About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Số phận bi thảm của ba ngàn mĩ nữ ... (kì 2)

SỐ PHẬN BI THẢM CỦA BA NGÀN MĨ NỮ HẬU CUNG
 SAU KHI NHÀ BẮC TỐNG DIỆT VONG
(kì 2)

          Nhu Phúc Đế Cơ 柔福帝姬, tiểu danh là Huyên Huyên 嬛嬛, con gái thứ 10 của Tống Huy Tông, mẹ là Vương Quý Phi 王贵妃rất được sủng ái. Nói chung, con gái của hoàng đế gọi là “công chúa”. Năm Chính Hoà 政和 thứ 3 nhà Bắc Tống (năm 1113), theo kiến nghị của Sái Kinh 蔡京  triều Tống dùng xưng hiệu “vương cơ” 王姬 của đời Chu, nhất loạt tuyên bố gọi “công chúa” là “đế cơ” 帝姬. Chế độ này duy trì hơn 10 năm, mãi đến đầu thời Nam Tống mới khôi phục lại chế độ cũ.
          Khi bị bắt, Nhu Phúc Đế Cơ mới 17 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong số các công chúa chưa xuất giá, nhân đó được quân Kim coi trọng, định hiến dâng  lên Kim Thái Tông. Theo những ghi chép trong dã sử, trên đường đi đến phương bắc, Nhu Phúc Đế Cơ vẫn không tránh khỏi số phận bị lăng nhục, còn tướng Kim lăng nhục Nhu Phúc Đế Cơ cũng do vì tự động giữ người con gái định dâng cho hoàng đế nên bị giết chết. Sau khi đến nước Kim, Nhu Phúc Đế Cơ được trịnh trọng dâng cho hoàng đế nước Kim là Kim Thái Tông để làm thị nữ. Có thể là Nhu Phúc Đế Cơ dung mạo không thập phần xinh đẹp, có thể là sau khi nhiều lần bị lăng nhục thân thể gầy yếu suy nhược, hoặc có thể không biết chiều chuộng nên đã đắc tội với Kim Thái Tông. Tóm lại, Kim Thái Tông không có hứng thú gì đối với Nhu Phúc Đế Cơ, đã trực tiếp đưa nàng đến “Hoán y viện” 浣衣院 làm nô.
          “Hoán y viện” này kì thực là kĩ viện quan phương dành cho người Kim đến tìm thú vui hoan lạc. Trừ Nhu Phúc Đế Cơ ra, vợ của Triệu Cấu 赵构là Hình Bỉnh Ý 邢秉懿, mẹ của Triệu Cấu là Vi thị cũng bị làm nô ở kĩ viện này, làm công cụ phát tiết tính dục của người Kim. Trong Thân ngâm ngữ 呻吟语 ghi rằng:
Phi tần vương phi đế cơ tông thất phụ nữ quân lộ thượng thể, phi dương cầu
妃嫔王妃帝姬宗室妇女圴露上体, 披羊裘
          (Phi tần, vương phi, đế cơ cùng phụ nữ trong tông thất đều để lộ thân trên, khoác tấm da dê)
          Có thể thấy giới nữ thân phận quý tộc đã chịu sự sỉ nhục thê thảm biết chừng nào, thậm chí hạng quan kĩ của nước Kim cũng không như thế. Nhưng sau khi Triệu Cấu lên ngôi trở thành Tống Cao Tông, thân phận Vi thị trở nên đặc biệt cho nên nhanh chóng được rời khỏi Hoán y viện chuyển về Ngũ quốc thành 五国城, cùng chung với chồng là Tống Huy Tông.
          Sau khi Triệu Cấu lên ngôi thành Tống Cao Tông, đã sách phong nguyên phối Hình Bỉnh Ý làm hoàng hậu, đồng thời phong quan ban tước cho 25 người của gia tộc họ Hình. Nhưng, hư hàm hoàng hậu không thể cứu được vận mạng bi thảm của Hình Bỉnh Ý. Khi Tống Huy Tông sai bề tôi là Tào Huân 曹勋về nam, Hình Bỉnh Ý đã tháo chiếc vòng vàng giao cho Tào Huân và nói rằng:
          Vì ngô bạch đại vương ( cách xưng hô đối với hoàng tử của triều Tống, ở đây chỉ Tống Cao Tông Triệu Cấu), nguyện như chiếc vòng này, mong sớm được gặp nhau.
          Đáng tiếc, chồng bà là một vị hoàng đế nhu nhược vô năng, chỉ muốn được an phận bảo toàn sự giàu sang phú quý cho mình. Năm Thiệu Hưng 绍兴thứ 9 (năm 1139), Hình Bỉnh Ý đã chết trong nỗi khuất nhục vô tận, năm đó bà mới 34 tuổi. Người Kim cố ý giấu nhẹm tin Hình Bỉnh Ý qua đời, sau khi Tống Cao Tông sách phong Hình Bỉnh Ý làm hoàng hậu, vì không biết Hình Bỉnh Ý đã chết nên không tái lập hoàng hậu, trong cung để trống gần 16 năm. Mãi đến khi mẹ Triệu cấu là Vi thị về nam mới nói sự thực cho Triệu Cấu biết, lúc bấy giờ Triệu Cấu mới lập sủng phi Ngô thị 吴氏 làm hoàng hậu.
          Nhu Phúc Đế Cơ sau khi trải qua mấy năm sống khuất nhục ở Hoán y viện, được về với Cái thiên đại vương Hoàn Nhan Tông Hiền 完颜宗贤. Hoàn Nhan  Tông Hiền không hứng thú gì lắm với Nhu Phúc Đế Cơ, cũng không làm nhục nàng. Từ đám người Hán ở Ngũ quốc thành, ông chọn một thanh niên tên Từ Hoàn 徐还, gã Nhu Phúc Đế Cơ cho người ấy. Lúc bấy giờ Nhu Phúc Đế Cơ mới được xem như kết thúc cuộc sống ở Hoán y viện. Nhu Phúc Đế Cơ mất vào năm Thiệu Hưng thứ 11 (năm 1141), năm đó nàng chỉ mới 31 tuổi. Theo Tống sử - Công chủ liệt truyện 宋史 - 公主列传:
          Nhu Phúc tại Ngũ quốc thành, đến với Từ Hoàn rồi mất. Nhu Phúc mất vào năm Thiệu Hưng thứ 11, an táng, truy phong là Hoà Quốc trưởng công chúa.
          Đây là dấu tích của Nhu Phúc Đế Cơ lưu lại trong lịch sử, cũng bi thảm bất hạnh giống những phụ nữ trong cảnh nước mất nhà tan, là vật hi sinh của hạng đàn ông vô năng.
          Khi Nhu Phúc Đế Cơ tại phương bắc chịu những lăng nhục, thì tại trung nguyên đột nhiên xuất hiện một Nhu Phúc Đế Cơ khác. Năm Kiến Viêm 建炎thứ 4 đời Cao Tông triều Nam Tống (năm 1130), khi quan quân nhà Tống dẹp trừ tiểu phỉ đã bắt được một cô gái tự xưng là Nhu Phúc Đế Cơ. Nhu Phúc Đế Cơ là em gái của hoàng đế, vì thế lập tức được đưa tới Lâm An 临安. Người con gái này nói mình trốn thoát từ chỗ quân Kim, trên đường về chịu biết bao tuyết sương mưa gió.
          Tông Cao Tông quả thực nhớ Tống Huy Tông có một cô công chúa tên là Huyên Huyên 嬛嬛 do Vương quý phi sinh ra, được phong là Nhu Phúc Đế Cơ. Nhưng đã nhiều năm xa cách, không nhớ rõ diện mạo của công chúa, vì thế Cao Tông sai một lão cung nữ sát nghiệm. Lão cung nữ cảm thấy người con gái này tướng mạo quả thực rất giống Nhu Phúc Đế Cơ năm đó. Hỏi những chuyện cũ trong cung, nàng ta đều trả lời rành mạch. Chỉ có một điều đáng ngờ đó là cô gái này có một đôi bàn chân lớn, không giống đôi bàn chân thon của Nhu Phúc Đế Cơ. Đối với điểm nghi ngờ này, cô gái ấy giải thích một cách lưu loát rằng:
          Người Kim xua đuổi như bò dê, thừa cơ trốn thoát, chân trần bôn tẩu tới đây, vượt núi sông vạn dặm thì làm sao giữ đôi bàn chân thon như lúc trước được?
          Sự việc này trong Hạc lâm ngọc lộ 鹤林玉露 ghi rằng:
          Nhu Phúc Đế Cơ chí, dĩ túc đại nghi chi. Tần túc viết: Kim nhân khu bách, tiển hành vạn lí, khởi phục cố thái. Thượng vi trắc nhiên.
          柔福帝姬至, 以足大疑之. 颦蹙曰: 金人驰迫, 跣行万里, 岂复故态. 上为恻然.
          (Nhu Phúc Đế Cơ đến, vì bàn chân to mà nghi ngờ. Nàng buồn rầu đáp rằng: Người Kim bức bách xua đuổi, chân trần chạy cả vạn dặm thì làm sao giống như trước được. Bề trên bùi ngùi không vui)
          Tống Cao Tông thấy lời nói có lí, nhất là cô gái này lại có thể nói được nhũ danh của mình nên không hoài nghi nữa, xuống chiếu cho nhập cung, ban cho xưng hiệu là Phúc Quốc trưởng công chúa, lại chọn cho cô vị phò mã là Vĩnh Châu phòng ngự sứ Cao Thế Niễu 高世褭 (1), ban cho 18000 xâu tiền. Từ đó càng được sủng ái, trước sau ban cho đến 479000 xâu tiền.
          Sau khi nhà Nam Tống cùng với nước Kim kí kết  “Thiệu Hưng hoà nghị” 绍兴和议, mẹ của Cao Tông là Vi quý phi được nước Kim thả về. Mẹ con gặp lại nhau vui mừng vô kể. Sau khi Vi quý phi hồi triều được Tống Cao Tông tôn là “Hiển Nhân Thái Hậu” 显仁太后. Vi thái hậu nghe được chuyện Nhu Phúc Đế Cơ không ngăn nỗi ngạc nhiên, nói rằng:
          Nhu Phúc bệnh chết ở nước Kim, sao lại có một Nhu Phúc nữa?
          Tống Cao Tông liền kể tình hình Nhu Phúc từ nước Kim trốn về. Thái hậu bảo rằng:
          Người Kim đều chê cười con! Nói con đã rước nhầm “nhan tử”. Nhu Phúc thật đã chết từ lâu rồi.
          “Nhan tử” 颜子 có nghĩa là hàng giả. Lúc bấy giờ tại thành Khai Phong 开封 có một con phố tên là Nhan gia hạng 颜家巷, trên phố có tiệm buôn chuyên bán các loại khí cụ làm bằng giấy, bề ngoài cực kì tinh xảo, mẫu mã mới lạ, nhìn vào rất bắt mắt. Nhưng vì được làm bằng giấy, mua về dùng không được lâu, cho nên người đương thời gọi là “nhan tử”, về sau dần biến thành danh từ chỉ hàng giả. Cao Tông nghe mẹ nói, bỗng giận lên, lập tức cho bắt Nhu Phúc Đế Cơ giao cho Đại lí tự thẩm vấn. Qua nghiêm hình tra khảo, Nhu Phúc công chúa giả không thể chối cải, đành phải cung khai.  (còn tiếp)

Chú của người dịch
(1)- Trong nguyên tác, ở đoạn sau là Cao Thượng Niễu 高上褭

                                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                                   Quy Nhơn 21/7/2014

Nguyên tác
BẮC TỐNG DIỆT VONG HẬU TAM THIÊN HẬU CUNG MĨ NỮ
ĐÍCH BI THẢM MẠNG VẬN
北宋灭亡后三千后宫美女的悲惨命运

0 nhận xét:

Đăng nhận xét