About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Danh xưng "bao y" cùng tính chất của nó

DANH XƯNG “BAO Y” CÙNG TÍNH CHẤT CỦA NÓ

          “Bao” , với tiếng Hán có nghĩa là “gia” ; còn “y” là hư tự “đích” “Bao y” 包衣 giải thích sang tiếng Hán là “gia đích” 家的 (thuộc về nhà) hoặc “gia lí đích” 家里的 (thuộc về trong nhà).
          Theo chế độ bát kì (八旗) thời Thanh Thái Tổ 清太祖, mỗi “cố sơn” 固山 (kì ) do một Bối lặc 贝勒 làm chủ, vị Bối lặc này cùng với thuộc hạ dưới kì của mình có sự phân biệt chủ tớ, những người dưới kì, bộ phận lớn phục vụ cho đất nước, một bộ phận nhỏ dành phục vụ cho nhà của vị kì chủ Bối lặc, những người phục vụ cho nhà Bối lặc được gọi là “bao y”. Về sau tên gọi Bao y tá lĩnh 包衣佐领 phục vụ cho đất nước lại gọi là Kì phân tá lĩnh 旗分佐领. Phàm là thuộc về bao y không nhất thiết phải phục vụ quân dịch, công dịch, hoặc những lao dịch khác. Ngày Tân Mùi mồng 5 tháng 7 năm Sùng Đức 崇德 thứ 2 (tức năm Sùng Trinh 崇祯thứ 10 nhà Minh, năm 1637), Thái Tông 太宗 nói với quần thần rằng:
          40 Thị vệ của trẫm thời Thái Tổ đều được miễn lao dịch, hoặc …. Con của các bao y của trẫm đều không phải phục vụ lao dịch.
             (Vương thị Đông Hoa lục Sùng Đức nhị 王氏 东华录 崇德二)
          Bao y là người do người khác sai khiến, thực chất tức gia bộc, đa phần theo hầu từ rất lâu, đồng thời xuống đến cả con cháu của họ. Ngày mồng 1 Nhâm Ngọ tháng 9 năm Thiên Thông 天通 thứ 4 (tức năm Sùng Trinh 崇祯thứ 2 nhà Minh, năm 1629), khảo thí nho sinh được 200 người,
          Phàm tại Hoàng đế bao y hạ, bát Bối lặc đẳng bao y hạ, cập Mãn Châu Mông Cổ gia vi nô giả giai bạt xuất
          凡在皇帝包衣下, 八贝勒等包衣下, 及满州蒙古家为奴者皆拔出
 (Phàm là bao y của Hoàng đế, bao y của 8 vị Bối lặc, cùng là gia nô ở nhà người Mãn Châu người Mông Cổ đều loại ra).
                                     (Đông Hoa lục -  Thiên Thông tứ东华录  - 天通四)
          Ngày 15 Kỉ Mão tháng Giêng năm Sùng Đức 崇德 thứ 3, lại nghị bàn việc khảo thí
Mãn, Hán, Mông Cổ gia bộc câu bất chuẩn dự thí
满汉蒙古家仆俱不准与试
(Gia bộc ở nhà người Mãn, người Hán, người Mông Cổ đều không được dự thi).
          Đương thời, Tổ Khả Pháp 祖可法, Trương Tồn Nhân 张存仁cho rằng:
          Tiền khoa thủ sĩ (Thiên Thông tam niên bát niên lưỡng thứ) hữu nô bộc trúng thức giả tức hành hoán xuất, nhân thanh viễn bá, kim hốt cải thử chế, khủng đa phí canh trương, …..các gia nô bộc giai nghi chuẩn kì khảo thí.
          前科取士 (天通三年八年两次) 有奴仆中式者即行换出, 仁声远播, 今忽改此制, 恐多费更张. ….. 各家奴仆皆宜准其考试.
          (Khoa thi chọn kẻ sĩ lúc trước (hai lần là vào năm thứ 3 và năm thứ 8 niên hiệu Thiên Thông), có nô bộc trúng cách, tức cho thay đổi danh phận, tiếng nhân lan xa. Nay bỗng thay đổi chế độ này, e rằng uổng phí. ….. nên chuẩn cho nô
bộc các nhà được dự thi)
                      (Vương thị Đông Hoa lục Sùng Đức tam 王氏 东华录 崇德三)
          Ở trên nói “bao y hạ” 包衣下 ở dưới nói “nô bộc” 奴仆, có thể biết cả hai không có sự phân biệt. Ngày mồng 8 Canh Tuất tháng 3 năm Khang Hi 康熙 thứ 22 (năm 1683) nghị tội Giác La Hoạ Đặc Thất 觉罗画特失làm lỡ quân cơ, định cách chức, tịch thu gia sản, biên nhập vào Bao y tá lĩnh, Thánh Tổ cho rằng “Giác La” 觉罗 (cùng tộc với Hoàng Đế) biên nhập vào Bao y tá lĩnh làm nô là không tiện nên cho miễn biên nhập vào Bao y tá lĩnh (Vương thị Đông Hoa lục  Khang Hi tam thập nhất 王氏 - 东华录  康熙三十一). Có thể thấy “bao y” tức “nô bộc” . Về luật pháp, việc cư trú, sinh hoạt , hôn thú của bao y đều lệ thuộc không có tự do, hơn nữa, nô tịch của họ đời con đời cháu vẫn nối tiếp, nếu không được sự chấp thuận của chủ nhân thì không thể thoát li được. Cho nên về tính chất mà nói, bao y chính là “thế bộc” 世仆 của tư gia. Nhưng có một điểm cần phải chú ý, đó là gọi bao y là nô bộc chỉ là đối với chủ nhân của họ, họ vẫn có thể có cấp bậc quan của mình, có tài sản, có nô bộc của mình ….. (trích) 

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                       Quy Nhơn 17/01/2015

Nguyên tác Trung văn
BAO Y DANH XƯNG ĐÍCH GIẢI THÍCH
CẬP BAO Y ĐÍCH TÍNH CHẤT
包衣名称的解释及包衣的性质
Trong quyển
THANH SỦ THÁM VI
清史探微
Tác giả: Trịnh Thiên Đĩnh 郑天挺
Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, 1999

0 nhận xét:

Đăng nhận xét