TẾT ÔNG TÁO
Ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp là một trong những “lạp nhật” 腊日của Trung Quốc cổ đại, tục gọi là “tiểu niên dạ” 小年夜. Dân gian có tục “tế Táo thần”. Táo thần rốt cuộc là ai, cách nói xưa nay không thống nhất.
Có ý kiến cho rằng. Táo thần vốn là vị đế vương thời thượng cổ hoặc hậu duệ của ông ta. Trong Hoài Nam Tử - Tỉ luận 淮南子 - 汜论 ghi rằng:
Viêm Đế tác hoả tử nhi vi Táo
炎帝作火死而为灶
(Viêm Đế làm ra lửa, chết hoá thành ông Táo)
Cao Dụ 高诱 đã chú:
Viêm Đế, Thần Nông, dĩ hoả đức vương thiên hạ, tử thác tự vu Táo thần
炎帝, 神农, 以火德王天下, 死托祀于灶神.
(Viêm Đế tức Thần Nông, lấy hoả đức làm vương thiên hạ, khi chết thác vào Táo thần)
Thái bình ngự lãm 太平御览 quyển 816 dẫn dật văn trong Hoài Nam Tử 淮南子 rằng:
Hoàng Đế tác táo, tử vi Táo thần.
黄帝作灶死为灶神
(Hoàng Đế làm ra bếp, khi chết hoá thành Táo thần)
Trong Lễ kí – Lễ khí 礼记 - 礼器, Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达đã sớ rằng:
Chuyên Húc thị hữu tử viết Lê, vi Chúc Dung, tự dĩ vi Táo thần.
颛顼氏有子曰黎, 为祝融, 祀以为灶神
(Họ Chuyên Húc có con tên Lê, là Chúc Dung, được thờ làm Táo thần)
Một ý kiến khác cho rằng, Táo thần là một mĩ nữ phổ thông. Trong Trang tử - Đạt sinh 庄子 - 达生 có ghi chép về những quỷ vật chốn nhân gian, trong đó “Táo hữu kế” 灶有髻là một loại. Kinh điển thích văn 经典释文 dẫn lời của Tư Mã Bưu 司马彪:
Kế, Táo thần, trước xích y, trạng như mĩ nữ.
髻, 灶神, 著赤衣, 状如美女.
(Kế là Táo thần, mặc áo đỏ, hình trạng như một mĩ nữ)
Đoàn Thành Thức 段成式đời Đường trong Dậu dương tạp trở - Nặc Cao kí thượng 酉阳杂俎 - 诺皋记上 nói rằng:
Táo thần danh Ngỗi, trạng như mĩ nữ. Hựu tính Trương danh Thiện, tự Tử Quách. Phu nhân Khanh Kị, hữu lục nữ, giai danh Sát Hiệp.
灶神名隗, 状如美女. 又姓张名单, 字子郭. 夫人卿忌, 有六女, 皆名察洽
(Táo thần tên là Ngỗi, hình trạng như mĩ nữ. Lại có họ Trương tên Thiện, tự là Tử Quách. Phu nhân tự là Khanh Kị, có 6 người con gái, đều có tên là Sát Hiệp)
Cũng có một ý kiến khác cho rằng Táo thần chính là hoả tinh tên Tống Vô Kị 宋无忌 được nói đến trong Bạch trạch đồ 白泽图 ở phần sách ẩn trong Sử kí - Phong thiện thư 史记 - 封禅书.
Trong Tam quốc chí – Nguỵ chí – Quản Lộ truyện 三国志 - 魏志 - 管辂传 ghi rằng:
Vương Cơ gia tiện phụ sinh nhất nhi, đoạ địa, tức tẩu nhập táo trung. Lộ viết: ‘Trị Tống Vô Kị chi yêu, tương kì nhập táo dã.’
王基家贱妇生一儿, 堕地, 即走入灶中. 辂曰: ‘直宋无忌之妖, 将其入灶也
(Vợ Vương Cơ sinh được một đứa con, lúc ngã xuống đất liền chạy vào trong bếp lò. (Quản) Lộ nói rằng: ‘Đó là yêu tinh Tống Vô Kị đưa nó vào bếp lò)
Rõ ràng, Quản Lộ đã cho Tống Vô Kị là Táo thần.
Nguyên nhân tế Táo ở dân gian, tương truyền, Táo thần “thường vào ngày cuối cùng của tháng lên trời bẩm báo tội trạng của con người. Người nào tội nặng bị đoạt kỉ, một kỉ là 300 ngày; người tội nhẹ bị đoạt toán, một toán là 100 ngày. Cho nên Thiên Đế sai khiến cho xuống làm Địa tinh. Ngày Kỉ Sửu, giờ Mão khi mặt mọc thì lên trời, đến gần trưa thì về lại, ngày đó cúng tế được phúc.”
(Dậu dương tạp trở 酉阳杂俎)
Đây chính là nói Táo thần theo lệ lên trời bẩm báo những thiện ác của con người trong một năm qua. Nếu bị Táo thần tâu những lời không tốt sẽ bị đoạt mất 100 đến 300 ngày thọ mệnh. Nhân đó, mọi người vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp cúng Táo thần đưa tiễn Táo thần lên trời, mục đích là hi vọng Táo thần sẽ tâu với Ngọc Đế những lời tốt đẹp, giảm bớt những lời không tốt. Ngày tế Táo thần, nhà nhà đều đem bệ lò, kỉ án, nồi niêu chén bát dọn dẹp lau chùi sạch sẽ, chuẩn bị lễ vật để cúng. Trước khi tế, đầu tiên phải đem hình Táo thần cũ dán trên tường lấy xuống, hoả thiêu trước lò, biểu thị Táo thần đã lên trời, sau đó dán hình Táo thần mới. Hai bên Táo thần còn dán cặp đối:
Thiên thượng ngôn hảo sự
Hạ giới bảo bình an
天上言好事
下界保平安
(Trên trời nói những lời tốt đẹp
Dưới trần bảo hộ bình an)
“Nhà nhà bày rượu, trái cây, kẹo mứt, đưa tiễn Táo thần lên trời, đặt cỏ rơm và đậu trước lò để dâng cúng Thần mã. Cúng kẹo mứt mang ý nghĩa lấp đầy miệng để Táo thần lên trời nói những lời tốt đẹp.”
(Hồ Phác An – Trung Hoa toàn quốc phong tục chí 胡朴安 - 中华全国风俗志)
Mạnh Nguyên Lão 孟元老 đời Tống trong Đông Kinh mộng hoa lục 东京梦华录 nói rằng, tháng Chạp:
Ngày 24, ….. dán Táo mã trên bếp lò, lấy hèm rượu bôi lên cửa lò, gọi đó là “tuý Tư mệnh” 醉司命.
Dụng ý cũng muốn cho Táo thần say, lên trời không tâu những điều xấu.
Thẩm Bảng 沈榜 trong Uyển thự tạp kí 宛署杂记 có nói về tập tục tết Táo vương đời Minh:
Cúng Táo thần, dân trong khu vực khắc hình con ngựa rồi in ra làm Táo mã, mỗi năm vào ngày 24 tháng Chạp, nông dân mua về đốt trước bếp lò, gọi là đưa tiễn Táo quân lên trời. Bày kẹo bánh dâng cúng Táo quân, bày đậu đen, cỏ cho ngựa, cả nhà lớn nhỏ đều bái lạy, khấn rằng: chua cay mặn ngọt, Táo quân chớ nói ra. Đến ngày mồng 1 năm sau, cũng lại bày những món như trước, gọi là “nghinh tân Táo.
Đến đời Thanh, tập tục tế Táo càng thịnh hành. Hoàng đế Càn Long 乾隆 rất mê tín Táo thần. “Mỗi năm vào đêm 24 tháng Chạp, tế Táo thần tại cung Khôn Ninh 坤宁.” “ Trong 60 năm, không năm nào là không như thế.”
Dân gian thì “Đêm ngày 23, nhà nhà tế Táo, trong sân dựng một cây cột, bên trên treo đèn. Tế phẩm có canh, cơm, kẹo, dưa, bánh mứt, Thần mã có hèm rượu thơm, đậu. Đàn ông cúng bái, cầu khấn những lời tốt lành, phụ nữ thì ở trong nhà trong, quét dọn bếp núc, dùng bùn sạch tô trét bếp lại, gọi là “quải bào” 挂袍, thắp đèn cúng bái.”
(Phan Vinh Bệ - Đế kinh tuế thời kỉ thắng 潘荣陛 - 帝京岁时纪胜)
Sau khi tế xong, đem Thần tượng lấy xuống, đốt cùng với giấy tiền, vàng thoi. Đến lúc Trừ tịch nghinh tiếp Thần, lại dâng cúng một lần nữa, Ngày đó pháo đốt cực nhiều, tục gọi là “tiểu niên tiểu”
(Phú Sát Đôn Sùng – Yên Kinh tuế thời kí 富察敦崇 - 燕京岁时记)
Tập tục tế Táo lâu đời lưu truyền rộng rãi, đến nay vẫn còn thấy ở nông thôn.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/02/2016
(23 tháng Chạp năm Ất Mùi)
Nguyên tác Trung văn
TÁO VƯƠNG TIẾT
灶王节
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC ĐẠI TỪ ĐIỂN
中国风俗大辞典
Chủ biên: Thân Sĩ Nghiêu 申士垚, Phó Mĩ Lâm 傅美琳
Trung Quốc Hoà Bình xuất bản xã xuất bản, 1994.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét