About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Chế độ tông pháp thời Tây Chu


CHẾ ĐỘ TÔNG PHÁP THỜI TÂY CHU

          Trước thời Tây Chu, chế độ tông pháp đã manh nha, nhưng chính thức trở thành một chế độ nghiêm nhặt là vào thời Tây Chu. Trong Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典 ghi rằng:
Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc.
克明俊德,以亲九族
(Tỏ rõ đức lớn để thân ái hoà mục với cửu tộc)
          Nghiêu điển là tác phẩm của người đời sau mượn cổ để viết ra, hoặc không thể tin, nhưng trong bốc từ ở Ân khư 殷墟 lại thường thấy xưng vị tộc, như “vương tộc” 王族, “đa tử tộc” 多子族, “tam tộc”三族, “ngũ tộc” 五族v.v… Tộc ở đây đều liên quan đến chế độ gia tộc, có thể thấy người Ân đối với mối quan hệ thân sơ giữa thân tộc đã có sự khu biệt. Chế độ gia tộc tông pháp hình thành sau khi nhà Chu dựng nước, nội dung của nó đã liên quan đến các phương diện như: phạm vi tế tự, thời gian để tang dài ngắn, sự kế thừa đất đai, kế thừa tước vị, việc cấm kị ở hôn nhân và đoàn kết thân tộc.
          Gia tộc là tế bào của xã hội. Trong Bạch Hổ Thông 白虎通 có câu:
          Tộc giả, thấu dã, tụ dã, vị ân ái tương y thấu dã. Sinh tương thân ái, tử tương ai thống, hữu hội tụ chi đạo, cố vị chi tộc.
          族者, 凑也, 聚也, 谓恩爱相依凑也. 生相亲爱, 死相哀痛, 有会聚之道,故谓之族.
          (Tộc là họp lại, tụ lại, ý nói mọi người thương yêu tụ hội lại với nhau. Sống thì cùng thương yêu, chết thì cùng đau buồn, có đạo tụ họp lại, cho nên gọi là tộc)
          Trên thực tế, tộc là để chỉ thân thuộc có quan hệ huyết thống, họ cùng tụ họp lại với nhau, cùng chung một huyết thống, do đó mới “sinh tương thân ái, tử tương ai thống”. Tộc lúc ban đầu tức huyết tộc, do mẫu hệ mà thành. Sau đó, thân thuộc của tộc ngày càng đông, không thể cả một huyết tộc to lớn cùng tụ tập sống chung với nhau, vì thế trên cơ sở bảo lưu huyết tộc cơ bản nhất, đem những huyết tộc còn lại được phân chia ra, vì thế sản sinh ra tông. Trong một tộc, cần phải có người kế thừa trực tiếp tổ tiên. Sau khi tổ tiên mất, người đó sẽ gánh trách nhiệm chủ yếu của tộc, đó chính là đại tông; những đời sau của tổ tông, mỗi đời lại tự phân chia ra, tự lập thành tông, cũng gọi là tiểu tông. Cho nên, tông có đại tông, tiểu tông. Người kế thừa trực tiếp thuỷ tổ sớm nhất gọi là tông tử 宗子, những người mà không có quyền kế thừa nhưng nhận sự chăm sóc của tông tử, gọi là tông nhân 宗人. Tông nhân cùng chung tôn kính tông tử.
Tông giả, tôn dã. Vi tiên tổ chủ giả, tông nhân chi sở tôn dã (1).
宗者,尊也.为先祖主者,宗人之所尊也
(Tông là tôn kính. Là người thờ tiên tổ, nên tông nhân tôn kính)
          Như vậy từ tộc phân xuất tông, người Chu đã sáng lập ra chế độ tông pháp.
          Chế độ tông pháp thời Tây Chu, trong Lễ kí – Đại truyện 礼记 - 大传 có ghi chép rõ:
          Thượng trị tổ Nỉ, tôn tôn dã; hạ trị tử tôn, thân thân dã; bàng trị côn đệ, hợp tộc dĩ thực, tự dĩ chiêu mục, biệt (*) chi dĩ lễ nghĩa, nhân đạo kiệt hĩ!
          上治祖祢, 尊尊也; 下治子孙, 亲亲也; 旁治昆弟, 合族以食, 序以昭缪, (*) 之以礼义, 人道竭矣!
          (Trên thờ phụng tiên tổ, đó là tôn kính những bậc chí tôn; dưới chăm lo con cháu, đó là yêu thương những người thân; bên cạnh thuận theo anh em, dùng việc ăn uống để nối kết cả tộc, lấy chiêu mục để làm rõ thứ bậc, lấy lễ nghĩa để phân biệt thân sơ lớn nhỏ, luân thường đạo lí đã thể hiện ra hết.)
          Có thể thấy, mục đích của chế độ tông pháp là:
          - Một mặt lấy mối quan hệ tông pháp để chế ước, khiến người cùng chung một tộc kính trọng thuỷ tổ, không phạm thượng làm loạn.
     - Mặt khác, thông qua việc chăm lo con cháu, thuận theo anh em mà xác định thứ tự tôn ti lớn nhỏ. Chế độ phân phong thời Tây Chu chính là đã tiến hành trên cơ sở chế độ tông pháp. Chuthiên tử phân phong anh em cùng một họ của mình, trong đám con cháu trừ đích tử ra, còn lại gọi là “quân” . Quân đối với một tộc mà nói là chí tôn, cả tộc không được xâm phạm địa vị đặc thù của người đó. Thiên tử là đại tông, chư hầu đối với thiên tử mà nói là tiểu tông. Chư hầu tại phong quốc của mình lại theo cách đó để tiếp tục phân phong.
          Biệt tử vi tổ, kế biệt vi tông, kế Nỉ giả vi tiểu tông. Hữu bách thế bất thiên chi tông, hữu ngũ thế tắc thiên chi tông. Bách thế bất thiên giả, biệt tử chi hậu dã. Tông kì kế biệt tử sở tự xuất giả, bách thế bất thiên giả dã; tông kì kế cao tổ giả, ngũ thế tắc thiên giả dã (2).
          别子为祖, 继别为宗, 继祢者为小宗. 有百世不迁之宗, 有五世则迁之宗. 百世不迁者, 别子之后也. 宗其继别子所自出者, 百世不迁者也; 宗其继高祖者, 五世则迁者也.
          (Biệt tử (con thứ của quốc vương) không thể kế thừa vương vị, con cháu đời sau của biệt tử tôn ông làm tổ, dòng đích của biệt tử kế thừa biệt tử trở thành đại tông, các con thứ của biệt tử kế thừa Nỉ (cha), đó là tiểu tông. Có tông trăm đời không đổi, có tông năm đời thì hết. Tông trăm đời không đổi đó là hậu duệ dòng đích của biệt tử. Dòng đích từ đó mà ra là trăm đời không thay đổi. Tông mà dòng đích kế thừa cao tổ thì đến đời thứ năm thì hết)
     Trong tông của chư hầu, đích trưởng tử, đích trưởng tôn của chư hầu, kế thừa vương vị, phong quốc, cho nên đời đời làm đại tông. Đại tông này là trăm đời không thay đổi. Những người con khác của chư hầu từ đại tông mà phân ra, lập thành một tông khác, đó là tiểu tông. Tiểu tông này đối với chư hầu mà nói thì là đại tông. Con của tông biệt lập, người đó là thuỷ tổ của tiểu tông đó. Người kế thừa của tiểu tông này cũng là đích trưởng tử, đích trưởng tôn, đối với tông nhân gọi là đại tông, trăm đời không thay đổi. Còn những người con khác của biệt tử lại phân ra lập thành một tiểu tông khác nữa. Những thứ mà đại tông kế thừa là tài sản, đất đai, tước vị, địa vị của người sáng lập ra tông đó. Tiểu tông không thể địa vị danh phận, chỉ có thể kế thừa sản nghiệp của phụ thân. Phụ thân qua đời gọi là “Nỉ” , cho nên nói “kế biệt vi tông, kế Nỉ giả vi tiểu tông” 继别为宗, 继祢者为小宗. Tập đoàn tông tộc của người Chulà do 1 đại tông kế thừa biệt tử và 4 tiểu tông kế thừa Nỉ tổ thành. 4 tiểu tông kế thừa Nỉ bao gồm tiểu tông kế thừa Nỉ, tiểu tông kế thừa Tổ, tiểu tông kế thừa Tằng tổ và tiểu tông kế thừa Cao tổ. Một tông tộc như thế, nhìn từ huyết thống trực hệ bao gồm 5 đời: phụ, tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn. Nhìn từ huyết thống bàng hệ bao gồm anh em  ruột, anh em cùng một ông nội, anh em cùng một ông cố, anh em cùng một ông cao; ngoài ra còn có chú bác ruột, chú bác họ. Quan hệ thân sơ này biểu hiện ra ở tang lễ, hình thành “ngũ phục” 五服 tức 5 loại tang phục đó là trảm thôi 斩衰, tề thôi 齐衰, đại công 大功, tiểu công 小功, ti ma 缌麻. Đến đời thứ 6, mối quan hệ thân thuộc mới dứt. Cho nên tiểu tông “ngũ thế tắc thiên” 五世则迁. “Thiên” , tức thiên tông, ý nói ra khỏi cùng một tông, lập một tông khác.

CHÚ CỦA NGUYÊN TÁC
(1)- Bạch Hổ thông nghĩa 白虎通义
(2)- Lễ kí – Đại truyện 礼记 - 大传
CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH
(*)- Trong Lễ kí dịch giải 禮記譯解  bản tiếng Hán, quyển hạ, trang 480, ở đây là chữ “biệt” , (biệt chi dĩ lễ nghĩa - 別之以禮義);  trong nguyên tác in nhầm là chữ “chế” (chế chi dĩ lễ nghĩa - 制之以礼义).
          (Vương Văn Cẩm 王文錦 dịch giải, Trung Hoa thư cục, 2007)

                                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                                     Quy Nhơn 13/4/2013

Nguyên tác Trung văn
TÔNG PHÁP CHẾ ĐỘ
宗法制度
Trong quyển
HẠ THƯƠNG TÂY CHUPHÁP CHẾ SỬ
夏商西周法制史
Tác giả: Hồ Lưu Nguyên 胡留元, Phùng Trác Tuệ 冯卓慧
Thương vụ ấn thư quán, 2006

0 nhận xét:

Đăng nhận xét