About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Truyền thuyết "thiên hoà địa hợp"


TRUYỀN THUYẾT “THIÊN HOÀ ĐỊA HỢP”

          Vùng núi Dương Nam阳南 phía đông huyện Kim Hoa 金华tỉnh Triết Giang 浙江 Trung Quốc có truyền thuyết “Thiên hoà địa hợp”.
          Ngày xưa, trên trời không có mặt trời, mặt trời bị mây mù che khuất, dưới trời không có đất, đất bị nước bao phủ. Không có mặt trời, phía dưới lạnh cóng; không có đất, muôn vật không sinh trưởng được. Lúc bấy giờ, bất luận là trên trời hay dưới đất đều không có sinh vật nào. Vạn năm sau, trên trời xuất hiện một con chim, dưới nước xuất hiện một con cá. Con chim toàn thân đỏ tươi, sáng bóng, gọi là “hoả điểu” 火鸟, con cá toàn thân đen như mực, to như quả núi, gọi là “ngao ngư” 鳌鱼. Một hôm, hoả điểu hỏi ngao ngư:
          - Lạnh không?
          Ngao ngư đáp:
          - Lạnh.
          - Lấy lửa sưởi nhé?
          - Ở đâu có lửa?
          - Lửa ở trong mây mù, tôi sẽ đi lấy.
          Hoả điểu vỗ cánh bay vào mây mù, “ầm, ầm, ầm …” hoả điểu mổ liền 91 ngày, mây mù bị khoét ra, trên trời xuất hiện ra một chậu lửa đỏ rừng rực, đó chính là mặt trời. Có mặt trời, dưới trời không còn lạnh, ngư ngao từ dưới đáy nước nổi lên phơi nắng. Dễ chịu quá, ngư ngao ngủ thiếp đi, ngủ một giấc đến mấy ngàn năm. Ngư ngao ngủ say như chết, hoả điểu gọi cả ngàn vạn lần mà không tỉnh, hoả điểu sợ nhất là cô tịch, nên giận lên, bay đến giữa chừng trời đại tiện xuống. Phân rơi xuống lưng ngư ngao đông cứng lại biến thành một ngọn núi lớn. Núi đè ngư ngao xuống tận đáy biển. Phần núi nhô lên mặt nước đó là đất. Như vậy, trên trời đã có mặt trời, dưới trời đã có đất, muôn vật từ từ sinh sôi nảy nở, có cỏ có cây có chim có thú.
          Qua 3600 năm, ngao ngư tỉnh dậy, cảm thấy lưng bị đè nặng liền cựa mình định hất đổ núi. Ngư ngao cựa một cái, núi sụp đất nứt, nước tràn lên mặt đất, đó là địa chấn. Cựa tới cựa lui nhưng núi không đổ, nó đành thở dốc. Luồng khí ngư ngao thở ra, đen như mực, đó là mây đen. Nếu mây đen che trời đất lại, đó là “thiên hoà địa hợp”. Hoả điểu không muốn thiên hoà địa hợp, hễ thấy mây đen là nó mổ. Ầm, ầm, ầm, đó là tiếng sấm. Tia chớp xuất hiện khi sấm nổ đó là thân của hoả điểu. Chỉ cần có hoả điểu thì không có thiên hoà địa hợp.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng
                                                                    Quy Nhơn 07/4/2014

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC ĐIỂU TÍN NGƯỠNG
中国鸟信仰
Tác giả: Trần Cần Kiến 陈勤建
Học Uyển xuất bản xã, 2003.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét