KHÔI TINH
Khôi tinh 魁星 là vị thần chủ tể về vận mạng của văn nhân. Sự sùng bái Khôi tinh có nguồn gốc từ sự sùng bái Khuê tú 奎宿của người xưa.
“Khuê tú” là danh xưng tinh quan, cũng còn gọi là “Thiên thỉ” 天豕, “Phong thỉ” 封豕, là chòm thứ nhất thuộc 7 chòm Bạch hổ 白虎 trong nhị thập bát tú ở phương tây. Khuê tú có 16 sao, bao gồm 9 sao của toà Tiên nữ 仙女 và 7 sao của toà Song ngư 雙魚. Thời cổ, Khuê tinh được mọi người xem là vị thần chủ quản về văn, đồng thời đem “Khuê tinh” đổi thành “Khôi tinh”. Học giả đời Thanh là Cố Viêm Vũ 顧炎武 trong Nhật tri lục 日知錄 có nói:
Kim nhân sở phụng Khôi tinh, bất tri canh tự hà niên, dĩ Khuê vi văn chương chi phủ, cố lập miếu tự chi. Nãi bất năng tượng Khuê, nhi cải Khuê vi Khôi. Hựu bất năng tượng Khôi, nhi thủ chi tự hình, vi quỷ cử túc nhi khởi kì đẩu.
今人所奉魁星, 不知更自何年, 以奎為文章之府, 故立廟祀之. 乃不能像奎, 而改奎為魁. 又不能像魁, 而取之字形, 為鬼舉足而起其斗.
(Người đời nay phụng thờ Khôi tinh, không biết bắt đầu từ năm nào, xem Khuê tinh là phủ của văn chương, nên lập miếu thờ. Do vì không thể nghĩ ra được hình tượng Khuê tinh nên đã đổi sang Khôi tinh. Cũng vì do không thể nghĩ ra được hình tượng Khôi tinh nên đã lấy hình dạng của chữ, vẽ thành hình con quỷ co chân lên và bưng cái đấu)
Ngọc hàm sơn phòng tập dật thư 玉函山房輯佚書 khi biên tập Hiếu kinh vĩ viên thần khế 孝經緯援神契 có nói rằng:
Khuê chủ văn chương
奎主文章
(Khuê tinh chủ về văn chương)
Tống Quân 宋均 thời Đông Hán đã chú điều đó rằng:
Khuê tinh khuất khúc tương câu, tự văn tự chi hoạ
奎星屈曲相鉤, 似文字之畫
(Khuê tinh gấp khúc móc với nhau, giống hình văn tự)
Đến thời Đông Hán, đã có tín ngưỡng “Khuê chủ văn chương”, đồng thời thường lấy “Khuê” để chỉ văn chương, văn vận. Do bởi “Khôi” và “Khuê” đồng âm, lại mang ý nghĩa là “đứng đầu”, cho nên người đỗ cao trong khoa cử cũng được gọi là “khôi”, vì thế có cách nói “kinh khôi” 经魁 (1), “ngũ khôi” 五魁 (2). Người đỗ đầu trong khảo thí Tiến sĩ gọi là Trạng nguyên 状元, cũng còn gọi là “Khôi giáp” 魁甲, người đỗ đầu kì thi hương gọi là Giải nguyên 解元, cũng còn gọi là “Khôi giải” 魁解.
Hình tượng điển hình của Khôi tinh là một co quỷ tóc đỏ mặt xanh, đứng trên đầu con ngao, một chân hướng về phía sau co lên như móc câu, một tay bưng cái đấu, tay kia cầm bút, ý nghĩa là dùng bút điểm tên định ra những người thi đỗ. Đây chính là nói “Khôi tinh điểm đẩu, độc chiếm ngao đầu” 魁星點斗, 獨佔鰲頭, được xem là điềm người đi thi sẽ đỗ.
Thời Đường Tống, trên phiến đá lớn nơi giữa bậc thềm ở chính điện của hoàng cung có tạc hình con rồng và con ngao, các Tiến sĩ mới đỗ đứng dưới bậc thềm cung điện, riêng Trạng nguyên theo quy định phải đứng trên đầu con ngao, cho nên gọi là “độc chiếm ngao đầu”. Học tốt để ra làm quan, Khôi tinh nắm giữ vận mạng thành bại về công danh của văn nhân, cho nên cũng giống như Văn Xương Đế Quân 文昌帝君, Khôi tinh được quảng đại văn nhân sùng bái. Mọi người xem Khôi tinh là vị thần cát tường hỉ khánh, nhân đó tại các nơi trong cả nước đều xây Khôi tinh lâu, Khôi tinh các, đồng thời tạc tượng Khôi tinh để phụng thờ.
Chú của người dịch
(1)- (2)- Kinh khôi 经魁, Ngũ khôi 五魁:
Khoa cử thi hương đời Minh áp dụng chế độ “ngũ kinh thủ sĩ” 五经取士 (chọn nhân tài từ 5 kinh). Gọi người đỗ đầu của mỗi kinh là “kinh khôi” 经魁. Người thứ nhất đến người thứ 5 của mỗi khoa thi lần lượt là “kinh khôi” của mỗi kinh, nhân đó gọi là “ngũ kinh khôi” 五经魁, gọi tắt là “ngũ khôi” 五魁. Về sau chế độ “ngũ kinh thủ sĩ” bị phế bỏ, nhưng trong kì thi hương vẫn theo tập quán gọi 5 người đầu là “ngũ khôi”.
“Ngũ kinh” tức 5 bộ sách mà Nho gia tôn sùng, đó là: Lễ kí 礼记, Xuân Thu 春秋, Thi kinh 诗经, Thư kinh书经, Dịch kinh 易经. Gọi người đỗ đầu của mỗi kinh là “kinh khôi” 经魁. “Khôi” 魁 tức là “thủ” 首, là “đệ nhất” 第一.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/10/2014
Nguyên tác Trung văn
KHÔI TINH
魁星
Trong quyển
CÁT TƯỜNG ĐÍCH TRUNG QUỐC
吉祥的中國
Bản công ti biên tập bộ biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti, năm Dân Quốc thứ 90.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét