About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Thư viện - Hình thức tổ chức giáo dục quan trọng

THƯ VIỆN – HÌNH THỨC TỔ CHỨC GIÁO DỤC QUAN TRỌNG

          Chế độ giáo dục mấy ngàn năm của Trung Quốc, nhìn từ kết cấu tổ chức, về đại thể có thể phân thành 2 loại: một quan, một tư. Thư viện là hình thức tổ chức giáo dục của xã hội phong kiến Trung Quốc, lấy tư nhân sáng lập làm chính, có lúc cũng do quan phương sáng lập. Đặc điểm của nó là: dưới sự lãnh đạo của vị học giả nổi tiếng, tập trung sách vở, quy tụ học trò để dạy, kết hợp giữa dạy học và nghiên cứu. Từ cuối thời Đường, Ngũ Đại đến cuối đời Thanh có hơn 1000 năm lịch sử, đối với xã hội phong kiến Trung Quốc, thư viện đã sản sinh ảnh hưởng vô cùng to lớn. Muốn bàn về lịch sử giáo dục của Trung Quốc, muốn nghiên cứu chế độ giáo dục hiện tại của Trung Quốc, tất cần phải nghiên cứu chế độ thư viện. Từ những nghiên cứu đó, chúng ta có thể học tập được rất nhiều điều có ích.
          Danh xưng thư viện được thấy bắt đầu từ đời Đường. Thư viện lúc bấy giờ đã có 2 loại: do tư nhân và do quan phương sáng lập, quản lí. Ban đầu, thư viện chỉ là nơi nhà nước cất giữ, hiệu đính thư tịch, có thư viện chỉ là nơi tư nhân dạy học, vẫn chưa phải là cơ cấu giáo dục chân chính. Viên Mai 袁枚, thi nhân đời Thanh, trong Tuỳ Viên Tuỳ Bút 随园随笔 viết rằng:
          Thư viện chi danh khởi Đường Huyền Tông thời, Lệ Chính thư viện, Tập Hiền thư viện giai kiến vu triều tỉnh, vi tu thư chi địa, phi sĩ tử dị nghiệp chi sở dã.
          书院之名起唐唐玄宗时, 丽正书院, 集贤书院皆建于朝省, 为修书之地, 非士子肄业之所也.
          (Danh xưng thư viện bắt đầu từ thời Đường Huyền Tông, Lệ Chính Thư Viện, Tập Hiền Thư Viện đều thiết lập tại triều và tỉnh, là nơi hiệu đính sách vở, không phải nơi sĩ tử học tập)
          Nhưng, thời Đường đã có không ít thư viện do tư nhân sáng lập và quản lí. Trong Toàn Đường Thư 全唐书  có đề cập 11 nơi. Những thư viện này chỉ là nơi tư nhân đọc sách.
          Thư viện chân chính có tính chất tập trung học trò để dạy khởi nguồn từ Lư Sơn Quốc Học 庐山国学, mọi người gọi là Bạch Lộc Quốc Tường 白鹿国庠, địa chỉ tại Lư Sơn 庐山Giang Tây 江西, tiền thân của Bạch Lộc Động Thư Viện 白鹿洞书院 nổi tiếng. Trong Nam Đường Thư 南唐书 của Lục Du 陆游 có những ghi chép liên quan đến Lư Sơn Quốc Học. Nhìn chung, hình thức thư viện tập trung học trò để dạy hình thành vào cuối thời Ngũ Đại. Có người cho rằng, thư viện ở Trung Quốc bắt nguồn từ “tinh xá” 精舍 hoặc “tinh lư” 精庐 thời Đông Hán, thực ra hoàn toàn không tương đồng.
          Đầu thời Bắc Tống, quốc gia thống nhất, nhưng vẫn chưa đủ sức để sáng lập học hiệu, vì thế thư viện tư nhân theo thời đó mà trổi dậy. Lư Sơn Quốc Học hoặc Bạch Lộc Quốc Tường, phát triển thành Bạch Lộc Động Thư Viện. Ngoài Bạch Lộc Động Thư Viện ra, tiếp đó có rất nhiều thư viện nối nhau ra đời, bao gồm Nhạc Lộc Thư Viện 岳麓书院, Ứng Thiên Phủ Thư Viện 应天府书院, Tung Dương Thư Viện 嵩阳书院, Thạch Cổ Thư Viện 石鼓书院 và Tuy Dương Thư Viện 睢阳书院, có lúc có danh xưng “tứ đại thư viện” hoặc “lục đại thư viện”.
          Đến thời Nam Tống, thư viện càng phát đạt. Số lượng nhiều, quy mô lớn, tổ chức nghiêm nhặt, chế độ hoàn thiện mà trước đó chưa từng có, cơ hồ thay thế cả quan học trở thành cơ cấu giáo dục chủ yếu. Thư viện thời Nam Tống phát đạt, bắt đầu từ khi Chu Hi 朱熹tu sửa lại Bạch Lộc Động Thư Viện. Sau Chu Hi lại tu sửa và mở rộng Nhạc Lộc Thư Viện ở Hồ Nam. Sở dĩ thư viện phát đạt, nguyên nhân không ngoài mấy điểm sau đây: Lí học phát triển, mà nội dung dạy học của thư viện đa phần là Lí học; quan học suy yếu, khoa cử hủ bại; nhiều học giả nổi tiếng từ quan học chuyển hướng sang thư viện tư nhân, sự phát triển của kĩ thuật in ấn đã tạo nhiều điều kiện in sách nhanh chóng, mà thư viện lại lấy việc tàng trữ sách vở làm đặc điểm. Nhân đó, thư viện đã nhanh chóng phát triển.
          Đời Nguyên cũng tương đối coi trọng sự nghiệp giáo dục văn hoá, khích lệ kiến lập học hiệu và thư viện. Không những vùng Giang Nam văn hoá hưng thịnh sáng lập và phục hưng thư viện một cách phổ biến, mà ngay cả phương bắc cũng nối nhau kiến lập nhiều thư viện. Nhưng việc quản lí và trình độ dạy học đều rất thấp.
          Đến đầu đời Minh, tình hình có sự thay đổi. Trọng điểm của chính phủ là thiết lập quan học, đề xướng khoa cử, không coi trọng thư viện. Từ niên hiệu Hồng Vũ 洪武 đến niên hiệu Thành Hoá 成化hơn 100 năm, tình hình là như thế. Từ sau niên hiệu Thành Hoá (1465 – 1487), thư viện mới được phục hưng, đến thời Gia Tĩnh 嘉靖(1522 – 1566) đạt đến cực thịnh. Thư viện đời Minh từ suy đến hưng, các đại sư Lí học như Vương Thủ Nhân 王守仁, Trạm Nhược Thuỷ 湛若水 đã có tác dụng quan trọng. Để tuyên dương Lí học của mình, họ kiến lập thư viện ở những nơi mà họ đến. Cuối đời Minh, thư viện có ảnh hưởng lớn nhất đó là Đông Lâm Thư Viện 东林书院. Trong thư viện này, thầy và trò ngoài hoạt động dạy và học ra, còn tích cực tham gia hoạt động chính trị lúc bấy giờ. Điều này đương nhiên bị giới thống trị bức hại. Năm Thiên Khải 天启 thứ 5 (năm 1625), thái giám Nguỵ Trung Hiền 魏忠贤 hạ lệnh phá huỷ thư viện trong thiên hạ, mà bắt đầu từ Đông Lâm, gây nên đại án bức hại người của đảng Đông Lâm trong lịch sử Trung Quốc.
          Đến đầu đời Thanh, giới thống trị áp dụng chính sách tiến hành áp chế đối với thư viện, mãi đến năm Ung Chính 雍正 thứ 11 (năm 1733), mới lệnh cho các tỉnh lập thư viện mang tính chất thuộc quan phương. Về sau phát triển đến hơn 2000 nơi, số lượng cực lớn vượt qua thời trước. Do bởi thư viện phần lớn do quan phương thao túng, hoàn toàn không có quyền lực độc lập tự chủ, do đó mà cũng không có hoạt động. Đương nhiên cũng xuất hiện qua số ít thư viện mang tính chất tư nhân. Nhiều học giả nổi tiếng cuối đời Thanh đã giảng dạy nơi đó.
          Nhìn chung chế độ thư viện hơn 1000 năm của Trung Quốc, có thể thấy thư viện trước sau là một bộ phận tổ thành trọng yếu của giáo dục phong kiến, cùng với giới thống trị nó vừa điều hoà, vừa đấu tranh, hình thành chủ trương giáo dục của riêng mình và nét đặc sắc trong việc dạy học. Hình thức thư viện này còn ảnh hưởng đến việc giáo dục của Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước Đông Nam Á.
          Chế độ thư viện như thế có những đặc điểm gì? Trong Trung Quốc Giáo Dục Sử Giản Biên 中国教育史简编 do Mao Lễ Nhuệ 毛礼锐chủ biên, đối với đặc điểm thư viện Trung Quốc đã quy nạp mấy ý như sau:
          - Kết hợp giữa dạy học và nghiên  cứu
          - Thịnh hành chế độ “giảng hội” 讲会, đề xướng bách gia tranh minh.
          - Về việc dạy học, thực hành “môn hộ khai phóng” 门户开放.
          - Việc học lấy cá nhân nghiên cứu làm chính
          - Dung hợp quan hệ giữa thầy và trò.
          Khái quát những trình bày ở trên đương nhiên không phải là kết luận cuối cùng, tuỳ theo việc không ngừng thâm nhập nghiên cứu thư viện, nhận thức của mọi người đối với thư viện cũng theo tình hình sử liệu phong phú mà càng toàn diện càng sâu sắc. Ví dụ về phương diện tổ chức quản li, thư viện có rất nhiều đặc điểm: cơ cấu quản lí nhìn chung tinh gọn, kinh phí đến từ nhiều nguồn, thư viện có thể độc lập tự chủ, nội quy quy tắc học tập linh hoạt đa dạng. Trong đó có nhiều kinh nghiệm đáng để chúng ta noi theo.

                                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                                              Quy Nhơn 14/10/2016

Nguồn
TRUNG QUỐC THƯ VIỆN TỪ ĐIỂN
中國書院辭典
Chủ biên: Quý Khiếu Phong 季啸风
Triết Giang giáo dục xuất bản xã, 1996.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét