NHỮNG NHÂN VẬT TRONG
“TAM QUỐC DIỄN NGHĨA”
TẠI SAO ĐỀU LÀ TÊN ĐƠN?
Những ai xem qua “Tam quốc diễn nghĩa” 三国演义, có lẽ đều phát hiện một hiện tượng kỳ thú, đó là tên của các nhân vật trong tác phẩm đều là tên đơn. Như: Tào Tháo 曹操, Lưu Bị 刘备, Tôn Quyền 孙权, Trương Phi 张飞, Quan Vũ 关羽, Triệu Vân 赵云, Chu Du 周瑜, Lỗ Túc 鲁肃, Hoàng Trung 黄忠, Viên Thiệu 袁绍, Viên Thuật 袁术, Lữ Bố 吕布, Hoàng Cái 黄盖, Mạnh Hoạch 孟获, Mã Tắc 马稷 (1)v.v…không nhân vật nào không là tên đơn. Chư Cát Lượng 诸葛亮, Tư Mã Ý 司马懿, Hạ Hầu Đôn 夏侯 享, tuy là ba chữ, nhưng là họ phức, vẫn là tên đơn.
Nếu như chúng ta để ý, không chỉ nhân vật trong “Tam quốc diễn nghĩa” có tên đơn, ngay cả tên của các vị hoàng đế thời Tây Hán, Đông Hán, Tam Quốc, Lưỡng Tấn cũng hầu như toàn là tên đơn. Có người đã đơn giản thống kê, thời Tây Hán khởi đầu từ Lưu Bang 刘邦, trong 15 vị hoàng đế, chỉ có hai người có tên phức đó là Lưu Phất Lăng 刘弗陵và Lưu Cơ Tử 刘箕子, còn lại 13 người kia đều là tên đơn. Thời Đông Hán cả 13 (2) vị hoàng đế đều là tên đơn. Thời Tam Quốc, Tào Nguỵ có 5 vị hoàng đế, Thục Hán có 2, Đông Ngô có 1, cũng đều là tên đơn. Thời Lưỡng Tấn, từ Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm 司马炎 đến Tấn Cung Đế Tư Mã Đức Văn 司马德文, trong 15 vị hoàng đế chỉ có 2 người là tên phức. Tính ra, trong khoảng thời gian 626 năm, từ thời Tây Hán đến thời Đông Tấn, trong 54 vị hoàng đế, chỉ có 4 người là tên phức, tên đơn chiếm 94%.Thời kỳ này, tại sao tên đơn lại thịnh hành như thế? Nguyên nhân hình thành đặc điểm văn hoá về Tính Thị đặc thù này là nhiều phương diện, quy nạp lại có 3 điểm:
1- Chịu ảnh hưởng của sự kế thừa về văn hoá.
Từ thời Chu và thời Tần đã lưu hành việc sử dụng tên đơn. Lúc bấy giờ phong tục còn thuần phác, nhân khẩu lại ít, mọi người dùng tên đơn vừa tiện lợi, vừa không nảy sinh những phiền phức trong việc “đồng tính danh”. Như Chu Văn Vương Cơ Xương 姬昌, Chu Vũ Vương Cơ Phát 姬发 (3), Khổng Khâu 孔丘, Tuân Huống 荀况, Tôn Vũ 孙武 , Tôn Tẫn 孙膑, Lý Tư 李斯 v.v...đều là tên đơn. Dùng tên đơn đã trở thành một tập tục lúc bấy giờ, và tập tục này đã truyền lại cho đời sau một cách tự nhiên đồng thời đã có một ảnh hưởng nhất định, trở thành nhân tố quan trọng của việc thịnh hành tên đơn thời Lưỡng Hán, thời Tam quốc và thời Lưỡng Tấn.
2- Chịu ảnh hưởng “Nhị danh chi mộng” của Vương Mãng.
Sau khi Vương Mãng 王莽 nắm chính quyền, tiến hành thay đổi chế độ xã hội theo lối phục cổ. Về vấn đề họ tên, “Lệnh Trung quốc bất đắc hữu nhị danh” 令中国不得有二名 (lệnh cho mọi người không được có tên hai chữ), đồng thời trực tiếp xuống chiếu, đối với tên đơn, tên phức tiến hành khen chê. Cháu trưởng của Vương Mãng tên là Vương Hội Tông 王会宗 được đổi thành tên đơn là Vương Tông 王宗để biểu thị sự ân sủng. Về sau, nhân vì Vương Tông mặc áo thiên tử, khắc ấn đồng cùng với người cậu có âm mưu muốn kế thừa đại thống của Vương Mãng, sự việc bị phát giác, Vương Tông bị bức tự sát nhưng vẫn còn chịu sự trừng phạt. Hình thức trừng phạt đó là cho khôi phục tên phức vốn có của Vương Tông, biếm truất quan tước, thay đổi tên hiệu đã phong. Việc đổi thành tên đơn biểu thị sự ân sủng, khôi phục tên phức biểu thị sự trừng phạt của Vương Mãng, đối với xã hội đã có ảnh hưởng rất to lớn, hình thành trong mọi người quan niệm tên đơn là cao quý, tên phức là thấp hèn. Cách làm của Vương Mãng đối với sự thịnh hành tên đơn đã sản sinh ảnh hưởng quan trọng.
3- Chịu ảnh hưởng của chế độ kỵ huý.
Gọi là kỵ huý đó là không thể trực tiếp xưng hô tên, tên tự, tên hiệu của vua chúa và các bậc tôn trưởng, và cũng không thể để những tên đó xuất hiện trong tên của mình, cần phải tìm cách để tránh. Việc kỵ huý khởi đầu từ thời Tây Chu, nhưng lúc bấy giờ những yêu cầu trong việc kỵ huý vẫn chưa nghiêm khắc. Điều cần tránh đó là tên của người đã mất. Sau thời nhà Hán, chế độ kỵ huý đã dần nghiêm khắc, nội dung phải kỵ huý càng ngày càng nhiều, phạm vào kỵ huý phải chịu trừng phạt, thậm chí bị chém đầu. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến cách đặt tên của mọi người. Dùng tên phức hai chữ so với dùng tên đơn một chữ, tần suất gặp phải chữ kỵ huý lớn gấp bội. Vì thế, để tránh phạm phải kỵ huý, mọi người đều dùng tên đơn. Điều này cũng đã tạo thành nhân tố quan trọng nữa trong việc thịnh hành tên đơn lúc bấy giờ.
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
1- Về nhân vật này, trong nguyên tác viết là 马稷(Mã Tắc).
Xin tham khảo Cách đọc chữ 謖 trong 馬謖, tên một nhân vật trong truyện Tam Quốcđăng trên Chuyện Đông chuyện Tây của An Chi, tập 4, trang 235- 238, Nhà xuất bản Trẻ, 2005.
2- Theo Từ điển Trung Việt (NXB Khoa học xã hội), thời Đông Hán chỉ có 12 vị hoàng đế (ND)
3- Trong nguyên tác in nhầm Chu Văn Vương là Cơ Phát, Chu Vũ Vương là Cơ Xương. (ND)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 9/12/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
“TAM QUỐC DIỄN NGHĨA” LÝ ĐÍCH NHÂN VẬT
VI HÀ ĐÔ THỊ ĐƠN DANH
“三国演义”里的人物为何都是单名
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả: Trương Tráng Niên (张壮年)
Trương Dĩnh Chấn (张颖震)
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
0 nhận xét:
Đăng nhận xét