About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Diễn biến quan xưng Tể tướng qua các triều đại


DIỄN BIẾN QUAN XƯNG TỂ TƯỚNG
 QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

THỜI TIÊN TẦN
(Thương, Tây Chu, Đông Chu, Xuân Thu, Chiến quốc)

          Tể tướng 宰相 là vị trưởng quan hành chính cao nhất của triều đình đứng đầu trăm quan.
Chưởng thừa thiên tử, trợ lí vạn cơ
掌丞天子, 助理万机
(Nắm giữ quyền lực phụ tá thiên tử, giúp thiên tử xử lí muôn việc trong thiên hạ)
(Hán thư – Bách quan công khanh biểu 汉书 - 百官公卿表)
          Tên gọi “Tể” thấy đầu tiên vào thời Ân Thương, mang ý nghĩa chủ trì; tên gọi “Tướng” thấy đầu tiên vào thời Xuân Thu, mang ý nghĩa phụ tá. Hai chữ “Tể tướng” đi chung với nhau thấy đầu tiên vào thời Chiến quốc. Trong Hàn Phi Tử - Hiển học 韩非子 - 显学 có ghi:
Tể tướng tất khởi vu châu bộ
宰相必起于州部
(Tể tướng được sản sinh từ châu bộ)
          Trong Lã Thị Xuân Thu – Chế lạc 吕氏春秋 - 制乐:
Hoạ đáng vu quân, tuy nhiên, khả di vu Tể tướng.
祸当于君, 虽然, 可移于宰相
(Hoạ đáng ở vua nhưng có thể dời sang Tể tướng)
          Từ đó, tên gọi “Tể tướng” được quen dùng trong suốt cả xã hội phong kiến.
          TRIỀU THƯƠNG
          Chức Tể tướng được thiết lập sớm nhất vào triều Ân Thương, nguyên vốn là đầu bếp của đế vương, sau nhân vì thường tiếp cận với đế vương nên dần trở thành thân tín, chức quyền được mở rộng, và trở thành vị tổng quản gia đình của đế vương. Về sau theo sự mở rộng của chức quyền, phát triển thành chủ quản triều đình, trở thành người phụ tá cao nhất, thân tín nhất của đế vương. “Tể” cũng
còn được gọi là “Thái tể” 太宰, “Trủng tể” 冢宰, có lúc cũng gọi là “A hành” 阿衡, đây là những tên gọi về chức vị Tể tướng sớm nhất. Trong Tả truyện – Định Công tứ niên 左传定 - 公四年 có câu:
Chu Công vi Thái tể
周公为太宰
(Chu Công làm Thái tể)
          Trong Sử kí – Ân bản kỉ 史记 - 殷本纪 cũng có ghi:
Chính sự quyết vu Trủng tể
政事决于冢宰
(Chính sự được quyết định do Trủng tể)
          TÂY CHU
          Thời Tây Chu, triều đình thiết lập Tam công, tức Thái sư 太师, Thái phó 太傅, Thái bảo 太保, do đại thần có công lao và uy vọng to lớn đảm nhiệm, có thể trực tiếp tham gia quyết định chính sự, đồng thời thuận theo chỉ ý của Chu vương thống lĩnh văn võ bách quan cùng chư hầu. Về sau đặt chức Thái tể (hoặc Trủng tể), do Tam công, nhất là Thiếu sư 少师kiêm nhiệm, giúp đế vương quản lí triều chính, nắm giữ quốc sự, là đầu não của chính phủ trung ương, tức Tể tướng; đồng thời còn đặt ra Tiểu tể 小宰 (1)được xem như phụ tá của Thái tể (Trủng tể) làm Phó tể tướng.
          ĐÔNG CHU
          Thời Xuân Thu, nhà Chusuy yếu, các chư hầu quốc nổi lên. Các nước lúc đầu phỏng theo chính phủ trung ương Tây Chu, lấy Thái tể (Trủng tể) và Thiếu tể 少宰 làm Chính và Phó tể tướng. Về sau, lại định ra quan chế mới, tên gọi chức Tể tướng cũng nhiều lên. Phàm quan chấp chính mà trong sử sách nói đến chính là Tể tướng, danh mục có Thượng khanh 上卿 (Quản Trọng 管仲 nước Tề), Chính Khanh 正卿 (như như Triệu Thuẫn 赵盾 nước Tấn), Thứ trưởng 庶长 (nước Tần), Đại phu 大夫 ((như Phạm Lãi 范蠡, Văn Chủng 文种 nước Việt), Tả sư 左师 Hữu sư 右师(nước Tống).
          Năm 549 trước công nguyên, Tề Cảnh Công lấy Tả tướng 左相 Hữu tướng 右相 làm Tể tướng, đây là sự mở đầu quan danh “Tướng”.
Trong Tả truyện – Tương Công nhị thập ngũ niên 左传 - 襄公二十五年: thời Tề Cảnh Công
Khánh Phong vi Tả tướng
庆丰为左相
(Khánh Phong làm Tả tướng)
Trong Sử kí – Tề thế gia 史记 - 齐世家 có ghi:
Thôi Trữ vi Hữu tướng
崔杼为右相
(Thôi Trữ làm Hữu tướng)
          Nước Sở do vì thuộc “man di”, quan chế khác với các nước ở trung nguyên,
Nên lấy Lệnh doãn 令尹 làm Tể tướng.
          Thời Chiến quốc, các nước đa số lấy “tướng” làm Tể tướng. Năm 328 trước công nguyên, nước Tần thiết lập Tướng quốc 相国, cũng gọi là Tướng bang 相邦. Năm 310 trước công nguyên, lại đổi lấy Tả thừa tướng 左丞相Hữu thừa tướng 右丞相 làm Tể tướng, đây là sự mở đầu quan danh “Thừa tướng”. Nước Sở vẫn lấy Lệnh doãn làm Tể tướng. Đầu thời Chiến quốc, có một dạo nước Tần lấy Đại lương tạo 大良造 làm Tể tướng.
          Thời Tiên Tần, các vương triều Thương, Tây Chu, Đông Chu tổng cộng có gần 60 vị đế vương, thời Xuân Thu Chiến quốc có đến cả trăm nước chư hầu, mỗi một nước chư hầu có không ít quốc quân, mỗi một quốc quân bổ nhiệm qua không ít Tể tướng, phải đến cả hàng ngàn hạng vạn, do bởi niên đại quá lâu, ghi chép cũng thiếu sót, tuyệt đại bộ phận Tể tướng chỉ nghe qua tên mà không thấy ghi chép sự tích.

                                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                                            Quy Nhơn 28/12/2012

Dịch từ nguyên tác Trung văn
LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG QUAN XƯNG ĐÍCH DIỄN BIẾN
历代宰相官称的演变
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét