TRÚC TƯƠNG PHI
Vua Nghiêu 尧 là hậu duệ của Hoàng Đế 黄帝, khi kế vị chỉ mới 20 tuổi, đô thành đặt tại Bình Dương 平阳(nay là thành phố Lâm Phần 临汾tỉnh Sơn Tây 山西). Nhân vì được phong ở đất Đào 陶 và đất Đường 唐 nên ông còn được gọi là Đào Đường thị 陶唐氏.
Truyền thuyết kể rằng: vua Nghiêu là vị thủ lĩnh bộ lạc có quyền uy nhất sau Viêm Đế 炎帝, Hoàng Đế 黄帝. Vua Nghiêu cần cù chính sự, siêng năng trị nước. Lúc bấy giờ thiên hạ thái bình, cuộc sống của mọi người khá hơn trước rất nhiều, nhưng cuộc sống vua Nghiêu lại vô cùng kiệm phác.
Vua Nghiêu ngày ngày giải quyết trăm việc, lo cho dân. Mọi người yêu mến nương tựa vào ông giống như mùa đông cần mặt trời.
Khi vua Nghiêu già, theo lệ cũ đã triệu tập hội nghị bộ lạc thương nghị xác lập người kế thừa mình. Mọi người không nỡ để vua Nghiêu thoái vị, nhưng cũng không muốn để vua Nghiêu một đời vất vả. Thông qua thương lượng, mọi người nhất trí cử con vua Nghiêu là Đan Chu 丹朱kế thừa vị trí thủ lĩnh.
Vua Nghiêu bảo rằng:
Đan Chu bên trong thì không lo tu dưỡng nhân đức, bên ngoài thì tranh giành háo thắng, không hợp với ngôi vị thiên tử.
Về sau mọi người cử ông Thuấn 舜. Vua Nghiêu gã hai người con gái của mình cho ông Thuấn để xem xét tình hình.
Ông Thuấn sinh ở Diêu khư 姚墟 (nay là phía bắc huyện Vĩnh Tế 永济 tỉnh Sơn Tây 山西 10 km). Phụ thân được phong ở đất Ngu 虞 nên ông Thuấn còn được gọi là Ngu Thuấn 虞舜. Kế mẫu và người em trai tên Tượng 象của ông Thuấn từng nhiều lần hại ông, phụ thân là Cổ Tẩu 瞽叟cũng chỉ riêng yêu người em, nhưng ông Thuấn lại giữ trọn đạo hiếu, trở thành người con có hiếu nổi tiếng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Khi vua Nghiêu thoái vị, đã đem ngôi vị thủ lĩnh truyền cho ông Thuấn có đủ cả tài cả đức, đây chính là việc “Nghiêu Thuấn thiện vị” 尧舜禅位.
Sau khi ông Thuấn lên làm thủ lĩnh đã trọng dụng người hiền như “bát khải” 八恺 (1), “bát nguyên” 八元 (2), trừ “tứ hung” 四凶 (3), chế định “ngũ hình” 五刑 (4), thiết lập quan chức các cấp, định ra chế độ thiên tử tuần thú và lĩnh tụ bộ lạc triều kiến. Những chế độ do vua Thuấn định ra đã đánh dấu sự chuyển hoá Trung Quốc từ xã hội thị tộc hướng đến xã hội có giai cấp. Vua Thuấn cưới con gái của vua Nghiêu là Nga Hoàng 娥皇 và Nữ Anh 女英làm vợ. Dưới sự giúp đỡ của Nga Hoàng và Nữ Anh, vua Thuấn đã thắng được kế mẫu và người em trai, lưu lại câu chuyện thần thoại cảm động lòng người. Khi vua Thuấn già, ngôi vị thủ lĩnh được truyền cho ông Vũ 禹, tự mình đi tuần thú nơi xa, và do vị lao nhọc quá mức nên đã mất ở vùng Thương Ngô 苍梧. Nga Hoàng và Nữ Anh từ nơi xa ngàn dặm tìm đến và khóc, nước mắt nhỏ trên cây trúc khiến thân trúc đầy những vết chấm. Người đời sau gọi loại trúc đó là trúc Tương Phi 湘妃. Và vì Nga Hoàng và Nữ Anh cuối cùng chết ở sông Tương 湘nên đã trở thành nữ thần sông Tương. Truyền thuyết này đến nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- BÁT KHẢI 八恺: tương truyền là 8 người tài giỏi của họ Cao Dương 高阳.
Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左传 - 文公十八年 có chép “bát khải” gồm:
Thương Thư 苍舒, Đồi Ngai 隤敳, Đào Dẫn 檮戭, Đại Lâm 大临, Mang Hàng 尨降, Đình Kiên 庭坚, Trọng Dung 仲容, Thúc Đạt 叔达.
(2)- BÁT NGUYÊN 八元: tương truyền là 8 người tài giỏi của họ Cao Tân 高辛.
Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左传 - 文公十八年 có chép “bát nguyên” gồm:
Bá Phấn 伯奋, Trọng Kham 仲堪, Thúc Hiến 叔献, Quý Trọng 季仲, Bá Hổ 伯虎, Trọng Hùng 仲熊, Thúc Báo 叔豹, Quý Li 季狸.
(3)- TỨ HUNG 四凶: theo truyền thuyết, 4 hung thần bị vua Thuấn đày ra 4 phương. Trong Thượng thư 尚书 và Tả truyện 左传 đều ghi chép, nhưng có chỗ khác nhau.
Trong Thượng thư – Thuấn điển尚书 - 舜典 là: Cung Công 共工, Hoan Đâu 欢兜, Cổn 鲧, Tam Miêu 三苗.
Trong Tả truyện – Văn Công thập bát niên 左传 - 文公十八年 là: Hồn Đôn 浑敦, Cùng Kì 穷奇, Đào Ngột 檮杌, Thao thiết 饕餮.
(4)- NGŨ HÌNH 五刑: 5 loại hình phạt thời cổ. Hình phạt cụ thể của từng thời kì có khác nhau. Nhìn chung, người ta chia làm 2 loại lớn: nô lệ chế ngũ hình và phong kiến chế ngũ hình.
Nô lệ chế ngũ hình gồm:
- Mặc 墨: khắc chữ lên mặt hoặc trán sau đó bôi mực vào.
- Tị 劓: xẻo mũi
- Ngoạt 刖: chặt chân
- Cung 宫: cắt bộ phận sinh dục
- Đại tịch 大辟: tức tử hình.
Phong kiến chế ngũ hình gồm:
- Si 笞: đánh bằng roi
- Trượng 杖: đánh bằng gậy
- Đồ 徒: cưỡng chế lao dịch
- Lưu 流: đày ra biên cương không cho về
- Tử 死: giết chết.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 2/12/2012
Dịch từ nguyên tác Trung văn
TƯƠNG PHI TRÚC THƯỢNG ĐÍCH BAN ĐIỂM
湘妃竹上的斑点
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét