About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Thổ lâu cổ xưa nhất - Ngũ phụng lâu

THỔ LÂU CỔ XƯA NHẤT – NGŨ PHỤNG LÂU

          Người Khách gia 客家 là người Hán ở trung nguyên từ lưu vực Hoàng hà dời xuống phương nam, họ chủ yếu lấy cả tộc làm đơn vị, tụ tập sinh sống, đa phần phân tán tại Giang Tây 江西, Phúc Kiến 福建 và Quảng Đông 广东. Do bởi người Khách gia tránh chiến loạn mới từ ngoài tỉnh dời đến những khu vực này, nên nhân đó đa số họ chọn chốn núi sâu rừng rậm để cư trú. Trong cuộc chiến tranh cùng với dân bản địa không ngừng tranh đoạt đất đai, dần hình thành mô thức nhà ở thổ lâu 土楼 mang tính phòng ngự cao.
          Tên gọi Ngũ phụng lâu 五凤楼 là căn cứ vào cách tạo hình mái nhà giống hình chim bay và tượng trưng cho ngũ hành mà có, là loại hình thức thổ lâu cơ sở nhất, mang tính phòng ngự truyền thống nhất, cũng là loại có số lượng nhiều nhất, phân bố rộng nhất. Kiến trúc loại này hiện tồn mang tính đại biểu nhất là Văn dực lâu 文翼楼 ở thôn Đại Đường 大塘 làng Cao Pha 高陂huyện Vĩnh Định 永定, cũng còn gọi là “Đại phu đệ” 大夫第. Bình diện Ngũ phụng lâu là hình thức “tứ hợp viện” 四合院 có bố cục phức tạp, cách thiết trí cả trong lẫn ngoài của cả thổ lâu cũng tuân theo tứ hợp viện truyền thống ở trung nguyên.
          Đầu tiên, địa hình để xây Ngũ phụng lâu phải là trước thấp sau cao, phòng ốc thuận theo thế đất đó cũng trước thấp sau cao, bố trí đối xứng theo trục giữa, đầu tiên nhất luôn là “bình phòng” 平房. Loại địa thế cao cao này khiến cho bản thân thổ lâu có tính phòng ngự mạnh mẽ, hơn nữa độ chênh lệch của địa thế cũng thể hiện sự cao thấp của địa vị. Những người cư trú ở bình phòng đa phần là người giúp việc và những người có địa vị thấp, càng hướng về sau là những người có địa vị càng cao.
          Hình thức Ngũ phụng lâu điển hình là “tam đường lưỡng hoành thức” 三堂两横式, cũng chính là trước sau trên trục giữa. Từ trước ra sau lần lượt có các kiến trúc: “hạ đường” 下堂(môn sảnh 门厅), “trung đường” 中堂và “thượng đường” 上堂, 3 sảnh đường chủ yếu. Bên trái và bên phải thượng đường còn có “sương phòng” 厢房 đối xứng nhau. Trung đường là trung tâm của Ngũ phụng lâu, từ đường của gia tộc được đặt tại trung đường, nhân đó trung đường nói chung đều là kiến trúc bình phòng, mặt đất so với hạ đường cao hơn nửa bậc cấp, để thể hiện địa vị tôn ti. Trung đường thờ tổ tiên của gia tộc cùng thần linh, cũng là nơi nghị bàn đại sự, phần mái nhà áp dụng kiểu “triệt thượng minh tạo” 彻上明造 (1), để lộ kết cấu rường kèo bằng gỗ, nhằm thể hiện sự thoáng đạt rộng rãi của tổ đường. Phía trước Ngũ phụng lâu thường có một sân hình chữ nhật, trước sân còn có hồ bán nguyệt. Trên nền đất cao ở phía sau Ngũ phụng lâu có tường vây, bao bọc một không gian nữa hình tròn, tường cũng trước thấp sau cao. Đây cũng giống như là một nơi thần thánh, trẻ con không được tuỳ tiện vào ra.

Chú của người dịch
1- Triệt thượng minh tạo 彻上明造: tức trần nhà không trang sức, càng không có “tảo tỉnh” 藻井, để cho rường kèo của mái nhà hoàn toàn lộ ra, người ở trong nhà ngẩng đầu lên có thể thấy rõ kết cấu rường kèo này. Cách kiến trúc này gọi là “triệt thượng minh tạo” 彻上明造, cũng gọi là “triệt thượng lộ minh tạo” 彻上露明造.
          Nguồn http://baike.baidu.com/view/732573.htm

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 16/7/2014

Nguyên tác
TỐI CỔ LÃO ĐÍCH THỔ LÂU – NGŨ PHỤNG LÂU
最古老的土楼 - 五凤楼
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển thượng)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét