CHÍN CON CỦA RỒNG
(tiếp theo)
Long Vương hạ chỉ phân chức vụ cho 9 người con.
Bị Hí 贔屭trầm nghị, có sức mạnh, ưa thích nặng, truyền cho đội bia của thiên hạ. Tại miếu viện từ đường, nơi đâu mọi người cũng có thể thấy vị đại lực sĩ giữ chức việc lao khổ dưới bia đá mà không hề oán giận này. Nghe nói người nào rờ vào Bị Hí sẽ có được điều may mắn.
Bệ Ngạn狴犴dung mạo uy vũ, tính ưa việc ngục tụng, nên cho đứng nơi cửa ngục. Về sau mọi người khắc hình tượng của nó lên cửa ngục hoặc hai bên chính đường của quan nha. Nhân vì hổ là loài thú uy mãnh, dùng hình tượng Bệ Ngạn nhằm để tăng cường sự uy nghiêm nơi giám ngục, khiến tội nhân trông thấy mà sợ hãi.
Li Vẫn 螭吻 tính thích lên cao ở những nơi hiểm yếu nhìn ra xa, cũng thích nuốt lửa, nên truyền cho canh giữ ở hai đầu mái nhà của điện miếu. Tương truyền Hán Vũ Đế khi xây điện Bách Lương 栢粱, có người dâng sớ tâu rằng nơi biển lớn có một loài cá có thể phun sóng làm mưa, có thể dùng nó để tránh hoả tai. Vì vậy Hán Vũ Đế liền đem hình tượng của nó tạc trên nóc điện, trên mái nhà để phòng hoả tai.
Tiêu Đồ 椒图 không thích những ai không có phận sự ra vào cung điện, thích hợp cho giữ cung điện, đền miếu. Nhân đó người ta thường đem hình tượng của nó chạm khắc trên khoen nắm trên cửa, hoặc trên cánh cửa. Khi có ngoại vật xâm nhập, con trai sẽ khép chặt hai mảnh vỏ lại. Người ta khắc hoạ hình tượng Tiêu Đồ trên cửa, đại khái cũng lấy từ ý đó để cầu mong an toàn.
Bát Hạ 趴夏 tính thích nước, truyền cho chạm khắc trên lan can cầu để canh giữ.
Bồ Lao 蒲牢 có tiếng kêu to và vang có thể làm cái núm trên chuông. Theo truyền thuyết, Bồ Lao sống ở biển, bình thường nó sợ nhất cá kình, mỗi khi gặp phải cá kình tập kích, Bồ Lao kêu lên không ngừng. Vì thế, người ta đem hình tượng của nó đặt trên chuông, đúc thành núm hình thú ở quai chuông, đồng thời đem chày gỗ khắc thành hình cá kình, dùng chày này đánh chuông, như vậy tiếng của chuông sẽ ngân vang hơn.
Thao Thiết 饕餮 tham ăn thành tật, thường được khắc trên đỉnh nấu ăn. Mọi người gọi hạng người tham ăn và tham tài vật là thao thiết. Trên những đồ đồng đời Thương đời Chu thường khắc đầu của Thao Thiết để trang sức, đây là loại hoa văn mặt thú được đồ án hoá, gọi là hoa văn Thao Thiết.
Toan Duẫn 狻狁 tính tình ôn thuận, chuyên canh giữ lư hương và chực hầu dưới bệ Phật. Trong chùa miếu nơi bệ Phật cùng trên lư hương có thể thấy con này. Sư tử là loại động vật mà ngay cả hổ báo cũng không dám ăn thịt nó, tướng mạo lại rất hiên ngang, đã theo Phật giáo truyền nhập Trung Quốc. Do bởi Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni có danh xưng là “Vô uý đích sư tử” 无畏的狮子, mọi người thuận lí thành chương đã đem nó sắp xếp dưới bệ Phật, hoặc chạm khắc trên lư hương để nó hưởng dùng hương hoả, theo đó mà nuốt khói phun mù.
Nhai Xải 睚眦 sát khí nặng nề, ưa giết hiếu đấu, chuyên canh giữ binh khí như đao kiếm. Nó thường được chạm khắc trên chuôi kiếm hoặc bao kiếm. Bản ý của Nhai Xải là “nộ mục nhi thị” 怒目而视, có câu:
Nhất phạn chi đức tất thường, Nhai Xải chi nộ tất báo
一饭之德必偿, 睚眦之怒必报
(Ơn đức dù nhỏ như hạt cơm cũng phải đáp đền, cái giận của Nhai Xải phải báo)
“Báo” thì tránh không khỏi giết chóc, cho nên người con của rồng giống loài sói này thường xuất hiện trên chuôi kiếm, vỏ kiếm.
Từ đó, chín người con của Long Vương đảm đương chức vụ. Con rùa lớn ở dưới tấm bia đá mà mọi người nhìn thấy kì thực không phải là rùa mà là Bị Hí, con trưởng của Long Vương. Con thú được trang sức nơi cửa ngục là Bệ Ngạn, con thứ của Long Vương. Con rồng trên nóc nhà là Si Vẫn, con thứ 3 của Long Vương. Con thú trên khoen cửa ở cung điện đình miếu là Tiêu Đồ, con thứ 4 của Long Vương. Sư tử đá trên lan can cầu cổ là Bát Hạ, con thứ 5 của Long Vương. Núm hình thú thê chuông cổ là Bồ Lao, con thứ 6 của Long Vương. Hình chạm khắc trên đỉnh cổ là Thao Thiết, con thứ 7 của Long Vương. Con thú trên lư hương hoặc dưới bệ Phật là Toan Duẫn, con thứ 8 của Long vương. Hình chạm khắc trên đao kiếm là Nhai Xải, con thứ 9 của Long Vương.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 31/7/2014
Nguyên tác Trung văn
LONG CHI CỬU TỬ
龙之九子
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2002
0 nhận xét:
Đăng nhận xét