NHỮNG HÌNH PHẠT CHỦ YẾU CỦA ĐỜI TẦN
Đời Tần tội danh rất nhiều, thủ đoạn hình phạt đương nhiên cũng không ít. Chủng loại hình phạt thấy trong sử liệu như Tần giản rất nhiều, chủ yếu có mấy loại dưới đây:
1- Tử hình 死刑: tức cực hình tước đoạt sinh mệnh của kẻ phạm tội. Triều Tần, tử hình chủ yếu có mười mấy loại:
- Trảm thủ 斩首 (chém đầu): như em trai Tần Thuỷ Hoàng là Trường An Quân 长安君 tạo phản, các binh lính liên quan đều “trảm thủ”.
- Yêu trảm 腰斩 (chém ngang lưng): Luật Tần quy định, tội danh “không cáo giác kẻ gian” thích hợp với hình phạt này. Lí Tư 李斯 bị xử yêu trảm.
- Khí thị 弃市: tức xử tử tại chợ. Thuỷ Hoàng “phần thư” 焚书 (đốt sách) từng quy định:
Ngẫu ngữ “Thi” “Thư” giả, khí thị.
偶语 “诗” “书” 者, 弃市
(Hai người mà tu tập lại bàn về “Thi” “Thư” thì bị chém giữa chợ)
- Kiêu thủ 枭首 (bêu đầu): tức sau khi chém phạm nhân, đem đầu treo lên cây để thị chúng. Đồng đảng của Lao Ải 嫪毐 hơn 20 người đều bị “kiêu thủ”.
- Lục tử 戮死: cũng gọi là “sinh lục” 生戮, tức trước tiên dùng nhục hình để thị chúng, sau đó chém đầu. Tội danh “dự địch” 誉敌 (ca ngợi quân địch) làm loạn lòng quân sẽ bị xử cách này.
Còn có “lục thi” 戮尸 liên quan với loại này, tức tội phạm trước khi bị xử tội đã chết sẽ bị hình phạt huỷ hoại thi thể. Quân tạo phản của Trường An Quân sau khi thua trận đã bị “lục kì thi” 戮其尸.
- Xa liệt 车裂: tức “ngũ mã phân thi” 五马分尸. Lao Ải 嫪毐 nổi binh làm loạn đã bị hình phạt này, tức “xa liệt dĩ tuẫn” 车裂以殉.
- Khanh 坑: còn gọi là “sinh mai” 生埋 tức chôn sống, như bọn thuật sĩ bị chôn sống.
- Cụ ngũ hình 具五刑: tức trước tiên chịu các nhục hình, sau đó sẽ bị tử hình, bêu đầu thị chúng, sau nữa sẽ đem thi thể băm nát như bùn. Hình phạt này thường áp dụng cho tội “tộc” hình, triều Tần quy định:
Dĩ cổ phi kim giả tộc. Lại kiến tri bất cử giả đồng tội.
以古非今者族. 吏见知不举檟同罪
(Lấy xưa để chê nay bị tội tộc. Kẻ lại thấy biết mà không tố giác thì cũng đồng tội)
Lí Tư người đặt ra tội danh này rốt cuộc cũng bị xử “cụ ngũ hình”.
- Tộc 族: “diệt kì tộc”, “tam tộc chi tội” là loại tội nghiêm trọng nhất mà hình phạt liên luỵ đến người khác. Lao Ải, Lí Tư đều bị diệt tộc
- Định sát 定杀: một loại dìm nước, một loại chôn sống. Hình phạt này thường áp dụng cho những người bị hủi.
- Tứ tử 赐死: tức bị bức tự sát, đa số áp dụng cho hoàng thất, quý tộc hoặc công thần. Như Hồ Hợi 胡亥 soán ngôi giả chiếu “tứ tử” công tử Phù Tô 扶苏 và đại tướng Mông Điềm 蒙恬.
Ngoài ra còn có “nang phốc” 囊扑 (bỏ tội phạm vào bao rồi đánh), “tạc điên” 凿颠 (dùng vật nhọn đục đỉnh đầu), “trừu cân” 抽筋 (rút gân)
2- Nhục hình 肉刑. Triều Tần ngoài việc theo những nhục hình từ thời cổ như xẻo mũi, khắc chữ lên mặt, cung hình, chặt chân, chém, đánh roi, còn dùng rộng rãi hình phạt lao dịch đi kèm với nhục hình, như: chặt ngón chân phải, khắc chữ lên mặt, thành đán 城旦 …
3- Đồ hình 徒刑: còn gọi là “tác hình” 作刑, tức chịu hình phạt bằng cách làm lao dịch. Lấy “tác hình” thay thế “nhục hình” đã thể hiện sự tiến bộ của chế độ hình phạt. Căn cứ vào thời gian và nội dung của lao dịch, tác hình được chia làm mấy bộ phận chủ yếu dưới đây:
- Lại thần thiếp 吏臣妾: tức hình phạt làm tạp dịch nơi phủ quan, tội phạm nam gọi là “lại thần” 吏臣, tội phạm nữ gọi là “lại thiếp” 吏妾. Hình thức này thuộc đồ hình vô kì hạn, có thể gia thêm các hình phạt khác, nhưng cũng có thể dùng vàng bạc để chuộc hoặc bản thân người bị tội, hoặc người nhà có công trong canh tác, chiến đấu cũng có thể chuộc tội, đền trả tội. Đồng đảng và người nhà của Lao Ải 嫪毐, Lã Bất Vi 吕不韦 bị Tần Thuỷ Hoàng “tịch kì môn” 籍其门, hết thảy phải làm nô lệ, suốt đời không được làm quan.
- Quỷ tân bạch xán 鬼薪白粲: tức hình phải làm tạp dịch nơi tông miếu, kì hạn là 3 năm. “Quỷ tân” 鬼薪 áp dụng cho tội phạm nam, công việc chủ yếu là chặt củi. “Bạch xán” 白粲 áp dụng cho tội phạm nữ, công việc chủ yếu là lựa riêng những hạt gạo trắng ra. Có khi cũng thường phụ thêm những hình phạt khác. Lao Ải làm loạn, “với bọn giúp việc trong nhà, kẻ nào mắc tội nhẹ thì phạt làm quỷ tân.”
- Thành đán thung 城旦舂: tức các loại khổ hình, thuộc loại đồ hình nặng nhất, có khi liên luỵ đến thân thuộc, thời gian chịu hình phạt từ 4 đến 5 năm. Gọi là “thành đán” 城旦 tức phải thức khuya dậy sớm, suốt ngày phục dịch khổ hình, chủ yếu chỉ việc tu sửa tường thành, đa phần áp dụng cho tội phạm nam. Còn “thung” 舂 tức “thung mễ” 舂米 (giã gạo) nhưng không phải chỉ giới hạn ở việc giã gạo. Hình phạt này áp dụng cho tội phạm nữ. Nếu không phải chịu thêm nhục hình thì gọi là “hoàn thành đán” 完城旦, “hoàn vi thành đán” 完为城旦; còn nếu phải chịu thêm nhục hình thì gọi là “hình thành đán” 刑城旦, “hình vi thành đán” 刑为城旦. Dựa vào nhục hình phải chịu có “kình vi thành đán” 黥为城旦 (bị xăm lên mặt), “kình tị vi thành đán” 黥劓为城旦 (bị xăm lên mặt và bị xẻo mũi) … Tần Thuỷ Hoàng ban bố “hiệp thư lệnh” 挟书令 (1) :
Lệnh hạ tam thập nhật bất thiêu, kình vi thành đán.
令下三十日不烧, 黥为城旦
(Lệnh nội trong 30 ngày mà không đốt sách, sẽ bị tội thành đán khắc lên mặt)
4- Lưu hình 流刑: cũng gọi là “thiên hình” 迁刑, “trích hình” 谪刑 tức bị đi đày. Luật nhà Tần quy định, thân thích của người bị thụ hình cũng bị đi đày. Triều Tần thực hiện rộng rãi hình phạt lưu hình, cho dù là quan lại nếu xúc phạm pháp lệnh cũng bị “khoa trích” 科谪 (2), thậm chí rất nhiều đạt quan quý tộc cũng bị truất quan đi đày. Lao Ải làm loạn, hơn bốn ngàn nhà bị đày đến đất Thục. Lã Bất Vi uống thuốc độc tự sát, môn khách đến viếng, “quan chức bổng lộc loại 600 thạch trở lên cũng bị bãi quan và cho đi đày”. Lưu dân nơi biên giới đa phần là tội phạm bị tội lưu hình.
5- Giáo hình 教刑: tức dùng những phương thức làm ô nhục để trừng phạt tội nhân. Chủ yếu có “si” 笞, “khôn” 髡, “nại” 耐 … thường áp dụng cho những người phạm tội nhẹ.
- “Si” 笞 tức gậy trúc, gậy gỗ đánh phạm nhân, giống như chúng ta thường thấy ở gia pháp.
- “Khôn” 髡 tức cắt ngắn tóc, thường là 2 tấc.
- “Nại” 耐, còn gọi là “hoàn hình” 完刑, tức cạo sạch râu, tóc mai, lông. Thời cổ có quan niệm:
Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm huỷ thương, hiếu chi thuỷ dã (3).
身体发肤, 受之父母, 不敢毁伤, 孝之始也
(Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám làm tổn hại, đó là khởi đầu của hiếu)
Do phạm tội mà bị cắt tóc cạo lông đó là sự sỉ nhục đối với gia tộc, vì thế hình phạt này có công dụng giáo hoá tinh thần.
6- Phạt hình 罚刑và thục hình 赎刑: tức “ti hình” 赀刑 chỉ việc bắt phạm nhân nộp vàng bạc hoặc phục vụ dao dịch. “Ti” 赀 có “ti kim” 赀金, “ti vật” 赀物 và “ti tác” 赀作. “Ti kim” tức nộp phạt bằng vàng bạc, “ti vật” tức nộp phạt bằng áo giáp hoặc thuẫn, có “ti giáp” 赀甲, “ti thuẫn” 赀盾; còn “ti tác” lại phân thành “ti thú” 赀戍 tức ra biên giới, “ti dịch” 赀役 tức phục dịch, “ti dao” 赀遥 tức phục dịch ở xa.
Trên thực tế, hình phạt đời Tần không chỉ có mấy loại nêu trên, các loại hình phạt còn thể kết hợp sử dụng. Nhiều tội danh lại có thể sử dụng nhiều loại hình phạt, vì thế tội danh càng nhiều, hình phạt càng tàn khốc.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- HIỆP THƯ LỆNH 挟书令: tức “hiệp thư luật” 挟书律. Năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 34, theo kiến nghị của Thừa tướng Lí Tư 李斯, Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh cấm chỉ nho sinh lấy xưa chê nay, ban bố pháp lệnh trong dân gian không được cất giấu tàng trữ “Thi”, “Thư” cùng thư tịch của bách gia.
(2)- KHOA TRÍCH 科谪: cũng gọi là “khoa thích” 科适, chỉ việc căn cứ theo pháp luật biếm trích người bị tội ra đồn thú biên giới.
(3)- Câu này ở Hiếu kinh – Khai tông minh nghĩa 孝经 - 开宗明义.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 20/8/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
CHỦ YẾU HÌNH PHẠT
主要刑罚
Trong quyển
THỐNG NHẤT VƯƠNG TRIỀU ĐÍCH ĐẢN SINH – TẦN
统一王朝的诞生 - 秦
Chủ biên: “Đồ thuyết Trung Quốc lịch sử”
Trường Xuân - Cát Lâm xuất bản tập đoàn hữu hạn trách nhiệm công ti, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét