TÍN NGƯỠNG ĐẠO GIÁO
VỚI NHÂN SĨ CÁC GIAI TẦNG TRONG XÃ HỘI
Đạo giáo, căn cứ vào Đạo Đức Kinh 道德经 của Lão Tử 老子 về lí luận “đạo” được thần học hoá cho rằng “đạo” là:
Hư vô chi thân, tạo hoá chi căn, thần minh chi bản, thiên địa chi nguyên
虚无之亲, 造化之根, 神明之本, 天地之元.
(Cha mẹ của hư vô, rễ của tạo hoá, gốc của thần minh, khởi đầu của trời đất)
Đồng thời phân vũ trụ thành 3 thời kì: “hồng nguyên” 洪元, “hỗn nguyên” 混元, “thái sơ” 太初, đem 3 thời kì này biến thành thần nhân cách hoá, đó là:
- Ngọc Thanh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn 玉清元始天尊 (hồng nguyên)
- Thượng Thanh Linh Bảo Thiên Tôn 上清灵宝天尊 (hỗn nguyên)
- Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn 太清道德天尊 (thái sơ)
gọi là “Tam Thanh” 三清, đó là những thiên thần tối cao trong thiên cảnh tối cao của Đạo giáo, là cảnh giới tín ngưỡng tối cao của bản giáo. Do bởi “Tam Thanh” đại biểu cho tiêu chuẩn đạo đức tối cao của đạo, cho nên gọi “đạo chi tại ngã vi đức” 道之在我为德, “đạo” với “đức” tương thông, hoặc “đức” là bản thể của “đạo”, cường điệu người tin theo cần phải tu đạo, tu đạo cần phải tích đức, tích đức tức là chuẩn tắc hành vi tu đạo, cả hai là thống nhất. Đây cũng là nhập đạo tu hành cần phó cho thực tiễn. Không tích đức, không tu hành, không thể đắc đạo.
Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Đạo giáo với các tôn giáo khác ở chỗ đạo giáo không truy cầu cảnh giới sống lí tưởng, hạnh phúc khoái lạc sau khi chết (như “Tây phương cực lạc thế giới” trong Phật giáo và “thiên đường” trong Cơ Đốc giáo) mà là dạy mọi người thông qua tu đạo tích đức, để thực hiện “trường sinh cửu thị” 长生久视, đắc đạo thành tiên. Cho nên tôn chỉ tín ngưỡng Đạo giáo là để đắc đạo thành tiên. Trong 3 vị tôn thần “Tam Thanh” được sùng bái trong Đạo giáo, Nguyên Thuỷ Thiên Tôn ở vị trí thứ nhất có hiệu là “Ngọc Thanh Tử Hư Cao Thượng Nguyên Hoàng Thái Thượng Đại Đạo Quân” 玉清紫虚高上元皇太上大道君, Linh Bảo Thiên Tôn ở vị trí thứ hai có hiệu là “Thượng Thanh Cao Thánh Thái Thượng Ngọc Thần Huyền Hoàng Đại Đạo Quân” 上清高圣太上玉宸玄皇大道君, Đạo Đức Thiên Tôn ở vị trí thứ ba có hiệu là “Thái Thượng Lão Quân” 太上老君, thực ra là hoá thân của Lão Tử, là vị thần chí tôn của Đạo giáo, tín ngưỡng sớm nhất. Về sau do bởi xuất hiện thuyết “nhất khí hoá Tam Thanh” 一气化三清 mới từ một tôn thần hoá thành 3 tôn thần. Ba tôn thần này, chỉ là đại biểu tôn thần trong Đạo giáo, cũng là ngẫu tượng sùng bái thần tiên.
Trời đất trong tín ngưỡng Đạo giáo vô cùng rộng, cảnh giới huyền diệu, trên “Tam Thanh thiên” 三清天 còn có “Đại La thiên” 大罗天; dưới “Tam Thanh thiên” còn có “tam thập nhị thiên” 三十二天, thiên cảnh giới trùng trùng, đều có thần tiên cư trú. Không chỉ trên trời có thần tiên có thần cảnh, trên đất cũng có thần tiên, thần cảnh. Nơi mà thần tiên trên đất cư trú có “tam thập lục động thiên” 三十六洞天. “thất thập nhị phúc địa” 七十二福地, gọi chung là “động thiên phúc địa” 洞天福地. Do bởi tiên giới rộng, thần tiên cũng có nhiều loại khác nhau, bao gồm thần tiên trên trời và thần tiên dưới đất. Trong “Chân linh vị nghiệp đồ” 真灵位业图, Đào Hoằng Cảnh 陶弘景đã đem hơn 70 vị thần phân thành 7 đẳng cấp để thờ tự, quả là sự phản ánh thần hoá đẳng cấp phong kiến của nhân gian. Cần phải chỉ ra rằng, đắc đạo thành tiên tuy là mục đích của tín ngưỡng Đạo giáo, nhưng tín ngưỡng này lại vô cùng rộng, bao gồm cả thiên thần, địa kì, sơn xuyên, bách vật, tiên chân và nhân quỷ, cũng chính là dường như kế thừa các loại tín ngưỡng từ thời Tây Hán trở về trước ở trung nguyên, cho nên khiến Đạo giáo vừa có tính bản địa mạnh mẽ, vừa có tính dân tộc mãnh liệt, không ít học giả nhân đó xem Đạo giáo là “tôn giáo dân tộc”, cũng nhân đó khiến Đạo giáo trở thành “tôn giáo dân tộc” trong tín ngưỡng cộng đồng của các giai tầng. Thời kì đầu, Đạo giáo nhân vì người truyền đạo vì nông dân mà trị bệnh, lại mong mọi người đều bình đẳng, nên được quảng đại nông dân tin theo. Sau khi cuộc khởi nghĩa “hoàng cân” 黄巾thất bại, số người tin theo trong nông dân giảm đi, sau thời Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, trải qua sự cải cách của phần tử tri thức giai tầng sĩ đại phu, Đạo giáo thấm nhập đạo đức lí luận phong kiến của Nho gia, đã thu nạp tương đối nhiều nhân sĩ thượng tầng, khiến Đạo giáo phù hợp với khẩu vị của kẻ thống trị, từ đó Đạo giáo càng mang tính xã hội. Bất luận là nông dân, địa chủ, thương nhân, phần tử tri thức, quan lại, vương công, quý tộc, đế vương … các giai cấp giai tầng đều có người tin theo.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/7/2014
Nguyên tác Trung văn
ĐẠO GIÁO TÍN NGƯỠNG DỮ XÃ HỘI CÁC GIAI TẰNG NHÂN SĨ
道教信仰与社会各阶层人士
Trong quyển
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét