About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Triệu Cao lập kế hại Lí Tư

TRIỆU CAO LẬP KẾ HẠI LÍ TƯ

          Sau khi Triệu Cao 赵高 giúp Hồ Hợi 胡亥lên ngôi, được phong làm Lang trung lệnh 郎中令, ông dựa vào ân sủng của Nhị Thế mà cuồng vọng, vì thù riêng mà giết chết rất nhiều người. Triệu Cao sợ quần thần tâu lên Nhị Thế những sự việc đó nên nói với Nhị Thế rằng:
          Thiên tử sở dĩ tôn quý ấy là do vì bề tôi chỉ có thể nghe tiếng của thiên tử chứ không thể thấy dung nhan của thiên tử. Bệ hạ còn trẻ, không nhất thiết phải rõ mọi sự tình như trong lòng bàn tay, hiện tại ngồi nơi triều đình nghe quần thần bẩm báo sự việc, cử chỉ thưởng phạt nếu không thoả đáng sẽ bộc lộ chỗ yếu của mình trước đại thần, từ đó không thể hiển thị sự thánh minh và tôn quý của bệ hạ đối với thiên hạ.
          Chi bằng bệ hạ ở trong cung, thần và các quan thạo quen pháp luật sẽ cùng xử lí sự việc mà các đại thần tâu lên, nếu chúng thần sau khi xử lí không nỗi sẽ cùng với bệ hạ nghiên cứu xử lí. Như vậy, các đại thần không dám bừa bãi dâng sớ tâu những chuyện không rõ đúng sai, thiên hạ sẽ xưng tụng sự thánh minh của bệ hạ.
          Nhị Thế đồng ý làm theo đó, vì thế không toạ triều tiếp kiến đại thần nữa, thường ở luôn trong cung cấm. Triệu Cao trong cung thị phụng tả hữu nắm giữ sự việc, trên thực tế mọi sự việc đều do ông ta quyết định.
          Thừa tướng Lí Tư 李斯 bất mãn, Triệu Cao liền đi gặp Lí Tư, nói rằng:
          Hiện tại vùng quan đông đạo tặc rất nhiều. Hoàng thượng lại điều động thêm người phục dịch đi xây cung A Bàng 阿房 (1), sưu tập chó săn ngựa tốt những thứ vô dụng. Tôi muốn can gián nhưng lại sợ địa vị của mình thấp kém, không dám dâng lời. Đó kì thực là việc trong chức trách của ngài, sao ngài không đi can gián?
          Lí Tư nói rằng:
          Tôi từ lâu đã rất muốn can gián, nhưng hiện tại Hoàng thượng không toạ triều luôn ở mãi trong cung. Tôi muốn nói vài lời nhưng không thể để cho người khác chuyển đạt. Muốn cầu kiến hoàng thượng, hoàng thượng lại không rảnh.
          Triệu Cao nói:
          Nếu quả ngài muốn can gián, đợi hoàng thượng có thời gian rảnh tôi nhất định sẽ đến nói cho ngài biết.
          Khi Nhị Thế đang uống rượu vui chơi, mĩ nữ trước mặt, Triệu Cao liền sai người báo cho Lí Tư, nói rằng: hiện hoàng thượng đang rảnh, có thể vào nghị sự.
          Lí Tư liền đến cung môn cầu kiến. Tình hình cứ như thế xảy ra mấy lần, Nhị Thế giận, nói rằng:
          Lúc ta rảnh ông ta không đến, ta đang vui chơi yến ẩm, ông ta lại đến nghị luận quốc sự. Lí Tư cho rằng ta nhỏ tuổi không biết sự việc, hay là cho ta kiến thức nông cạn?
          Triệu Cao nhân cơ hội nói vào:
          Sự việc chúng ta bí mật mưu tính lúc ban đầu, Thừa tướng có tham gia. Nay bệ hạ đã là thiên tử, mà địa vị của Thừa tướng không được nâng cao, điều này nói rõ ông ta có dã tâm cắt đất xưng vương. Hơn nữa, con trưởng của Thừa tướng là Lí Do 李由làm quận thú ở Tam Xuyên 三川, phản tặc Trần Thắng 陈胜 ở đất Sở đều là con em huyện ấp lân cận nhà Thừa tướng, vì vậy họ mới dám công nhiên hoành hành, phản tặc đi qua dưới thành Tam Xuyên mà quận thú Lí Do không chịu xuất kích. Thần còn nghe nói bọn họ thư từ qua lại với nhau. Do bởi chưa nắm chắc nên chưa dám bẩm cáo cùng bệ hạ.
          Nhị Thế tin lời Triệu Cao không nghi ngờ gì, muốn trừng trị Lí Tư, nhưng lại sợ tình hình không thực nên trước tiên sai người điều tra tình hình quận thú Tam Xuyên Lí Do câu thông cùng phản tặc.
          Lí Tư nghe được chuyện này liền dâng thư vạch trần Triệu Cao:
          Quyền lực hiện nay của Triệu Cao có thể sánh cùng bệ hạ. Ông ta lợi dụng uy tín của bệ hạ, ôm trong lòng dã tâm không thể nói cho mọi người biết. Trước Điền Thường 田常làm Tướng quốc cho Tề Giản Công 齐简公, đoạt lấy chủ vị của nước Tề, đó là sự thực mà thiên hạ đều biết. Hiện Triệu Cao mưu đồ bất chính, tài sản riêng của ông ta có thể sánh với Điền Thường khi làm Tướng quốc nước Tề. Ông ta lại tham lam vô độ, theo đuổi lợi ích không có chỗ dừng, nay địa vị và quyền lực chỉ sau quân chủ, nếu bệ hạ không trừ khử Triệu Cao, thần lo ông ta sớm sẽ tạo phản.
          Nhị Thế bảo rằng:
          Làm sao có thể như thế! Triệu Cao vốn là hoạn quan, ông ta không nhân vì an định mà phóng túng, không nhân vì nguy nan mà thay lòng đổi dạ mà luôn cố gắng cải thiện phẩm đức của mình. Địa vị của ông ta là dựa vào nỗ lực của bản thân mà có được, ta cho rằng ông ta rất hiền năng thế mà khanh lại hoài nghi là tại sao? Huống hồ ta không tin cậy Triệu Cao thì tin cậy vào ai đây? Con người Triệu Cao liêm khiết, kiên cường và có nghị lực, dưới thông dân tình, trên hợp lòng ta. Hi vọng khanh không hoài nghi nữa.
          Lí Tư không thể nói thêm gì được nữa, Nhị Thế sợ Lí Tư giết Triệu Cao liền đem sự việc Lí Tư can gián nói với Triệu Cao. Triệu Cao nói rằng:
          Hiện tại người mà Thừa tướng lo chỉ có một mình Triệu Cao thần, nếu thần chết, Thừa tướng sẽ học theo Điền Thường tạo phản.
          Lúc bấy giờ, quân khởi nghĩa trong thiên hạ ngày càng đông, Tả thừa tướng Phùng Khứ Tật 冯去疾, Hữu thừa tướng Lí Tư 李斯, Tướng quân Phùng Kiếp 冯劫 khuyên can Nhị Thế tạm thời dừng xây cung A Bàng, giảm bớt lao dịch.
          Nhị Thế vô cùng tức giận, giao Phùng Khứ Tật, Lí Tư, Phùng Kiếp cho quan nắm giữ hình ngục, lập án thẩm vấn họ xem còn có tội nào khác nữa. Phùng Khứ Tật, Phùng Kiếp tự sát, chỉ có Lí Tư bị giam vào trong ngục.
         Nhị Thế giao Lí Tư cho Triệu Cao xử lí, tra vấn tình hình Lí Tư cùng con là Lí Do mưu phản. Lí Tư phủ nhận, Triệu Cao sai đánh, Lí Tư chịu không nỗi đành phải hàm oan nhận tội.
          Lí Tư tự thị mình có tài hùng biện, có công với đất nước, thực tế hoàn toàn không có lòng mưu phản, muốn dâng thư nói rõ, hi vọng Nhị Thế tỉnh ngộ tha tội, vì thế ông ta từ trong ngục dâng thư lên.
          Sau khi thư dâng lên, Triệu Cao lệnh cho quan lại vất đi không cho Nhị Thế thấy, nói rằng:
          Tù phạm không thể dâng thư!
          Triệu Cao lại sai hơn 10 môn khách của mình nguỵ trang thành ngự sử, yết giả, thị trung, luân phiên thẩm tra Lí Tư. Lí Tư thực tình trả lời lại bị nghiêm hình lần nữa. Về sau Nhị Thế sai người nghiệm chứng khẩu cung của Lí Tư, Lí Tư tưởng rằng sẽ giống như những lần trước nên sợ không dám đổi khẩu cung.
          Lí Tư đã phục tội, tấu báo lên bị diệt tam tộc. Nhị Thế dùng Triệu Cao làm Thừa tướng, sự việc lớn nhỏ đều do Triệu Cao quyết định.

Chú của người dịch
(1)- Về chữ :
Trong Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có 2 âm:
Phòng: cái buồng …
Bàng: A Bàng tên cung điện nhà Tần.
(trang 223, nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993)

Trong Khang Hi tự điển 康熙字典 cũng có 2 âm:
          - Âm Bắc Kinh thứ nhất là fang(thanh 2)
          Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 đều phiên thiết là phù phương 符方. Âm (phòng)
          - Âm Bắc Kinh thứ hai là pang(thanh 2)
          Quảng vận 廣韻 phiên thiết là bộ quang 步光
          Tập vận 集韻, Vận hội 韻會, Chính vận 正韻  phiên thiết là bồ quang 蒲光, đều âm là (bàng).
          Ở Quảng vận 廣韻 ghi rằng:
A Bàng, Tần cung danh
阿房,秦宮名
(A Bàng là tên một cung đời Tần)
(trang 362, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003)

          Bài 阿房宮賦 của Đỗ Mục 杜牧trong Đường Ngũ đại tản văn 唐五代散文 do Hồ Sĩ Minh 胡士明 và Từ Thụ Nghi 徐树仪 biên soạn, Thượng Hải thư điếm xuất bản, ở lời chú số 2 có chú âm Bắc Kinh của 2 chữ 阿房e pang (thanh 1 và thanh 2).  (trang 48, Thế kỉ xuất bản tập đoàn, 200)
          Tôi chọn âm “bàng”, như vậy tên cung là “A Bàng

                                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                                      Quy Nhơn 1/10/2014

Nguyên tác Trung văn
TRIỆU CAO THIẾT KẾ HẠI LÍ TƯ
赵高设计害李斯
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007

0 nhận xét:

Đăng nhận xét