About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tư tưởng dưỡng sinh trong "Lã Thị Xuân Thu"


TƯ TƯỞNG DƯỠNG SINH TRONG
“LÃ THỊ XUÂN THU”

          Lã Thị Xuân Thu 吕氏春秋 là trứ tác do thừa tướng đời Tần là Lã Bất Vi 吕不韦 tập họp các môn khách của mình biên soạn. Theo Sử kí – Lã Bất Vi liệt truyện 史记- 吕不韦列传, sách được hoàn thành vào cuối thời Chiến quốc trước khi nhà Tần thống nhất trung nguyên. Lã Thị Xuân Thu đã dung hợp bách gia chư tử, bảo lưu không ít những vong thư di thuyết trước đời Tần, trong đó có các thiên như Bản sinh 本生, Trọng kỉ 重己, Quý sinh 贵生, Tình dục 情欲, Tận số 尽数, có nói đến tư tưởng và phương pháp dưỡng sinh một cách hệ thống, có thể xem là sự tổng kết về tri thức dưỡng sinh thời tiên Tần.
          Đối với khái niệm “dưỡng sinh”, Lã Thị Xuân Thu đã lí giải tương đối chính xác. Thiên Tận số nói rằng:
          Thiên sinh âm dương, hàn thử, táo thấp, tứ thời chi hoá, vạn vật chi biến, mạc bất vị lợi, mạc bất vị hại. Thánh nhân sát âm dương chi nghi, biện vạn vật chi lợi dĩ tiện sinh, cố tinh thần an hồ hình, nhi niên thọ đắc trường yên. Trường dã giả, phi đoản nhi tục chi dã, tất kì số dã.
          天生阴阳, 寒暑, 燥湿, 四时之化, 万物之变, 莫不为利, 莫不为害. 圣人察阴阳之宜, 辨万物之利以便生, 故精神安乎形, 而年寿得长焉. 长也者, 非短而续之也, 毕其数也.
          (Trời sinh âm dương, lạnh nóng, khô ẩm, bốn mùa thay đổi, muôn vật biến đổi, chẳng phải vì cái lợi, cũng chẳng phải vì cái hại. Thánh nhân xem xét sự thích nghi với âm dương, phân biệt cái lợi của muôn vật để được sinh tồn, cho nên tinh thần yên ổn thể hiện ra hình dáng, tuổi thọ được kéo dài. Trường thọ không phải là sự nối tiếp của đoản mệnh mà là hưởng được hết cái số của mình.)
          Ở đây đã chỉ ra ý nghĩa của “trường thọ” không phải là do tuổi thọ ngắn được kéo dài mà là do ở chỗ dưỡng sinh, làm cho cơ năng sinh lí của  con người có quá trình hoạt động, tức “tận số” (hưởng hết tuổi trời).
          Làm thế nào để dưỡng sinh trường thọ, trong Lã Thị Xuân Thu đã chỉ ra những phương pháp như “thuận sinh” 顺生, “tiết dục” 节欲, “khứ hại” 去害, “vận động” 运动. Thiên Trọng kỉ nói rằng:
Phàm sinh chi trường dã, thuận chi dã.
凡生之长也, 顺之也
(Phàm cuộc sống được kéo dài là do thuận với nó)
Tức dưỡng sinh phải thuận theo phép tắc tự nhiên của sinh lí cơ thể con người. Thiên Tận số cũng có nói:
          Thực năng dĩ thời, thân tất vô tai. Phàm thực chi đạo, vô cơ vô bão, thị chi vị ngũ tạng chi bảo.
食能以时, 身必无灾. 凡食之道, 无饥无饱, 是之谓五藏之葆.
          (Ăn uống có giờ thì thân thể không bị tai ương. Phàm đạo ăn uống, không được quá đói, không được quá no, đó là điều quý của ngũ tạng)
Ở đây nhấn mạnh phương pháp ăn uống phải định thời định lượng. Thiên Trọng kỉnói rằng:
          Sử sinh bất thuận giả, dục dã. Cố thánh nhân tất tiên thích dục (tiết dục). Thất đại tắc đa âm, đài cao tắc đa dương, đa âm tắc quyết, đa dương tắc nuy, thử âm dương bất thích chi hoạn dã. Thị cố tiên vương bất xứ đại thất, bất vi cao đài; vị bất chúng trân, ý bất thiện nhiệt. Thiện nhiệt tắc lí tắc (mạch lí bế kết), lí tắc tắc khí bất đạt. Vị chúng trân tắc vị sung, vị sung tắc trung đại man (muộn), trung đại man nhi khí bất đạt, dĩ thử trường sinh, khả đắc hồ?
          使生不顺者, 欲也. 故圣人必先适欲 (节欲). 室大则多阴, 台高则多阳, 多阴则蹶, 多阳则痿, 此阴阳不适之患也. 是故先王不处大室, 不为高台; 味不众珍, 衣不燀热. 燀热则理塞 (脉理闭结), 理塞则气不达. 味众珍则胃充, 胃充则中大鞔 (), 中大鞔而气不达, 以此长生, 可得乎?
          (Bắt sinh mệnh của mình không thuận theo thiên tính đó là do lòng dục. Cho nên thánh nhân trước tiên phải tiết dục. Nhà lớn quá thì nhiều âm, đài cao quá thì nhiều dương, âm nhiều chân cẳng sẽ mỏi, dương nhiều thì cơ bắp sẽ teo liệt, đó đều là bệnh tật do âm dương không điều hoà. Cho nên các tiên vương không ở nơi nhà lớn, không cất những đài cao; thức ăn không nhiều món ngon vật lạ, mặc không quá ấm. Mặc quá ấm thì mạch lí bị bế tắc, mạch lí bế tắc thì khí huyết không thông. Thức ăn nhiều món ngon vật lạ sẽ khiến dạ dày đầy, dạ dày đầy sẽ làm bụng căng ra, bụng căng thì khí huyết không thông, như vậy mà đòi trường thọ, có được không?)
Ở đây chỉ ra rằng việc ăn mặc đi lại nghỉ ngơi đều phải có độ thích hợp.
Lã Thị Xuân Thu cho rằng đạo dưỡng sinh còn cần phải “khứ hại” 去害, tức loại bỏ những nhân tố sinh hoạt có hại cho sức khoẻ. Thiên Tận số nói rằng:
Tất số chi vụ, tại hồ khứ hại. Hà vị khứ hại? Đại cam đại toan đại khổ đại tân đại hàm, ngũ giả sung hình, tắc sinh hại hĩ. Đại hỉ đại nộ  đại ưu đại khủng đại ai, ngũ giả tiếp thần, tắc sinh hại hĩ. Đại hàn đại nhiệt, đại táo đại thấp đại phong đại lâm đại vụ, thất giả động tinh, tắc sinh hại hĩ. Cố phàm dưỡng sinh mạc nhược tri bản, tri bản tắc tật vô do chí hĩ.
毕数之务, 在乎去害. 何谓去害? 大甘大酸大苦大辛大咸, 五者充形, 则生害矣. 大喜大怒大忧大恐大哀, 五者接神, 则生害矣. 大寒大热大燥大湿大风大霖大雾, 七者动精, 则生害矣. 故凡养生莫若知本, 知本则疾无由至矣.
(Điều cốt yết của việc hưởng hết tuổi trời đó là loại bỏ những điều có hại cho cuộc sống. Như thế nào là loại bỏ những điều có hại? Ngọt quá, chua quá, đắng quá, cay quá, mặn quá, năm vị ấy có đầy trong thân thể thì sinh hại. Mừng quá, giận quá, lo quá, sợ quá, buồn quá, năm thứ ấy động đến tinh thần thì sinh hại. Lạnh quá, nóng quá, khô quá, ướt quá, gió nhiều, mưa nhiều, mù nhiều, bảy loại ấy ảnh hưởng đến tinh khí thì sinh hại. Cho nên với việc dưỡng sinh không gì bằng biết rõ cái gốc, biết rõ cái gốc thì bệnh tật không thể đến được)
Những phân tích này chỉ ra thức ăn có chất kích thích mạnh, những rung động của tình cảm cùng sự biến đổi của khí hậu tự nhiên đều có hại cho việc dưỡng sinh, nên cần phải tránh.
Trong tư tưởng dưỡng sinh ở Lã Thị Xuân Thu, điều đáng quý nhất là ở chỗ đã chỉ ra khái niệm vận động dưỡng sinh. “Động” đối với dưỡng sinh có ý nghĩa tích cực. Thiên Tận số có đoạn luận thuật vô cùng quý:
Lưu thuỷ bất hủ, hộ xu bất lâu, động dã. Hình khí diệc nhiên. Hình bất động tắc tinh bất lưu, tinh bất lưu tắc khí uất. Uất, xứ đầu tắc vi thũng vi phong, xứ nhĩ tắc vi cục vi lung, xứ mục tắc vi miệt vi manh, xứ ti tắc vi cừu vi trất, xứ phúc tắc vi trương vi trửu, xứ túc tắc vi nuy vi quyết.
流水不腐, 户枢不蝼, 动也. 形气亦然. 形不动则精不流, 精不流则气郁., 处头则为肿为风, 处耳则为挶为聋, 处目则为 miệt (1) 为盲, 处鼻则为鼽为窒, 处腹则为张为 trửu (2), 处足则为痿为蹶.
(Nước chảy không hôi thối, chốt cửa không bị mối mọt đó là do luôn động. Hình và khí cũng vậy. Hình không động thì tinh không lưu thông, tinh không lưu thông thì khí uất. Khí uất, nếu ở đầu thì bị thũng bị phong, nếu ở tai thì bị ù bị điếc, nếu ở mắt thì bị ghèn bị mờ, nếu ở mũi thì bị ngạt bị tắc, nếu ở bụng thì bị chướng bị đầy hơi, nếu ở chân thì bị tê bị liệt)
Ở đây đã chỉ ra những bệnh tật do không vận động mà mắc phải, nói rõ tính nguy hại của việc không vận động. Lã Thị Xuân Thuchủ trương tích cực vận động để tăng thêm sức khoẻ, nhân đó cho rằng:
Vu y độc dược trục trừ trị chi, cố cổ nhân tặc chi dã, vi kì mạt dã
巫医毒药逐除治之, 故古人贼之也, 为其末也
(Với độc dược của thầy cúng thầy thuốc, người xưa đã coi thường, cho đó là bỏ gốc lấy ngọn) (Tận số)
          Dựa vào uống thuốc để trị bệnh không phải cách tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ. Điều này nhất trí với tư tưởng tích cực phòng bệnh tăng cường sức khoẻ “trị vị bệnh” 治未病 (trị lúc chưa bệnh) trong tác phẩm Nội kinh 内经.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- Chữ “miệt” gồm bộ (mục) và chữ (miệt).
          Quảng vận 廣韻, Tập vận 集韻, Vận hội 韻會 phiên thiết là MẠC KẾT 莫結. Chính vận 正韻 phiên thiết là DI LIỆT 彌列. Đều có âm là (miệt).
(2)- Chữ “trửu” gồm bộ (nạch) và chữ (thốn).
          Đường vận 唐韻, Tập vận 集韻 đều phiên thiết là TRẮC LIỄU 陟柳. Âm (trửu).

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 10/12/2012


Dịch từ nguyên tác Trung văn
“LÃ THỊ XUÂN THU” ĐÍCH DƯỠNG SINH TƯ TƯỞNG
吕氏春秋的养生思想
Trong quyển
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI THỂ DỤC SỬ
中国古代体育史
Quốc gia thể uỷ thể dục văn sử công tác uỷ viên hội
Trung Quốc thể dục sử học hội, 1990

0 nhận xét:

Đăng nhận xét