About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tứ khố toàn thư


TỨ KHỐ TOÀN THƯ

          Tứ khố toàn thư 四库全书  là bộ đồ thư tập thành có quy mô lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm Càn Long 乾隆  nhà Thanh thứ 38 (năm 1773) bắt đầu biên soạn, trải qua 9 năm mới thành sách. Tổng cộng thu thập 3503 loại thư , 79337 quyển , 36304 sách , gần 2.300.000 trang, khoảng 800.000.000 chữ. Bộ sách đã thu thập các cổ tịch trọng yếu từ thời Tần đến trước thời Càn Long (một bộ phận bị liệt vào cấm thư), chứa đựng dường như mọi lĩnh vực học thuật vốn có của Trung Quốc.
          Tứ khố toàn thư được chia làm 4 bộ lớn là: kinh , sử , tử , tập , gồm 44 loại, trong đó bao gồm cả những trứ tác kinh điển như: Luận ngữ 论语, Đại học 大学, Mạnh Tử 孟子, Trung dung 中庸, Chu dịch 周易, Chu lễ 周礼, Lễ kí 礼记, Thi kinh 诗经, Hiếu kinh 孝经, Thượng thư 尚书, Xuân Thu 春秋, Sử kí 史记, Nhĩ nhã chú sớ 尔雅注疏, Thuyết văn giải tự 说文解字, Tư trị thông giám 资治通鉴, Tôn Tử binh pháp 孙子兵法, Quốc ngữ 国语, Thuỷ kinh chú 水经注, Chiến quốc sách 战国策, Bản thảo cương mục 本草纲目, Trà kinh 茶经. Ngoài ra còn có một số trứ tác Triều Tiên, Việt Nam, Ấn Độ và của các nhà truyền giáo từ châu Âu đến. Bộ sách là tư liệu văn hiến tương đối hoàn thiện cung cấp tư liệu cho các học giả đời sau khi nghiên cứu văn hoá cổ đại Trung Quốc.
          Tháng 2 năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), triều đình lập “Tứ khố toàn thư quán” 四库全书馆 phụ trách công việc biên soạn Tứ khố toàn thư, do người con thứ 6 của Hoàng đế Càn Long là Vĩnh Dung 永瑢 phụ trách, bổ nhiệm hoàng thất quận chúa Vu Mẫn Trung 于敏中 làm Tổng tài 总裁, Đại học sĩ cùng Thượng thư, Thị lang của 6 bộ làm Phó tổng tài, mời học giả trứ danh là Kỉ Vân 纪昀 làm Tổng soạn quan, bắt đầu biên soạn bộ tùng thư to lớn này. Các học giả khác như Lục Tích Hùng 陆锡熊, Tôn Sĩ Nghị 孙士毅, Đới Chấn 戴震, Chu Vĩnh Niên 周永年, Thiệu Tấn Hàm 卲晋涵 cũng tham gia biên soạn. Tham gia biên soạn cùng văn nhân học giả chính thức được nêu tên đạt đến hơn 3600 người, người phụ trách sao chép cũng đến 3800 người.
          Tứ khố toàn thư đã thu thập những tranh sách lưu thông trong cả nước, tranh sách tàng trữ trong cung đình nhà Thanh, cùng những bộ sách quý được lưu giữ trong bộ Vĩnh Lạc đại điển 永乐大典. Theo thống kê, chỉ riêng thu thập tranh sách đã đạt đến 13501 loại. Những sách này sau khi đã tuyển chọn lần lượt được đưa vào “trứ lục thư” 著录书 và “tồn mục thư” 存目书, trong đó, “toàn mục thư” không thu thập toàn sách mà chỉ trích nội dung bộ phận; còn ở “trứ lục thư” các sách phải trải qua việc chỉnh lí, hiêụ khám, khảo chứng, dựa vào cách thức riêng mà sao lại để đưa vào, sau khi viết xong cần phải hiệu khám lại với bản gốc. Cuối cùng tranh sách  thu thập được là 3461 loại.
          Để được mĩ quan và dễ nhận biết, Tứ khố toàn thư đã dùng màu để trang hoàng, Kinh bộ màu xanh, Sử bộ màu đỏ, Tử bộ màu nguyệt bạch (hoặc màu lam nhạt), Tập bộ màu xám tro. Việc xác định màu của 4 bộ là dựa vào 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông mà định ra. Riêng Tứ khố toàn thư tổng mục 四库全书 总目 là cương lĩnh của cả bộ sách nên chọn màu vàng  của trung ương làm đại biểu.
          Năm Càn Long thứ 52 (năm 1787), Hoàng đế Càn Long khi kiểm tra bộ phận Tứ khố toàn thư đã phát hiện một số sách có những câu chữ huỷ báng triều Thanh, liền hạ lệnh kiểm tra lại, đồng thời cắt bỏ 11 bộ Chư sử đồng dị lục 诸史同异录. 11 bộ chư sử này tuy bị cắt bỏ khỏi Tứ khố toàn thư, nhưng vẫn được giữ lại trong cung, không thiêu huỷ. 9 bộ trong 11 bộ này còn được lưu truyền đến ngày nay.
          Năm Gia Khánh 嘉庆 thứ 8 (năm 1803), Kỉ Vân 纪昀chủ trì tiến hành công tác bổ di một bộ phận các thư tịch của Tứ khố toàn thư lần cuối, tiến thêm một bước hoàn thiện bộ Tứ khố toàn thư.
          Để duy trì sự thống trị, khi biên soạn bộ Tứ khố toàn thư, triều đình nhà Thanh đã cấm những cổ tịch có những câu chữ phạm huý 2 triều Minh Thanh, đồng thời đã cho sửa lại cổ tịch, như trong bài Mãn giang hồng 满江红 của Nhạc Phi có 2 câu nổi tiếng:
Tráng chí cơ xan Hồ lỗ nhục
Tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết
壮志饥餐胡虏肉
笑谈渴饮匈奴血
Chí lớn lúc đói ăn thịt quân Hồ
Nói cười khi khát uống máu Hung Nô
“Hồ lỗ” và “Hung Nô” là những từ phạm cấm kị của triều Thanh, vì thế các quan của Tứ khố quán đã sửa là
Tráng chí cơ xan phi thực nhục
Tiếu đàm dục sái doanh khang huyết
壮志饥餐飞食肉
笑谈欲洒盈腔血
          Trong danh tác Lục châu ca đầu – Trường Hoài vọng đoạn 六州歌头 - 长淮望断, Trương Hiếu Tường 张孝祥 khi miêu tả quê hương của Khổng Tử bị quân Kim chiếm lĩnh đã viết:
Thù Tứ thượng, huyền ca địa, diệc thiện tinh (1)
洙泗上, 弦歌地, 亦膻腥
(Bên sông Thù sông Tứ, nơi truyền bá lễ nhạc, cũng đã bị tanh hôi)
Trong đó “thiện tinh” 膻腥 là từ phạm cấm kị, nên cũng đã bị sửa là “diệc điêu linh” 亦凋零

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- THÙ TỨ 洙泗: tức sông Thù và sông Tứ. Thời cổ 2 sông này từ phía bắc huyện Tứ tỉnh Sơn Đông 山东hiện nay, hợp lưu chảy xuống, đến phía bắc Khúc Phụ 曲阜 lại chia làm 2, sông Thù tại bắc, sông Tứ tại nam. Thời Xuân Thu nơi đây thuộc nước Lỗ, Khổng Tử đã dạy học tại khoảng sông Thù sông Tứ này.

HUYỀN CA 弦歌:  tiếng đàn tiếng hát, ở đây chỉ lễ nhạc giáo hoá.
          Thiên Dương Hoá 阳货 trong Luận ngữ 论语 có đoạn:
子之武城, 聞弦歌之聲, 夫子莞爾而笑曰: [ 割雞焉用牛刀? ] 子游對曰 : [ 昔者, 偃也聞諸夫子曰: “君子學道則愛人, 小人學道則易使也” ] 子曰: [ 二三子! 偃之言是也; 前言戲之耳. ]
Phiên âm
          Tử chi Vũ Thành, văn huyền ca chi thanh, Phu Tử hoản nhĩ nhi tiếu viết: [ Cát kê yên dụng ngưu đao? ] Tử Du đối viết: [ Tích giả, Yển dã văn chu Phu tử viết: “Quân tử học đạo tắc ái nhân, tiểu nhân học đạo tắc dị sử dã” ] Tử viết: [ Nhị tam tử! Yển chi ngôn thị dã; tiền ngôn hí chi nhĩ ]
Dịch nghĩa
          Khổng tử đi đến Vũ Thành, nghe tiếng đàn hát, Khổng Tử mỉm cười bảo rằng: [ Giết gà sao lại dùng dao mổ trâu?] Tử Du thưa rằng: [ Ngày trước, Yển con (Tử Du) có nghe thầy dạy rằng: [ Quân tử học đạo thì yêu người, tiểu nhân học đạo thì dễ sai bảo ] Khổng Tử bảo rằng: [ Này các trò, lời của anh Yển là đúng đấy, lúc nãy là ta chỉ nói đùa mà thôi ]
Chú giải
          Vũ Thành là một huyện nhỏ nơi Tử Du làm quan, Khổng Tử đến, nghe tiếng đàn hát, biết được Tử Du đã dùng lễ nhạc để giáo hoá bách tính. Khổng Tử rất hài lòng và đã nói đùa “Giết gà sao lại dùng dao mổ trâu?” Thực ra ý của Khổng Tử không phải là với huyện nhỏ không dùng lễ nhạc, cũng không phải chỉ là nói đùa vô cớ, mà là Khổng Tử tiếc cho Tử Du không được cai trị cả một nước lớn.
          (Theo: Tứ thư : ngôn văn đối chiếu  - 四書: 言文對照, tập Luận ngữ, trang 321 – 322 , bản Trung văn của Hương Cảng Quảng Trí thư cục xuất bản ) (ND)

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 21/8/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
“TỨ KHỐ TOÀN THƯ” ĐÍCH BIÊN TOẢN
四库全书的编纂
Trong quyển
Trong quyển
MINH THANH VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
明清文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm (李少林)
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2006.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét