TẬP TỤC ĐẶT TÊN
THỜI NGUỴ TẤN NAM BẮC TRIỀU
(tiếp theo)
Trong những tên người ở thời Nam Bắc triều, việc đặt tên đơn là một hiện tượng chủ yếu. Tập tục thời thượng này có từ thời Hán, đến thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều biểu hiện càng rõ hơn. Như Viên Thiệu 袁绍, Tào Tháo 曹操, Quách Gia 郭嘉, Tào Phi 曹丕, Tào Thực 曹植, Lưu Bị 刘备, Quan Vũ 关羽, Triệu Vân 赵云, Chư Cát Lượng 诸葛亮, Tôn Quyền 孙权, Chu Du 周瑜, Lục Tốn 陆逊, Tư Mã Chiêu 司马昭, Kê Khang 嵇康, Nguyễn Tịch 阮籍, Hướng Tú 向秀, Vương Diễn 王衍 … đều là tên đơn. Từ thời Đông Tấn trở về sau, tập tục này vẫn chưa suy, đặc biệt là trong các gia tộc môn phiệt chú trọng lễ pháp, đặt tên đơn vẫn là cách thông hành nhất, ví dụ một trong số những gia tộc cao quý nhất vùng Giang Tả 江左 là nhà họ Tạ 谢 ở Trần quận 陈郡, từ Tạ An 谢安, đến Tạ Huyền 谢玄Tạ Diễm 谢琰, rồi Tạ Hối 谢晦, Tạ Dụ 谢裕, Tạ Trang 谢庄 rồi đến Tạ Thiểu 谢脁, Tạ Thược 谢瀹, Tạ Lãm 谢览, Tạ Cử 谢举 … từ thời Đông Tấn kéo dài đến Tống, Tề, Lương, Trần ngũ đại, họ Tạ qua các đời đều có người tài, con em của họ đa phần với tên đơn nổi tiếng ở đời. Đương nhiên đến sau thời Nam triều, tên phức dần thịnh hành, cũng là một sự thực, cũng lấy họ Tạ mà nói, tuy tên đơn là chủ yếu, nhưng tên phức cũng đã xuất hiện, như Tạ Linh Vận 谢灵运, Tạ Huệ Liên 谢惠连, Tạ Chiêu Tông 谢昭宗. Tên phức tương đối thường thấy ở những nhà nghèo và bách tính tầng lớp dưới, như Lưu Mục Chi 刘穆之, Đàn Đạo Tế 檀道济, Vương Huyền Mô 王玄谟, Vương Kính Tắc 王敬则, Liễu Nguyên Cảnh 柳元景, Trần Thúc Đạt 陈叔达, Tào Cảnh Tông 曹景宗, Chu Văn Dục 周文育, Ngô Minh Triệt 吴明彻 … đều xuất thân nhà nghèo, nhờ quân công mà nổi danh với đời, hiển hách một thời. Trong Nam sử - Hiếu nghĩa truyện 南史 - 孝义传 chép không ít họ tên của bách tính thuộc tầng lớp dưới, trong đó như Quách Nguyên Bình 郭原平, Nghiêm Thế Kì 严世期, Trương Tiến Chi 张进之, Sư Giác Thụ 师觉授, Tôn Pháp Tông 孙法宗, Phạm Thúc Tôn 范叔孙, Bốc Thiên Hưng 卜天兴, Hứa Chiêu Tiên 许昭先, Dư Tề Nhân 余齐人, Hà Tử Bình 何子平, Thôi Hoài Thuận 崔怀顺, Vương Hư Chi 王虚之, Ngô Khánh Chi 吴庆之, Tiêu Duệ Minh 萧睿明, Đằng Đàm Cung 滕昙恭, Từ Phổ Tế 徐普济, Đào Quý Trực 陶季直, Thẩm Sùng Tố 沈崇傃, Triệu Bạt Hỗ 赵拔扈, Hàn Hoài Minh 韩怀明, Trương Cảnh Nhân 张景仁, Vệ Kính Du 卫敬瑜, Lưu Cảnh Hân 刘景昕, Đào Tử Thương 陶子鏘, Lí Khánh Tự 李庆绪, Ân Bất Hại 殷不害, Ân Bất Nịnh 殷不佞, vương Tri Huyền 王知玄… hết thảy đều là tên phức. Vả lại, càng về sau tỉ lệ tên phức càng lớn, đến thời Tuỳ Đường, tên phức trở thành phương thức đặt tên chủ yếu. Đương nhiên, điều này có liên quan đến vấn đề nhân khẩu ngày càng tăng, đặt tên đơn dẽ bị trùng, cho nên tên phức dần thay thế.
Cách dùng chữ trong họ tên của người thời Nam Bắc triều, chữ “chi” 之 và chữ “đạo” 道 xuất hiện với tầng suất cao, trở thành một hiện tượng kì lạ. Xem kĩ, điều này có liên quan rất lớn đến hoàn cảnh xã hội Đạo giáo lưu hành ở khu vực phía nam sau thời Đông Tấn. Học giả nổi tiếng Trần Dần Khác 陈寅恪trong bài viết Thiên Sư đạo dữ hải tân địa vực chi quan hệ 天师道与海滨地域之关系 đã chỉ ra rằng:
Người thời lục triều rất coi trọng gia huý, nhưng chữ “chi” chữ “đạo” lại không kiêng kị, nguyên nhân của nó tuy không thể biết rõ, nhưng có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo (1).
Chữ “chi” là tiêu chí nhận biết của đạo Thiên Sư, đương thời sĩ đại phu rất sùng tín đạo Thiên Sư, đồng thời lấy làm vinh dự được làm tín đồ đạo Thiên Sư, cho nên đua nhau lấy chữ “chi” để đặt tên. Điển hình nhất cho việc lấy chữ “chi” đặt tên là họ Vương ở Lang Nha 琅邪, một gia tộc hiển quý ở Giang Nam . Sau Vương Đạo 王道, họ Vương 5 đời nối tiếp nhau đều lấy chữ “chi” để đặt tên, như Doãn Chi 允之, Hi Chi 羲之, Bưu Chi 彪之, Hiến Chi 献之, Dụ Chi 裕之, Duyệt Chi 悦之, Thăng Chi 升之, Tú Chi 秀之, Nhiên Chi 延之, Thiều Chi 韶之 …
Kì thực, để bày tỏ lòng thành của mình đối với tôn giáo, mọi người lúc bấy giờ không chỉ thích dùng danh từ Đạo giáo để đặt tên, mà còn thích dùng danh từ Phật giáo để đặt tên, điều này trở thành một tập tục thời thượng lúc bấy giờ. Sau thời Nam triều Đông Tấn, Phật giáo trong xã hội ngày càng thịnh hành, tiếng niệm kinh Phật đã dần thay thế những huyền đàm của sĩ đại phu. Tín đồ Phật giáo không chỉ bái Phật, mà ngay cả tên gọi cũng thấm đẫm hơi thở Phật giáo. Đương thời, tăng lữ đều dùng họ Thích 释, còn tên thì đa phần là Tăng 僧, Tuệ 慧, Đạo 道, Pháp 法, Đàm 昙, Trí 智 … Để bày tỏ lòng quy y Phật môn, nhân sĩ các giai tầng trong xã hội, hết lòng theo chân như, trừ họ của tổ tiên để lại không dám đổi, tên gọi thì chẳng khác gì giới tăng lữ.
Ở giới quý tộc môn phiệt có địa vị tối cao trong xã hội, phong tục lấy từ nhà Phật để đặt tên cũng rất thịnh hành. Cao môn vùng Giang Tả vốn xưng Vương 王, Tạ 谢, lấy họ Vương ở Lang Nha mà nói: Vương Hoằng 王弘, tằng tôn của Vương Đạo 王导, vị công thần khai quốc nhà Đông Tấn là bề tôi của vương triều Lưu Tống, ông đã đặt tên cho người con út của mình là Tăng Đạt 僧达, em của Vương Hoằng tên Đàm Thủ 昙首 cũng là nhân vật trọng yếu của triều đình. Hai người con của Vương Đàm Thủ một người tên Tăng Xước 僧绰, một người tên Tăng Kiền 僧虔. Tăng Kiền với triều Tống là Thượng thư lệnh, về với Tề là Thị trung, hai người con của ông một người tên Từ 慈, một người tên Tịch 寂, đều từ giáo nghĩa của kinh Phật mà ra. Gia tộc họ Vương trải qua các triều lưỡng Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần vẫn không suy giảm, môn cao thế trọng, là Thái Sơn Bắc Đẩu trong giới quý tộc môn phiệt lúc bấy giờ, họ hâm mộ Phật giáo như thế, tên gọi cũng như vậy, những thế gia môn phiệt khác cũng có thể thấy được.
Hoàng thất Nam triều sùng Phật cũng vậy. Trong Lương thư – Vũ Đế kỉ 梁书- 武帝纪 có chép Tiêu Diễn 萧衍“có tên tự là Thúc Đạt 叔达, tiểu tự là Luyện Nhi 练儿”. Trong Nhan thị gia huấn – Phong tháo đệ lục 颜氏家训- 风操第六 gọi “Lương Vũ Đế tiểu danh là A Luyện 阿练”. Theo sự khảo chứng của Vương Lợi Khí 王利器: Tuệ Lâm 慧琳 trong Nhất thiết kinh âm nghĩa 一切经音义 14 và Đại bảo tích kinh 大宝积经 quyển 82 ghi rằng:
A Luyện Nhi, Phạm ngữ lỗ chất bất diệu, cựu vân A Lan, Đường vân tịch tĩnh xứ dã (*) .
阿练儿, 梵语虏质不妙, 旧云阿兰, 唐云寂静处也
(A Luyện Nhi, tiếng Phạm là Lỗ chất bất diệu, các gọi cũ là A Lan, nhà Đường dịch là nơi tịch tĩnh)
Họ Tiêu triều Lương đa phần lấy kinh điển Phật giáo để đặt tên, tên A Luyện vốn từ Đại bảo tích kinh (2). Ngoài Lương Vũ Đế ra, Lương Kính Đế có tên tự là Tuệ Tướng 慧相, tiểu tự Pháp Chân 法真; Trần Vũ Đế tiểu tự Pháp Sinh 法生, Trần Nghi Hoàng Hầu 陈宜黄侯 tên Tuệ Kỉ 慧纪, Nam Khang Mẫn Vương tên Dã Lãng 野朗những tên gọi này cũng đều liên quan với Phật giáo.
Các địa chủ sa sút không cam chịu lạc hậu, cũng lấy những từ của Phật học đặt tên, nhằm cầu mong sự bảo hộ của Phật Tổ. Danh tướng Đàn Đạo Tế 檀道济 từng ví mình là bức trường thành của nhà Lưu Tống, tuy tên gọi có liên quan với Phật giáo, nhưng ông không thể thoát khỏi số phận bị tru sát. Kiến Xương Tráng Hầu Đới Tăng Tĩnh 建昌壮侯戴僧静 của nhà Tề, Bình Cố Trung Kính Hầu Lữ Tăng Trân 平固忠敬侯吕僧珍của nhà Lương, Lâm Giang Uy Hầu Đỗ Tăng Minh 临江威侯杜僧明 của nhà Trần, những người này đều là công thần của các tiểu triều đình. Sủng thần các đời nắm giữ triều chính cũng không lệ ngoại, như Đới Pháp Hưng 戴法兴 được Tống Hiếu Vũ Đế tin tưởng, Kỉ Tăng Chân 纪僧真được Tề Cao Đế sủng ái, Như Pháp Lượng 茹法亮 trọ thủ đắc lực của Tề Vũ Đế, cho dù quyền thế của họ cao ngất, nhưng trong lòng cũng không thể không tìm đến sự ủng hộ của Phật giáo. Trong số quý tộc mới có quyền có thế, tên gọi mà mang đậm hàm ý Phất giáo có lẽ phải kể đến danh tướng Tiêu Ma Ha 萧摩诃 của triều Trần. Trong kinh Phật Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh 摩诃般若波罗蜜经, và Nhân Vương Bát Nhã Kinh 仁王般若经 có chép: Khổ Bồ Tát Ma Ha Tát “hoá nhất thiết chúng sinh”. Tên gọi Tiêu Ma Ha có lẽ bắt nguồn từ lòng kính ngưỡng vị Bồ Tát này.
Còn như phần tử địa chủ trung và hạ tầng cùng quảng đại dân chúng phổ thông, cũng thích dùng từ nhà Phật để đặt tên. Thống kê sơ bộ từ những truyện trong Nam sử 南史 như Ẩn dật 隐逸, Hiếu nghĩa 孝义, Tuần lại 循吏, Nho lâm 儒林, tổng cộng có 312 người, trong đó tên gọi có ý vị Phật giáo rõ ràng là 72 người, chiếm 23% trong tổng số, điều này nói rõ dùng từ nhà Phật để đặt tên ở lúc bấy giờ đã là một tập tục thời thượng của xã hội. Dùng danh từ Đạo giáo, Phật giáo đặt tên đã trở thành một hiện tượng xã hội đặc biệt của thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều.
CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Kim Minh quán tùng cảo sơ biên 金明馆丛稿初编, trang 8, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1980.
(2)- Nhan thị gia huấn tập giải 颜氏家训集解, trang 74 – 75, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1986.
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Trong Hoàng đế tiểu danh 皇帝小名 ghi rằng:
Tiêu Diễn đốc tín Phật giáo, Luyện Nhi xuất Phật kinh, thị Phạm ngữ âm dịch, toàn xưng “A Luyện Nhược” hoặc “A Lan Nhược”, dịch thành Hán ngữ tựu thị tịch tĩnh xứ, vô tịnh địa, chỉ năng viễn li huyên táo, an tâm tu tập đích thiền định chi sở.
萧衍笃信佛教, 练儿出佛经, 是梵语音译, 全称 “阿练若” 或 “阿兰若” 译成汉语就是寂静处, 无诤地, 指能远离喧噪, 安心修集的禅定之所.
(Tiêu Diễn rất sùng tín Phật giáo, từ Luyện Nhi xuất phát từ kinh Phật, đây là từ dịch âm từ tiếng Phạm, gọi đầy đủ là “A Luyện Nhược” hoặc “A Lan Nhược”, dịch ra tiếng Hán là tịch tĩnh xứ, vô tránh địa, chỉ nơi xa rời cảnh ồn ào, an tâm tu tập thiền định.)
Trong nguyên tác là:
A Luyện Nhi, Phạm lạc lỗ chất bất diệu, cựu vân A Lan, Đường vân tịch tĩnh xứ dã (*) .
阿练儿, 梵络虏质不妙, 旧云阿兰, 唐云寂静处也
Tôi theo tài liệu trên sửa là Phạm ngữ 梵语.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 01/4/2013
Nguyên tác Trung văn
THỦ DANH PHONG TỤC
取名风俗
Trong quyển
TRUNG QUỐC PHONG TỤC THÔNG SỬ
NGUỴ TẤN NAM BẮC TRIỀU QUYỂN
中国风俗通史
魏晋南北朝卷
Biên soạn: Trương Thừa Tông 张承宗, Nguỵ Hướng Đông 魏向东
Thượng Hải Văn nghệ xuất bản xã, 2001.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét