About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Lạc Sơn Đại Phật

LẠC SƠN ĐẠI PHẬT

          Dưới núi Nga Mi 峨眉, nơi hợp lưu của 3 con sông Mân giang 岷江, Thanh Y giang 青衣江, Đại Độ hà 大渡河 có một ngọn núi tên là Lăng Vân 凌云. Trên vách núi, có tượng Di Lặc Đại Phật 弥勒大佛 khắc đá cao hơn 20 trượng, rộng 7 trượng 2 xích. Đại Phật ngồi ngay ngắn, cúi nhìn 3 sông, đầu trên núi, chân đạp bên sông, tạo hình hùng vĩ, tư thế trang nghiêm, bên cạnh có chùa Đại Phật (Đại Phật tự 大佛寺) nổi tiếng. Phàm du khách đến du lãm núi Nga mi đều không quên đến núi Lăng Vân chiêm ngưỡng Đại Phật.
          Đầu thời Đường, trên núi Lăng Vân có chùa Lăng Vân, trong chùa có lão hoà thượng Hải Thông 海通. Đương thời dưới núi Lăng Vân, nơi hợp lưu của 3 con sông, nước sâu và chảy xiết, sóng dâng cao thường nuốt các thuyền bè, nguy hại đến bách tính.
          Một ngày nọ, hoà Thượng Hải Thông đứng trên núi, nhìn thế nước của 3 con sông. Nhìn ra xa thấy một chiếc thuyền lớn đang chòng chành trong sóng nước, lúc thì trên đầu ngọn sóng, lúc thì mất trong làn sóng. Nước chảy xiết như thiên binh vạn mã, hướng đến vách núi Lăng Vân cao nghìn nhận. Khi sắp đến vách núi, bỗng nhiên thấy nước cuộn lên một con sóng lớn nhắm đến chiếc thuyền gỗ bổ xuống, trong phút chốc chiếc thuyền không còn thấy tăm tích. Hoà thượng Hải Thông nhìn thấy thuyền tiêu người mất, trong lòng vô cùng đau xót. Hoà thượng nghĩ rằng, trong thế nước điên cuồng kia chắc có thuỷ quái. Nếu trên vách núi khắc tạo một tượng Phật, nhờ pháp lực của Bồ Tát, có thể hàng phục được thuỷ quái, để thuyền qua lại không còn gặp tai ương nữa. Vì thế hoà thượng đã mời hai người thợ đá nổi tiếng đến bàn việc khắc một tượng Phật. Hai người thợ này, một người tên là Thạch Thành 石诚, người kia tên là Thạch Hư 石虚. Lão hoà thượng nói với họ rằng:
          - Ta muốn tạc một tượng Phật trên vách núi Lăng Vân, nay mời hai vị đến để bàn bạc.
          Thạch Hư nghe nói tạc tượng lên vách núi, trong lòng rất vui mừng, nghĩ rằng, núi Lăng Vân vô cùng đẹp, đình Lăng Vân vô cùng hùng vĩ, hàng năm người đến thăm núi bái Phật rất đông, nếu tạc nhiều tượng Phật trên vách núi, thì việc của mình há không lan truyền sao! Như vậy sau này người mời mình tạc tượng sẽ ngày càng đông. Nghĩ đến đó anh ta liền nói:
          - Thuỷ quái ngã 3 sông vô cùng hung hãn, tôi thấy chỉ có tạo ra ngàn tượng Phật mới có thể trấn giữ được.
          Lúc bấy giờ, lão hoà thượng thấy Thạch Thành bên cạnh không nói tiếng nào, liền hỏi:
          - Thạch Thành, ông cảm thấy thế nào?
          Thạch Thành từ tốn đáp rằng:
          - Tôi thấy nên tạc một tượng Phật cao lớn trên vách núi.
          Thạch Hư nghe qua lắc đầu nói:
          - Vách núi cao như thế, đá lại cứng, tượng Phật của anh biết đến tháng nào năm nào mới hoàn thành?
          Thạch Thành đáp:
          - Đá vách núi cứng mới có thể chịu nổi mưa gió, tượng Đại Phật mới có thể trấn được yêu quái ở ngã 3 sông.
          Lão hoà thượng thấy hai người tranh luận, liền nói:
          - Hai anh không nên tranh luận nữa, một người tạc Đại Phật, một người tạc ngàn Phật.
          Nói xong hoà thượng Hải Thông liền đi phương xa hoá duyên. Thạch Thành, Thạch Hư mỗi người bắt đầu tự chọn vách núi phác vẽ hình để tạc. Thạch Hư tinh mắt, chọn vách núi màu đỏ, đá không cứng lắm. Anh ta tạc Phật Thích Ca lúc đắc đạo, rồi lại tạc Nam Hải Quan Âm từ hàng phổ độ, tạc 18 vị La Hán hàng long phục hổ, lại tạc Bồ Tát Phổ Hiền chỉ điểm bến mê. Chỉ nghe tiếng đục vang lên, chỉ thấy mảnh đá bay ra, anh ta tạc một tượng rồi thêm một tượng. Được 2 năm, công việc sắp xong. Còn Thạch Thành, lại chọn vách núi lớn vừa cao vừa khó đi mà đá lại cứng. Thạch Thành cùng đồ đệ bắt giàn giáo leo lên vách núi bắt đầu tạc tượng Phật lớn. Thạch Hư ngàn Phật tạc xong, còn Đại Phật của  Thạch Thành ngay cả bàn chân cũng chưa tạc xong. Thạch Hư cười bảo rằng:
          - Tôi trong hai năm tạc xong ngàn tượng Phật, anh trong hai năm vẫn chưa xong một bàn chân Phật.
          Thạch Thành không hề nản chí, nói rằng:
          - Ngàn tượng Phật, vạn tượng Phật của anh không bằng một bàn chân tượng Đại Phật của tôi.
          Nói xong Thạch Thành tiếp tục tạc.
          Lúc này, lão hoà thượng từ Trường giang, Hoài hà hoá duyên trở về. Đồng thời, còn mời được nhiều thợ tạc tượng giỏi để họ cùng Thạch Thành tạc tượng Đại Phật. Bách tính chung quanh nghe nói lão hoà thượng mời người tạc tượng Đại Phật để trấn áp yêu quái ở ngã 3 sông, cũng tấp nập kéo đến làm giúp. Người thì nấu trà, người thì đưa cơm, trên vách núi Lăng Vân kẻ qua người lại, tiếng búa vang như sấm, mảnh đá văng như mưa. Thuỷ quái chốn nước sâu  dưới vách núi, mỗi ngày bị đá trên vách núi văng trúng kinh tâm tán đởm, nhìn thấy sào huyệt sắp bị san bằng, nó bèn nổi sóng cao ngàn trượng, muốn cuốn hết đám thợ trên vách núi nhận chìm trong nước. Đám thợ thấy thuỷ quái nổi sóng, bèn lũ lượt nhặt đá quăng xuống. Đá núi rơi như trận mưa đá, chẳng mấy chốc chôn lấp thuỷ quái trong đống đá. Từ đó dưới chân vách núi, gió yên sóng lặng, hình dáng Đại Phật trên vách ngày càng hiện rõ.
          Bấy giờ, tại Gia Châu 嘉州 có một tay quan lại chỉ biếc yêu quý vàng bạc. Hắn nghe nói lão hoà thượng hoá duyên bên ngoài được nhiều ngân lượng liền nảy sinh tà tâm. Ngày nọ, hắn dẫn mấy tên quan binh đến chùa Lăng Vân, nói với lão hoà thượng rằng:
         -  Hoà thượng to gan, ông cho tạc tượng Phật mà trước tiên không báo quan lập án, trong mắt không có vương pháp, phạt ông 1 vạn lượng ngân lượng, hạn trong 3 ngày nộp đủ.
          Lão hoà thượng nói rằng:
          - Đại nhân, tạc tượng Phật là để trấn áp thuỷ quái ở ngã 3 sông, giải trừ khổ nạn cho bách tính. Số ngân lượng này là do tôi đi hoá duyên để dùng vào việc tạc tượng, không thể đụng đến.
          Tay quan lại đó thấy lão hoà thượng không đáp ứng liền doạ rằng:
          - Nếu không giao sẽ móc mắt ông.
          Hắn cho rằng lão hoà thượng sợ bị móc mắt, nhất định sẽ giao ngân lượng. Nào ngờ hắn vừa dứt lời, lão hoà thượng sắc mặt không hề thay đổi, nói rằng:
          - Ta thà móc đi đôi mắt của mình chứ không thể động đến số ngân lượng dùng tạc tượng Phật.
          Nói xong, liền tự mình móc mắt, bỏ vào mâm bưng đến tên quan nọ. Tên quan thấy lão hoà thượng quả thật đã móc đôi mắt của mình, liền kinh hãi không ngừng thoái lui. Ai ngờ trong nhất thời quên mất phía sau mình là vực sâu, bị ngã xuống chết mất. Lúc bấy giờ đôi mắt lại bay trở về tròng mắt của lão hoà thượng. Mấy tên tham quan ô lại nhìn thấy, không dám đòi ngân lượng của lão hoà thượng nữa.
          Về sau, lão hoà thượng bị bệnh sắp mất, nhưng Đại Phật vẫn chưa hoàn thành. Lão hoà thượng gọi mấy đệ tử và những người thợ đến bên giường dặn rằng:
          - Ta không thể nhìn thấy Đại Phật hoàn thành rồi. Sau khi ta mất, các con nhất định phải tiếp tục tạc cho xong Đại Phật.
          Nói xong, lão hoà thượng tắt thở. Sau khi lão hoà thượng qua đời, các đệ tử coi quản mọi người tiếp tục công việc. Chẳng bao lâu, Thạch Thành cũng qua đời, đồ đệ của ông vẫn tiếp tục tạc tượng Đại Phật. Cứ như vậy, đời sau nối đời trước, trải qua 90 năm, tượng Đại Phật cuối cùng cũng hoàn thành. Nhân vì  tượng Đại Phật này là tượng Phật tạc đá lớn nhất, cho nên mọi người gọi là Đại Phật, cũng còn gọi là Lạc Sơn Đại Phật 乐山大佛. Ngôi chùa Lăng Vân bên cạnh Đại Phật cũng được tên là chùa Đại Phật.

                                                      Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 10/02/2016

Nguyên tác Trung văn
LẠC SƠN ĐẠI PHẬT
乐山大佛
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002

0 nhận xét:

Đăng nhận xét