CHÂN TƯỚNG VỀ CÁI CHẾT ĐỘT NGỘT
CỦA TRIỆU KHUÔNG DẬN
Con nối nghiệp cha, đó là thể chế truyền thống mà chế độ quân chủ phong kiến hơn hai ngàn năm nay nối theo nhau, quân vương phong kiến đem vương vị của mình truyền lại cho con mình, trừ những tình huống đặc thù ra, rất ít khi truyền lại cho người khác. Nhưng trong lịch sử đã có mấy vị đế vương có được vương vị không hợp chính thống, như Tuỳ Dượng Đế Dương Quảng 隋炀帝杨广, Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa 宋太宗赵光义, việc có được hoàng vị đều là bí ẩn thiên cổ lưu truyền đến nay.
Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa là em trai của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 宋太祖赵匡胤. Năm 960 Triệu Khuông Dận phát động cuộc binh biến nổi tiếng ở Trần Kiều 陈桥, hoàng bào gia thân, làm hoàng đế 17 năm, đến năm 976 đột nhiên qua đời. Nguyên nhân cái chết của ông ta có 2 thuyết:
- Thứ 1, thuyết về cái chết không bình thường lưu truyền rộng rãi trong dân gian.
- Thứ 2, bộ phận học giả cho rằng cái chết của ông ta bình thường, hoàn toàn không phải bị người khác giết.
Do bởi đối với cái chết của Triệu Khuông Dẫn trong chính sử không ghi chép rõ ràng, còn những ghi chép trong dã sử cách nói lại không thống nhất, cho nên nguyên nhân cái chết của Triệu Khuông Dận trở thành một đại huyền án trong lịch sử.
Những người theo thuyết thứ 1 cho rằng, Triệu Khuông Dận chết dưới tay của em trai mình là Triệu Quang Nghĩa, cũng chính là nói về bí ẩn “chúc ảnh phủ thanh” 烛影斧声. Căn cứ mà họ theo đó là những ghi chép trong Tục Tương sơn dã lục – Thái Tông tức vị 续湘山野录 - 太宗即位 được biên soạn vào thời Bắc Tống. Câu chuyện như sau:
Vào một đêm nọ, sao trên bầu trời nhấp nháy, Tống Thái tổ trong lòng vô cùng cao hứng. Trong chốc lát, bầu trời bị mây đen giăng tứ phía, không khí biến đổi, sấm chớp nổi lên. Tống Thái Tổ xem tình tình không hay, liền cho dẹp nghi trượng, lui về tẩm cung, gấp gọi viên quan nắm giữ chìa khoá cung đình mở Đoan môn 端门, truyền Khai Phong Vương 开封王 (Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa) vào. Sau khi Tống Thái Tông đến, Thái Tổ cho hoạn quan cùng thị vệ lui hết, chỉ còn hai anh em đối ẩm. Từ xa ngoài điện nhìn vào, chỉ thấy dưới bóng dưới ánh đuốc, Thái Tông chợt đứng lên rời khỏi chiếu, dường như không kham nỗi tửu lượng. Uống rượu xong, trống canh 3 trong cung vang lên, lúc bấy giờ trên mặt đất tuyết rơi dày mấy tấc. Thái Tổ bước ra khỏi tẩm cung, dùng rìu chém vào trong tuyết, quay đầu lại nói với Thái Tông: “Làm được lắm!, làm được lắm!” Nói xong, Thái Tổ cởi đai áo vô nghỉ, tiếng ngáy vang ra như sấm. Đêm đó, Tống Thái Tông ở lại trong cung. Qua trống canh 5, cấm vệ trực đêm hoàng cung không nghe gì, Thái Tổ chết bất ngờ. Tống Thái Tông tuân theo chiếu thư truyền ngôi mà Thái Tổ phát bố trước khi chết, trước linh vị Thái Tổ lên ngôi hoàng đế. Đợi đến trời sáng, Thái Tông đến Minh đường (nơi đế vương thời cổ định minh chính giáo), tuyên đọc xong chiếu thư truyền ngôi do Tống Thái Tổ để lại, thống lĩnh thân cận đại thần thay phiên nhau canh giữ tang phục chế tác bằng ngọc, đồng thời canh giữ di thể Thái Tổ, dung nhan an tường, tươi nhuận giống như vừa mới tắm rửa xong.
Đoạn ghi chép này thuật lại việc Triệu Khuông Dận đột nhiên trong “chúc ảnh phủ thanh” qua đời. Cái chết của Tống Thái Tổ là một nghi án, nhân vì Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa trong đêm Tống Thái Tổ chết, ông một mình nghỉ lại trong cung cấm cùng Thái Tổ, nên nghi ngờ ông giết anh soán vị.
Còn như nguyên nhân Triệu Quang Nghĩa giết anh soán vị cũng có đến mấy truyền thuyết:
- Một là, Triệu Quang Nghĩa vô cùng háo sắc, nhìn thấy và chọc ghẹo Hoa Nhuỵ phu nhân 花蕊夫人, sủng phi của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, bị anh phát hiện, sau đó giết chết người anh của mình.
- Một thuyết khác, đó là sự tranh đoạt quyền lực của nội bộ gia tộc. Triệu Khuông Dận khinh thường sự chú ý của Triệu Quang Nghĩa và không đề phòng, dẫn đến sự bành trướng thế lực và dã tâm của Triệu Quang Nghĩa.
- Lại một thuyết khác, cho rằng chính kiến của hai anh em bất đồng, như đối với chính sách về dân tộc thiểu số, hay vấn đề định đô ở nơi nào, cả hai đều có ý kiến khác nhau, cuối cùng dẫn đến việc anh em tàn sát lẫn nhau.
Còn những người theo thuyết thứ 2 tức cái chết bình thường cho rằng, thuyết “chúc ảnh phủ thanh” nói ở trên thuần tuý thuộc về hư cấu, họ lấy Tốc thuỷ kỉ văn 涑水纪闻 của Tư Mã Quang 司马光 làm y cứ, trong đó có nói:
Sau khi Tống Thái Tổ mất, hoàng hậu sai nội thị Vương Kế Long 王继隆 triệu con trưởng là Triệu Đức Chiêu 赵德昭 tiến cung kế thừa vương vị. Vương Kế Long cho rằng khi Thái Tổ tại thế, vốn có ý truyền ngôi vị cho Tấn Vương 晋王. Thế là tự ý chủ trương triệu Triệu Quang Nghĩa tiến cung. Sau khi nghe tin, Triệu Quang Nghĩa cả kinh, do dự không dám vào. Họ Vương thúc giục rằng: thời gian cấp bách, nếu trễ nãi đế vị sẽ thuộc về người khác. Lúc bấy giờ Triệu Quang Nghĩa mới vội theo họ Vương nhập cung. Hoàng hậu vừa thấy người đến là Tấn vương Triệu Quang Nghĩa, vô cùng kinh ngạc, đành nói: tính mạng của hai mẹ con ta phó thác cho quan gia. Triệu Quang Nghĩa thấy tình hình đó cũng khóc và nói rằng: cùng chung phú quý, không làm tổn thương nhau.
Lấy đó mà luận, khi Triệu Khuông Dận mất, Triệu Quang Nghĩa hoàn toàn không biết , cũng không ở trong cung, do đó cũng không tồn tại mối nghi ngờ giết anh.
Thế thì, rốt cuộc Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận vì nguyên nhân gì mà đột ngột qua đời? Cũng có học giả cho rằng, do bởi Thái Tổ ham uống rượu, có thể là mắc phải chứng bệnh cao huyết áp, cứu không kịp nên chết. Hoặc giả có liên quan đến bệnh di truyền của gia tộc họ Triệu. Theo khảo chứng, cả tộc Triệu Khuông Dận, người chết trẻ chiếm rất nhiều, cho dù sống tương đối lâu bình quân cũng chỉ đến 41 tuổi, so với bình quân thọ mạng 62 tuổi của xã hội thượng lưu lúc bấy giờ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 07/10/2016
Nguyên tác Trung văn
TRIỆU KHUÔNG DẬN “BẠO TỬ” CHÂN TƯỚNG
赵匡胤 “暴死” 真相
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Chủ biên: Tôn Thiệu Vũ 孙绍武
Hô Hoà Hạo Đặc: Viễn phương xuất bản xã, 2009.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét