About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Chế độ kế thừa thời Tây Chu


CHẾ ĐỘ KẾ THỪA THỜI TÂY CHU

         Để xác định người kế thừa quyền gia trưởng, đã tương ứng sản sinh ra chế độ kế thừa đời Chu. Chế độ kế thừa đời Chubao gồm kế thừa quyền tế tự, kế thừa địa vị và kế thừa quyền quản lí tài sản chung của gia tộc.
1- Kế thừa tế tự
          Tức kế thừa tông miếu. Người Chu rất coi trọng việc tế tự đối với tổ tiên, người tế tổ phải là gia trưởng trong một gia tộc. Người kế thừa tế tự gọi là “đích” , xác lập người kế thừa tế tự gọi là “lập đích” 立嫡. Việc lập đích của người Chulà chủ nghĩa kế thừa đích trưởng tử. Trong Nghi lễ - Tang phục 仪礼 - 丧服  quy định:
Hữu thích tử giả vô thích tôn.
有适 (*) 子者无适孙
(Có thích (*) tử, không có thích tôn)
          Họ Trịnh chú rằng:
          Chu chi đạo, thích tử tử, tắc lập thích tôn. Thị thích tôn tương thượng vi tổ hậu giả dã.
          周之道, 适子死, 则立适孙. 是适孙将上为祖后者也.
     Tức lập đích chỉ có thể lập một người, khi đích trưởng tử còn sống thì không thể lập đích tôn; đích trưởng tử mất thì sẽ lập đích tôn. Đích tôn thành người kế thừa tế tự tổ tông.
          Biện pháp lập đích tử là lập con trưởng của đích thê sinh ra. Nếu đích thê không có con, thì sẽ từ trong số những thứ tử, lập người con trưởng mà mẹ của người con đó có địa vị tương đối cao quý hơn cả, điều đó gọi là
Lập thích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng (1).
立适以长不以贤,立子以贵不以长.
          (Lập đích kế thừa vương vị thì chọn trưởng không phải chọn hiền, nếu vương hậu không con, lập thái tử thì chọn người nào mà mẹ có địa vị tôn quý không chọn tuổi lớn).
          Trong Xuân Thu Công Dương truyện - Ẩn Công nguyên niên 春秋公羊传 - 隐公元年 chép rằng: Lỗ Huệ Công 鲁惠公mất, nguyên phối đích thê không có con, người vợ kế là Thanh Tử 声子 xuất thân thấp hèn, sinh ra Ẩn Công 隐公. Về sau lại lấy Trọng Tử 仲子, địa vị của Trọng Tử tương đối cao hơn Thanh Tử, sinh ra Hoàn Công 桓公. Khi Huệ Công mất, chưa lập Thái tử, Ẩn Cống lớn tuổi và hiền hơn Hoàn Công, nhưng không được lập làm quốc quân mà lại lập Hoàn Công làm quốc quân. Đây là sự việc thời Chu Bình Vương, có thể thấy nguyên tắc lập đích của đời Chu. Trong số thiên tử nhà Chu, từ Thành Vương trở về sau hơn 30 vị, đa phần đều theo nguyên tắc này.
          Đích trưởng tử nắm giữ quyền tế tự. Trong Lễ kí – Khúc lễ 礼记 - 曲礼 có nói:
Chi tử bất tế, tế tất cáo vu tông tử.
支子不祭,祭必告于宗子
(Thứ tử không được tế tự, muốn tế tự phải báo với đích trưởng tử để có sự đồng ý)
Ở đây nhấn mạnh thứ tử không có quyền lợi tế tổ tiên. Tổ miếu, nỉ miếu (**) đều được thiết lập tại nhà của tông tử (đích trưởng tử). Nếu thứ tử tế, đó gọi là “dâm tự” 淫祀 (***), pháp luật không cho phép. Nếu thứ tử nhân vì có công được thụ phong, địa vị chính trị cao hơn tông tử, có thể chuẩn bị lễ vật để tế tổ, nhưng người chủ trì lễ tế vẫn cứ là tông tử. Lễ tế long trọng, bảo đảm địa vị thống trị tôn kính những người đáng tôn kính và thân với người thân. Quyền tế tự của tông tử là một trong những nội dung trọng yếu nhất của pháp định kế thừa.
2- Kế thừa địa vị
          Tức kế thừa tước phong. Chế độ phân phong đời Chu, phong tước là ban vinh diệu cho tông thất và những công thần. Loại vinh diệu này không chỉ biểu hiện ở sự vinh diệu của địa vị chính trị, mà ở mối quan hệ thân phận, việc hưởng thụ tước lộc, sự đãi ngộ vật chất đều có quy định đặc thù. Việc phong tước này không chỉ bản thân người đó lúc còn sống được hưởng thụ, mà sau khi mất đi đích trưởng tử vẫn được kế thừa. Người hưởng thụ quyền kế thừa tước vị cũng có thể hưởng thụ những đặc quyền khác như thực phong 食封 (****), vĩnh nghiệp điền (*****) và hình sự. Theo chế độ đời Chu, tước phong có Công Hầu Tử Nam. Trong kim văn cũng có thể thấy loại kế thừa tước vị này.
3- Kế thừa quyền quản lí tài sản chung của gia tộc
          Dưới ảnh hưởng của chế độ gia tộc tông pháp, đời Chu đã thực hành chế độ tài sản chung của gia tộc. Loại tài sản chung này do gia trưởng cai quản, nhưng hoàn toàn không phải là sở hữu riêng của gia trưởng mà là tài sản chung của cả gia tộc. Gia phụ chỉ nắm giữ quyền quản lí, cái mà người kế thừa quản lí là quyền quản lí này. Trước khi phân chia tài sản, thì tài sản này là của chung của gia tộc, cho nên trong Nghi lễ - Tang phục 仪礼 - 丧服 quy định:
Phụ tử nhất thể dã, phu phụ nhất thể dã, côn đệ nhất thể dã ….. nhi đồng tài.
父子一体也,夫妇一体,也昆弟一体也.....而同财.
     (Cha con là nhất thể, vợ chồng là nhất thể, anh em là nhất thể ….. và cùng chung tài sản)
          Nhưng do bởi gia trưởng vừa có quyền quản lí tài sản, lại có quyền ra mệnh lệnh đối với gia thuộc, cho nên ông ta có thể thay mặt gia tộc phân xử tài sản này. Quyền quản lí tài sản chung của gia tộc do gia trưởng tổng quản, các thành viên khác trong gia tộc không thể tự ý sử dụng, thu lợi hoặc phân xử; nên trong Lễ kí sau khi cường điệu con cái không được có tài sản riêng, đã nói nguyên nhân là “gia sự thống vu tôn dã” 家事统于尊也 (2). Trong và hậu kì thời Tây Chu, xuất hiện tư điền, không thuộc về tài sản chung của gia tộc, có thể tự do phân xử.
  
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Xuân Thu Công Dương truyện - Ẩn Công nguyên niên 春秋公羊传 - 隐公元年.
(2)- Trong Lễ kí – Nội tắc 礼记 - 内则 có câu:
Tử phụ vô tư hoá
子妇无私货
(Con cái không được có tài sản riêng)
     Họ Trịnh đã chú rằng:
Gia sự thống vu tôn dã
家事统于尊也
(Mọi việc trong nhà quy về cho gia trưởng )
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Chữ , dạng phồn thể là , ở đây cùng nghĩa với chữ (đích). “适子” (thích tử) chính là “嫡子” (đích tử).
(**)- NỈ MIẾU 祢庙(dạng phồn thể là ) : tức miếu thờ phụ thân. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
          Nhà thờ bố gọi là nỉ . Sống gọi là phụ , chết gọi là khảo , đưa vào miếu thờ gọi là nỉ .     (trang 444).
(***)- DÂM TỰ 淫祀: “dâm” ở đây có nghĩa là “quá, vượt quá”, chỉ những lễ tế không hợp với lễ chế, những lễ tế không đáng tế, bao hàm 2 loại:
          Lễ tế vượt quá quy định vốn có
          Lễ tế chưa được đưa vào hàng tự điển 祀典.
          Trong Lễ kí – Khúc lễ 礼记 - 曲礼 có nói:
Phi kì sở tế nhi tế chi, danh viết dâm tự. Dâm tự vô phúc.
非其所祭而祭之,名曰淫祀,淫祀无福
(Không đáng tế mà tế gọi là dâm tự. Dâm tự không được trời ban cho phúc)
(****)- THỰC PHONG 食封: tức “thực phong chế” 食封制, cũng được gọi là “thực ấp chế” 食邑制. Đây là chế độ phong ấp mà vị quân chủ phong cho tông thất, ngoại thích và công thần, chế độ này thịnh hành vào đời Chu. Người được thụ phong gọi là “phong quân” 封君, họ sẽ căn cứ theo số hộ trong khu vực ấp được phong mà trưng thu tô thuế. Hưởng thụ đặc quyền này gọi là “thực phong”. Ấp phong lớn hay nhỏ là dựa vào đẳng cấp tước phong mà định.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/46259.htm
(*****)- VĨNH NGHIỆP ĐIỀN 永业田: thời cổ gọi tư thổ là “vĩnh nghiệp điền” hoặc “thế nghiệp điền” 世业田.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 18/4/2013

Nguyên tác Trung văn
KẾ THỪA CHẾ ĐỘ
继承制度
Trong quyển
HẠ THƯƠNG TÂY CHUPHÁP CHẾ SỬ
夏商西周法制史
Tác giả: Hồ Lưu Nguyên 胡留元, Phùng Trác Tuệ 冯卓慧
Thương vụ ấn thư quán, 2006

0 nhận xét:

Đăng nhận xét