TẠI SAO “ĐÀO LÍ” ĐƯỢC DÙNG ĐỂ VÍ HỌC TRÒ?
“Đào lí mãn thiên hạ” 桃李满天下, đây là thành ngữ ngợi khen thầy giáo vất vả dạy dỗ, đào tạo ra được học trò ở khắp nơi. Thế thì tại sao lại gọi học trò là “đào lí”?
Theo Hàn thi ngoại truyện 韩诗外传, thời Xuân Thu tại nước Nguỵ có một vị đại thần tên là Tử Chất 子质. Khi ông đắc thế, từng tiến cử qua rất nhiều người. Về sau bị mất chức quan, khi một mình chạy đến phương bắc, ông gặp một người tên là Giản Tử 简子. Tử Chất than với Giản Tử rằng:
Trước đây tôi đã bồi dưỡng rất nhiều người, nhưng lúc tôi gặp nạn thì chẳng thấy ai đến giúp. Ông thấy đấy, nay tôi một thân lạc bước đến tình cảnh này.
Giản Tử nghe qua, khuyên Tử Chất rằng:
Mùa Xuân trồng cây đào cây lí, đến mùa Hạ có thể nghỉ mát dưới bóng cây, sang mùa Thu có thể ăn trái chín. Nhưng, nếu ông mùa Xuân trồng cây tật lê (1), đến mùa Hạ không những không lợi dụng được cành lá của nó mà còn bị gai của nó đâm phải. Có thể thấy việc bồi dưỡng nhân tài, tiến cử người cũng cần phải chú ý đối tượng. Quân tử bồi dưỡng nhân tài giống như trồng cây, trước tiên phải chọn cây tốt, sau đó mới chăm bón cho cây lớn.
Vì thế, người đời sau dùng “đào lí” để ví với người được bồi dưỡng, ngày nay phiếm chỉ học trò (2).
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(1)- TẬT LÊ 蒺藜: theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu:
Tật lê蒺藜, cỏ Tật lê, hoa vàng, quả có gai, dùng làm thuốc (trang 565).
(NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993)
(2)- Về thành ngữ “Đào lí mãn thiên hạ” này, còn có một thuyết khác:
Theo Tư trị thông giám – Đường kỉ - Võ Hậu cửu thị nguyên niên 资治通鉴- 唐纪- 武后久视元年
Đời Đường, khi Võ Tắc Thiên 武则天 làm Hoàng đế, có một vị Tể tướng tên là Địch Nhân Kiệt 狄仁杰, tự Hoài Anh 怀英, người Thái Nguyên 太原 (nay thuộc Sơn Tây 山西). Vị Tể tướng này đức cao vọng trọng, dám nói thẳng, rất được Võ Tắc Thiên tin yêu. Võ Tắc Thiên gọi ông là “Quốc lão”, không dám gọi tên ông, khi ngự triều ông được miễn khỏi phải quỳ lạy. Võ Tắc Thiên thường bảo các đại thần: Nếu không phải là quân quốc đại sự đặc biệt quan trọng thì không nên làm phiền Địch lão.
Để củng cố sự thống trị của mình, Võ Tắc Thiên đã dùng nhiều biện pháp lôi kéo nhân tài, và Địch Nhân Kiệt cũng đã tiến cử cho Võ Tắc Thiên đến mấy chục người tài giỏi có thể đảm nhiệm chức vụ cao, như Trương Giản Chi 张柬之, Diêu Sùng 姚崇 … Những người này về sau đa số trở thành danh thần. Có người nói với Địch Nhân Kiệt rằng:
Đào lí khắp thiên hạ, hết thảy đều từ cửa nhà ngài mà ra (thiên hạ đào lí, tất tại Công môn hĩ 天下桃李悉在公门矣).
Địch Nhân Kiệt nói rằng:
Tiến cử hiền tài là vì đất nước, không phải vì cá nhân mình (cử hiền vị quốc, phi vị tư dã 举贤为国, 非为私也)
Năm 700, Địch Nhân Kiệt qua đời. Võ Tắc Thiên khóc và nói rằng:
Triều đường từ nay trống vắng rồi (triều đường không dã 朝堂空也)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 28/4/2013
Nguyên tác Trung văn
VI THẬP MA DỤNG “ĐÀO LÍ” TỈ DỤ HỌC SINH
为什么用桃李比喻学生
Trong quyển
VĂN NGÔN VĂN TOÀN GIẢI
文言文全解
(Sơ trung bản)
Chủ biên: Thẩm Diễm Xuân (沈艳春),
Đô Hưng Đông (都兴冬),
Hà Thục Quyên (何淑娟)
Trường Xuân: Cát Lâm đại học xuất bản xã, 2003.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét