TRƯƠNG NGHI
(tiếp theo)
Lúc bấy giờ, Tần muốn tấn công nước Tề, nhưng sợ nước Sở vì có liên minh thông hôn với Tề sẽ xuất binh cứu viện nên phái Trương Nghi đi sứ nước Sở nhằm phá tan liên minh Tề Sở. Trương Nghi sau khi vào nước Sở đã trổ tài ăn nói, khiêu khích mối quan hệ Sở Tề, nói dối với Sở Hoài Vương 楚怀王 rằng:
- Nếu đại vương đoạn tuyệt quan hệ với Tề, nước Tần sẽ đem 600 dặm vùng Thương 商Vu 于tặng cho đại vương.
Trương Nghi lại dùng vàng bạc hối lộ quyền thần nước Sở Cận Thượng 靳尚, sủng cơ Trịnh Tụ 郑袖, nhờ họ nói giúp, bài xích ý kiến phản đối việc phá tan liên minh Tề Sở của đại thần Trần Chẩn 陈轸. Sở Hoài Vương tin là thật, vui mừng đáp ứng, đoạn tuyệt quan hệ với Tề, đồng thời phái một vị tướng quân theo Trương Nghi sang Tần tiếp nhận 600 dặm đất.
Sau khi Trương Nghi về tới quốc đô Hàm Dương 咸阳 của Tần, lúc xuống xe liền giả vờ trượt chân, 3 tháng liền không lộ mặt, cũng không trả lời cho tướng quân nước Sở. Sở Hoài Vương cho rằng nước Tần hoài nghi thành ý tuyệt giao với Tề của Sở nên sai người vào đất Tề mắng Tề vương, khiến Tề vương nổi giận liền liên hợp với Tần. Trương Nghi thấy mục đích phá tan liên minh Tề Sở đã thực hiện lúc bấy giờ mới tiếp kiến tướng quân nước Sở, ông giả vờ kinh hãi nói rằng:
- Ông vẫn chưa nhận 6 dặm đất sao?
Tướng nước Sở thấy Trương Nghi ban đầu hứa 600 dặm, trong phút chốc biến thành 6 dặm, hoảng kinh thất sắc liền về nước bẩm báo. Sở Hoài Vương lúc này mới biết bị lừa, giận dữ liên tiếp xuất binh 2 lần đánh Tần, nhưng đều bị bại.
Lúc bấy giờ Tần Huệ Văn Vương lại sai sứ sang gặp Sở Hoài Vương, xin được đổi vùng đất ngoài Vũ Quan 武关để lấy vùng Kiềm trung 黔中của Sở. Sở Hoài Vương giận đáp rằng:
Không đổi, nếu đem Trương Nghi giao cho ta, ta nguyện sẽ tặng không vùng Kiềm trung cho Tần.
Trương Nghi xin được sang Sở, Tần Huệ Văn Vương biết Sở Hoài Vương chỉ muốn giết Trương Nghi nên không cho đi. Trương Nghi nói với Tần vương rằng:
- Như nay Tần mạnh Sở yếu, có đại vương ở đây, nước Sở không dám làm gì thần được. Huống hồ, thần và Cận Thượng, Trịnh Tụ quan hệ rất tốt, Sở Hoài Vương lại luôn nghe Trịnh Tụ.
Lúc bấy giờ Tần Huệ Văn Vương mới để cho Trương Nghi đi. Sau khi đến Sở, Sở Hoài Vương lập tức bắt Trương Nghi giam vào đại lao chuẩn bị giết chết. Trương Nghi nhân vì đã hối lộ Cận Thượng, Cận Thượng bèn phao tin rằng nước Tần nguyện đem đất của 6 huyện và mĩ nữ để chuộc Trương Nghi. Cận Thượng lại nói với Trịnh Tụ:
- Nếu đại vương vì háo sắc tham đất mà bằng lòng, có mới nới cũ, nhất định sủng ái mĩ nữ nước Tần đưa đến, nàng sẽ bị thất sủng.
Trịnh Tụ ngày đem khóc lóc bên Hoài Vương, nói rằng:
- Nếu giết Trương Nghi nước Tần giận, Sở sẽ nguy hại, chi bằng đại vương nhanh chóng đưa mẹ con thiếp đến Giang Nam để tránh cái vạ giết chóc của quân Tần.
Hoài Vương cưỡng không lại đành thả Trương Nghi về nước.
Từ đó, Trương Nghi bôn tẩu các nước Hàn, Triệu, Tề, Yên thúc đẩy sách lược liên hoành, khuyên các nước kết giao với Tần. Năm 311 trước công nguyên, Trương Nghi về nước phục mệnh, gặp lúc Huệ Văn Vương bệnh mất, Vũ Vương 武王 lên ngôi, Vũ Vương lại có hiềm khích với Trương Nghi. Các nước sau khi biết được tình hình này liền lần lượt đoạn giao với Tần, một lần nữa các nước liên hợp này chống Tần. Đại thần nước Tần cũng thừa cơ công kích Trương Nghi. Trương Nghi sợ bị Vũ Vương giết chết nên thuyết phục Vũ Vương cho ông rời khỏi nước Tần, về lại nước Nguỵ, và một lần nữa được Nguỵ Tương Vương bái làm Tướng quốc.
Năm sau, Trương Nghi bệnh mất ở nước Nguỵ. Ông với Tô Tần 苏秦, Công Tôn Diễn 公孙衍cùng nổi tiếng là Tung hoành gia thời Chiến Quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 24/4/2014
Nguyên tác Trung văn
TRƯƠNG NGHI
张仪
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét