích. Bất luận ông đi đến đâu, bất luận Xuân Hạ Thu Đông, ông đều mặc chiếc áo mỏng, khoác áo tơi; mỗi lần ăn có thể ăn tới 1 thăng, có lúc mấy ngày mới ăn một lần, cũng có lúc mấy tháng mới ăn một lần. Trương Tam Phong thường chu du khắp nơi, một ngày có thể đi ngàn dặm, lúc thấy ông ở thôn quê, lát sau thấy ông ở thành thị, bất luận đi đến đâu, ông cũng đều không quan tâm, giống như đến chỗ không người. Trương Tam Phong thông minh hơn người, sách đọc qua một lần là nhớ, ông thích đọc kinh thư của Tam giáo. Ai hỏi sự việc, ông thường không trả lời gì, có thể cả ngày không nói một câu, nhưng nếu cùng ông thảo luận kinh thư Tam giáo, ông nói thao thao bất tuyệt, xuất khẩu thành chương.
Khoảng đầu thời Minh, Trương Tam Phong từng cùng các đệ tử du lãm núi Võ Đang 武当. Nhìn thấy hình thế núi Võ Đang hùng vĩ, Trương Tam Phong nói với đệ tử rằng:
Núi này sau này nhất định sẽ hưng vượng
Đệ tử bán tín bán nghi, cho rằng ông buột miệng nói như thế mà thôi. Các Đạo quán như Ngũ Long 五龙, Nam Nham 南岩, Tử Tiêu 紫霄 trên núi Võ Đang lúc bấy giờ đều bị ngọn lửa chiến tranh tàn phá, Trương Tam Phong cùng các đệ tử quét dọn cỏ tạp cây khô ngói vỡ trong Đạo quán, lợp lại mái, rồi tu đạo nơi đó. Chẳng bao lâu, họ lại rời bỏ ra đi.
Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 nghe nói Trương Tam Phong đạo pháp cao siêu, hâm mộ danh tiếng của ông nên xuống chiếu phái đạo sĩ Tam Sơn 三山 đi mời Trương Tam Phong đến triều yết kiến. Trương Tam Phong sau khi nghe được liến ẩn vào trong rừng núi, không chịu đến triều. Sứ giả tìm khắp nơi nhưng không thấy tung tích, cuối cùng đành trở về phục mệnh.
Mấy năm sau, Trương Tam Phong đến Bảo Kê Kim Đài quán 宝鸡金台观 tu đạo. Một ngày nọ, ông nói với mọi người mình sắp mất, và ngay sau đó ông qua đời. Mọi người mua quan tài về để an táng. Khi hạ táng, bỗng nghe trong quan tài phát ra âm thanh, mọi người hoảng kinh, vội mở quan tài, thấy Trương Tam Phong đã sống lại. Sau đó, Trương Tam Phong lại chu du Tứ Xuyên 四川, và về lại núi Võ Đang.
Năm Vĩnh Nguyên 永元 thứ nhất, Minh Thành Tổ lại phái mệnh quan triều đình, mang theo thư mời do đích thân Hoàng đế viết cùng tiền bạc lễ vật đi tìm. Sứ giả đi khắp đại giang nam bắc, danh sơn đại miếu, tìm mấy năm nhưng vẫn không thấy. Đến năm Vĩnh Lạc 永乐 thứ 10, nghe nói Trương Tam Phong đang ở núi Võ Đang, Minh Thành Tổ hạ chiếu phái đạo sĩ Nguyên Hư Tử 元虚子 đến mời. Nguyên Hư Tử làm pháp sự tại đạo trường nơi Trương Tam Phong tu đạo, hi vọng có thể mời được Trương Tam Phong, đồng thời còn sai người tìm khắp núi, nhưng vẫn không thấy bóng dáng ông. Minh Thành Tổ liền hạ chiếu cho xây cung quán tại núi Võ Đang, phái đại quan triều đình trông coi đốc thúc, trưng hơn 30 vạn thợ, tốn mấy trăm vạn lượng bạc. Sau khi cung quán xây xong, Minh Thành Tổ đích thân ban cho tên là “Thái Hoà Thái Nhạc Sơn” 太和太岳山, đồng thời thiết lập cơ quan nhà nước trông coi nơi đó. Từ đó, Đạo giáo ở núi Võ Đang đi đến chỗ phồn vinh, ứng nghiệm lời nói của Trương Tam Phong.
Về sau, trừ có người nhìn thấy Trương Tam Phong một lần ở núi Hạc Minh 鹤鸣 tại Tứ Xuyên ra, không ai còn thấy tông tích của ông lần nào nữa.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 09/3/2014
Dịch từ nguyên tác Trung văn
ẨN SĨ TRƯƠNG TAM PHONG
隐士张三丰
Trong quyển
ĐẠO KINH CỐ SỰ
道经故事
Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉
Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét