About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Cách đặt tên nhân vật trong tác phẩm

CÁCH ĐẶT TÊN NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM

          Văn học cần phải có tính sáng tạo, sở dĩ sáng tác văn học và tác phẩm văn học gọi là “sáng tác”, đại khái cũng do bởi nguyên nhân quan trọng là văn học cần có tính sáng tạo. Đặt tên nhân vật trong tác phẩm văn học là một bộ phận tổ thành trọng yếu trong hoạt động mang tính sáng tạo đó. Từ cấu tứ đến chủ đề, từ kết cấu đến ngôn ngữ, từ khắc hoạ đến miêu tả đều liên quan đến việc đặt tên nhân vật. Nhìn từ những truyền thống văn học lâu đời và ưu tú của Trung Quốc, các tác gia đã đặt tên một cách nghệ thuật cho nhân vật do mình sáng tạo ra. Đây là chuẩn tắc quan trọng mà các tiểu thuyết gia, hí khúc tác gia thành công nhất trí tuân theo. Cách đặt tên nhân vật trong các tiểu thuyết như: Thuỷ hử 水浒, Tây du kí 西游记, Nho lâm ngoại sử 儒林外史, Hồng lâu mộng 红楼梦, không tên nhân vật nào là không biểu hiện tính sáng tạo và tính độc đáo của tác gia, từ đó khiến một số nhân vật lừng danh, được người đời truyền tụng từ đời này sang đời khác.
          Hồng lâu mộng được xem là đỉnh cao nghệ thuật của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, chỉ riêng về thành tựu đặt tên nhân vật cũng đáng để chúng ta chú ý. Ví dụ như Giả Chính 贾政, nhìn bề ngoài là một người đoan phương chính trực, khiêm cung hậu đạo, kì thực tư tưởng xơ cứng, tình cảm khô khan, đôi lúc hủ hoá, tầm thường chẳng có tài cán gì, nhưng lại muốn mua danh bán tiếng. Chúng ta chỉ cần tư duy về điểm này, dựa vào hài âm thì có thể nhìn thấy tên gọi “Giả Chính” và thân phận của ông ta rất phù hợp. Có thể nói ông ta là “hư giả chính đạo” 虚假政道, có thể nói ông ta là “quân tử chính nhân giả tạo”, tức đơn giản thường nói là “nguỵ quân tử”, là đã tiếp cận ngụ ý của tác giả.
          Nhìn cách đặt tên bình thường cho các a hoàn trong tác phẩm cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.
          Bốn vị tiểu thư có chữ “xuân” trong Giả phủ có 4 a hoàn là Tư Kì 司棋, Bão Cầm 抱琴, Thị Thư 侍书 và Nhập Hoạ 入画. Vừa nghe qua 4 tên này, nếu để một người không có tố chất văn hoá phẩm bình, đương nhiên họ cảm thấy hoàn toàn xa lạ, thậm chí không biết ý gì. Nhưng nếu thay đổi giác độ, trước tiên bước vào không gian rộng lớn mà 4 vị tiểu thư sinh sống, hoặc giả nói chỉ cần bước vào một góc nhỏ thì cũng có thể thấy được hàm ý sâu xa trong cách đặt tên cho 4 a hoàn. Yêu thích kì cầm thư hoạ phải là đặc trưng chung của các tiểu thư quý tộc, tên của 4 a hoàn đã cho thấy tính tình, sự hứng thú cùng tố dưỡng văn hoá của tiểu chủ nhân của họ.Cách đặt tên 4 a hoàn rất tuyệt diệu, nhưng không phải chỉ có thế, mà còn ở chỗ 4 động từ “tư” , “bão” , “thị” , “nhập” trước 4 chữ “kì”, “cầm” , “thư” , “hoạ” . Bốn động từ này không chỉ nói rõ địa vị chung mà 4 a hoàn đang có, mối quan hệ giữa họ với tiểu thư của mình, mà còn cho thấy đặc điểm và khí chất khác nhau của họ. Đối với “kì” là “tư” , đương nhiên hiển lộ sự thung dung nhã trí; đối với “cầm” là “bão” , hiển lộ điệu bộ nhu mì; đối với “thư” là “thị” hiển lộ nét dịu dàng trang nhã; đối với “hoạ” là “nhập” , hiển lộ tư thái xinh đẹp. Việc đặt tên một cách nghệ thuật này không phải là tiện tay mà có, nếu không có cấu tứ nghệ thuật tinh vi, không có kỉ xảo biểu hiện cao siêu thì không thể nào đạt tới. Ở đây, chúng ta không ngại so sánh với tên những nhân vật không xa lạ trong một số hí khúc tiểu thuyết cổ điển, viết về a hoàn thì công thức hoá, khắc hoạ tính cách loại hình hoá, đơn giản là những tên như “Xuân Hương” 春香, “Thu Cúc” 秋菊, “Đông Mai” 冬梅, đâu đâu cũng có, nếu so với tên nhân vật trong Hồng lâu mộngcủa Tào Tuyết Cần 曹雪芹 thì tên nhân vật trong Hồng lâu mộng không chỉ thoát khỏi khuôn mẫu có sẵn, mà về trình độ nghệ thuật cũng vượt xa người xưa. Chẳng trách mà Lỗ Tấn 鲁迅, bậc đại sư về nghệ thuật ngôn ngữ rất giỏi việc đặt tên cho nhân vật đã nói:
          Sau khi xuất hiện “Hồng lâu mộng”, cách viết và tư tưởng truyền thống đã bị đả phá
          (Lỗ Tấn toàn tập 鲁迅全集,  quyển 9 phụ lục Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử biến thiên 中国小说的历史变迁)
          Đơn thuần nhìn từ nghệ thuật đặt tên nhân vật, cũng có thể chứng minh những bình luận của Lỗ Tấn là vô cùng tinh xác.  Dưới đây chúng ta sẽ đem cách đặt tên của hai a hoàn để minh chứng.
          Hai a hoàn của Lâm Đại Ngọc 林黛玉 là Tuyết Nhạn 雪雁 và Tử Quyên 紫鹃. Từ ý nghĩa mà cảm thụ, “tuyết trung cô nhạn” 雪中孤雁 (chim nhạn lẻ loi trong tuyết), “đỗ quyên đề huyết” 杜鹃啼血 (chim đỗ quyên kêu rỏ máu), đã cho người đọc một cảm giác cô tịch bi thương lạnh lẽo. Từ âm thanh mà cảm nhận, hai tên này khiến người đọc có thêm cảm giác và không khí u uất trầm buồn. Ở đây từ góc độ âm vận học Hán ngữ mà phân tích, 4 âm tiết “tuyết nhạn” “tử quyên” (cũng là 4 chữ) đều thuộc “tế âm” 细音, hơn nữa đều thuộc “tề xỉ âm” 齐齿音 và “toát thần âm” 撮脣音. Âm lượng cơ bản nhỏ (không giống “hợp khẩu âm” 合口音, đặc biệt là “khai khẩu âm” 开口音 vang to). Từ đó âm sắc và tình điệu thể hiện ra đương nhiên là u uất trầm buồn.
          Tiểu thư Lâm Đại Ngọc mà 2 a hoàn này hầu hạ chẳng phải là luôn sống trong tình cảnh như thế sao? tình cảm ở mọi lúc mọi nơi chẳng phải luôn u buồn sao? 
                                                                                            (còn tiếp)

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 20/10/2014

Nguyên tác Trung văn
TÁC PHẨM NHÂN VẬT ĐÍCH MỆNH DANH
作品人物的命名
Trong quyển
BÁT TỰ HÔN NHÂN HỌC
八字婚姻学
Tác giả: Vương Trạch Thụ 王泽树
Thanh Hải nhân dân xuất bản xã, 2005.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét