ẤM TỬ SA NGHI HƯNG
Nghề gốm Nghi Hưng 宜兴 có lịch sử lâu đời, căn cứ vào những vật thực khai quật được ở lò gốm cổ Nghi Hưng: vào thời đại đồ đá mới hơn 5000 năm trước, nơi đây đã chế tạo đồ gốm, đến thời Hán sản xuất một số lượng lớn đồ gốm dùng thường ngày.
Từ giữa đời Minh trở đi, bộ đồ trà tử sa (tử sa trà cụ 紫砂茶具) trở thành nghệ thuật tử sa gồm: tạo hình, thi từ, thư pháp, hội hoạ, triện khắc tập trung vào nhất thể. Chu Cao Khởi 周高起đời Minh ở Sáng thuỷ thiên 创始篇 trong Dương Tiện mính hồ lục 阳羡茗壶录 có nói rằng: người sáng chế âm tử sa tương truyền là một vị tăng không rõ họ tên ở chùa Kim Sa 金沙 tại Nghi Hưng 宜兴. Trong Chính thuỷ thiên 正始篇 cũng có nói: Khoảng những năm Gia Tĩnh 嘉靖Vạn Lịch 万历 đời Minh, xuất hiện vị đại sư nghề tử sa trác việt tên là Cung Xuân 龚春. Cung Xuân lúc còn nhỏ từng là thư đồng của Tiến sĩ Ngô Di Sơn 吴颐山, ông thiên tư thông minh, hiếu học, theo chủ nhân đọc sách tại chùa Kim Sa ở Nghi Hưng, lúc rảnh rỗi thường giúp lão hoà thượng nặn gốm làm ấm. Tương truyền trong tự viện có cây ngân hạnh 银杏cao vút trời, cành lá đan xen nhau, những cục u sần trên thân cây đa hình đa dạng. Cung Xuân sớm chiều quan sát, bắt chước những cục u sần ấy nặn gốm thành những chiếc ấm, tạo hình độc đáo, sinh động dị thường. Lão hoà thường ngợi khen không ngớt, liền đem kĩ thuật chế tạo ấm truyền lại cho Cung Xuân, cuối cùng trở thành vị đại sư chế tạo ấm nổi tiếng. Trong thực tiễn, Cung Xuân dần cải biến phương pháp đơn thuần dùng tay nặn gốm của người xưa, cải tiến dùng bàn xoay gỗ đồng thời phối hợp với sử dụng dao bằng trúc. Ấm tử sa làm ra tạo hình mới mẻ, thanh nhã, chất liệu tương đối nhẹ mà cứng. Danh tiếng của Cung Xuân lúc bấy giờ rất hiển hách, mọi người nói rằng: “Ấm của Cung Xuân hơn cả vàng ngọc”.
Đến đời Thanh, cao thủ về nghệ thuật tử sa xuất hiện, đồ tử sa không ngừng đổi mới. Đầu đời Thanh, bắt đầu từ thời Khang Hi 康熙, ấm tử sa đã đã gây được sự chú ý cao độ của cung đình, bắt đầu do Nghi Hưng chế tác thai ấm tử sa, sau do thợ của cung đình vẽ lên pháp lang rồi nung, hoặc chế tạo thành những ấm sơn khắc trân quý. Năm Càn Long 乾隆 thứ 7 (năm 1742), cung đình bắt đầu trực tiếp đặt hàng Nghi Hưng chế tạo bộ đồ trà tử sa, đến lúc này, ầm tử sa trở thành đồ ngự dụng trân quý. Đầu thế kỉ 20, theo đà phát triển của thương nghiệp, những phường chế tạo tử sa quy mô nhỏ ở Nghi Hưng mọc lên như nấm sau mưa, sản sinh nhiều danh gia chế tạo ấm.
Những năm gần đây, bộ đồ trà tử sa có sự phát triển to lớn, chủng loại mới cũng không ngừng xuất hiện. Trước mắt chủng loại bộ đồ trà tử sa vốn từ bốn năm mươi loại đã tăng lên đến hơn 600 loại. Như li tử sa giữ ấm hai lớp là loại sản phẩm mới rất được hoan nghinh. Do bởi chất liệu tử sa mịn nhuyễn, độ dẻo cao, tính thẩm thấu tốt, cho nên loại li giữ ấm hai lớp dùng pha trà sẽ có đủ sắc hương vị, mùa hạ trà sẽ không dễ biến mùi. Nhân vì kết cấu hai lớp nên khi chế nước sôi, cầm không sợ bỏng tay, truyền nhiệt chậm, thời gian giữ ấm lâu. Bộ đồ trà tử sa Nghi Hưng tạo hình nhiều kiểu dáng, có kiểu hình quả dưa, hình hoa mai, hình trứng ngỗng … Nghệ nhân sử dụng phương pháp triện khắc truyền thống, đem các thủ pháp trang sức như hội hoạ và các thể chữ chánh, thảo, lệ, triện thể hiện trên gốm tử sa, khiến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật kết hợp một cách khéo léo giữa thưởng thức và thực dụng.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 30/4/2014
Nguyên tác Trung văn
TRÀ HƯƠNG THIÊN NIÊN DẬT TỬ SA
茶香千年溢紫砂
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển thượng)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét