KHÁI QUÁT TỪ ĐỜI TỐNG
Từ 词 khởi nguồn từ dân gian thời Đường, gọi là “khúc tử từ” 曲子词, về sau được văn nhân tiếp thụ, cải tạo thành một dạng thơ trữ tình, trải qua thời Ngũ đại, thể tài thi ca này dần đi đến chỗ thành thục. Từ nhân nổi tiếng nhất thời vãn Đường và thời Ngũ đại có Ôn Đình Quân 温庭筠, Vi Trang 韦庄, Phùng Diên Tị 冯延巳, Lí Dục 李煜 … Đến thời lưỡng Tống đại phát triển, hàng loạt danh gia xuất hiện. Những người thành danh về từ ở thời Tống rất nhiều, như: Trương Tiên张先, Liễu Vĩnh 柳永, Án Thù 晏殊, Âu Dương Tu 欧阳修, Án Cơ Đạo 晏几道, Tô Thức 苏轼, Tần Quán 秦观, Hoàng Đình Kiên 黄庭坚, Hạ Chú 贺铸, Chu Bang Ngạn 周邦彦, Lí Thanh Chiếu 李清照, Chu Đôn Nhu 周敦儒, Trương Nguyên Cán 张元幹, Trương Hiếu Tường 张孝祥, Tân Khí Tật 辛弃疾, Trần Lượng 陈亮, Khương Quỳ 姜夔, Lưu Khắc Trang 刘克庄, Ngô Văn Anh 吴文英, Trương Viêm 张炎 v.v… Trong quyển Toàn Tống từ 全宋词 của Đường Khuê Chương 唐圭璋 biên soạn đã thu thập hơn 1000 tác giả với gần 2 vạn tác phẩm.
Từ còn có những tên khác như “thi dư” 诗余, “nhạc phủ” 乐府, “cầm thú” 琴趣. Nó là một dạng thơ cách luật, đặc điểm là câu dài ngắn không đều, cho nên cũng gọi là “trường đoản cú” 长短句. Theo tập quán thường đem từ phân làm 3 loại:
- Từ trong khoảng 58 chữ gọi là “tiểu lệnh” 小令
- Từ 59 đến 90 chữ gọi là “trung điệu” 中调
- Từ 90 chữ trở lên gọi là “trường điệu” 长调.
Loại không phân đoạn gọi là “đơn điệu” 单调, loại phân làm 2 đoạn gọi là “song điệu” 双调, 3 đoạn gọi là “tam điệp” 三叠, 4 đoạn gọi là “tứ điệp” 四叠, hai loại sau này không thấy nhiều. Mỗi bài từ đều có “từ bài” 词牌, như “Như mộng lệnh” 如梦令, “Điệp luyến hoa” 蝶恋花, “Mộc Lan hoa mạn” 木兰花慢, “Hạ tân lang” 贺新郎. Những từ bài này vốn là tên gọi của khúc điệu, về sau từ thoát li âm nhạc, chúng trở thành cách thức điền từ. Theo những cách thức này, tác giả có thể điền bất kì nội dung nào, cho nên “từ bài” không phải là tiêu đề, nó cũng chẳng liên quan gì đến nội dung của bài. Từ có yêu cầu cách luật riêng của nó, ví dụ bài từ Ức Giang Nam 忆江南 của từ nhân nổi tiếng Lí Hậu Chủ 李后主nhà Nam Đường:
Đa thiểu hận
Tạc dạ mộng hồn trung
Hoàn tự cựu thời du thượng uyển
Xa như lưu thuỷ mã như long
Hoa nguyệt chính xuân phong
多少恨
昨夜梦魂中
还似旧时游上苑
车如流水马如龙
花月正春风
Bao nhiêu hận
Đêm qua trong giấc mộng
Thấy như ngày trước vui chơi nơi thượng uyển
Xe nhiều như nước, đoàn ngựa dài như rồng
Trăng hoa trong làn gió xuân.
Sau khi Lí Dục 李煜đầu hàng triều Tống, làm một người tù dưới thềm, hồi tưởng lại cuộc sống đế vương ngày nào nên đã viết ra bài từ tràn đầy tình cảm lưu luyến, hối hận này. Toàn bài có 5 câu, 27 chữ, 3 chỗ dùng vần (trung, long, phong). Cách thức bằng trắc là:
Bằng trắc trắc
Trắc trắc trắc bằng bằng
Trắc trắc bằng bằng bằng trắc trắc
Bằng bắng trắc trắc trắc bằng bằng
Trắc trắc trắc bằng bằng
Yêu cầu dùng vần của từ so với thơ cận thể tương đối thoải mái hơn, nhưng yêu cầu về bằng trắc rất nghiêm nhặt. Còn về đối trượng trong từ dùng rất ít. Theo thống kê trong Khâm định từ phổ 钦定词谱 đời Thanh, từ bài có đến hơn 800 loại (cũng chính là nói có hơn 800 cách thức), nhưng thường dùng chỉ có hơn 100 loại.
Đời Tống chia làm 2 giai đoạn lớn là Bắc Tống (năm 960 – năm 1127) và Nam Tống (năm 1127 – năm 1279). Trong 2 giai đoạn này, cảnh ngộ của quốc gia dân tộc không giống nhau biểu hiện trong việc sáng tác từ, phong cách thể hiện cũng khác nhau.
Chú của người dịch
1- Lí Dục 李煜 (937 – 978): ông là con thứ 6 của Nam Đường Nguyên Tông Lí Cảnh 李璟, lúc đầu có tên là Tùng Gia 从嘉, tự Trùng Quang 重光, hiệu Chung Ẩn 钟隐, Liên Phong cư sĩ 莲峰居士, quê quán tại Bành Thành 彭城 (nay là Từ Châu 徐州 Giang Tô 江苏). Lí Dục là vị quốc quân cuối cùng của nhà Nam Đường.
Năm Kiến Long 建隆 thứ 2 nhà Bắc Tống (năm 961), Lí Dục kế vị, tôn nhà Tống là chính thống, hàng năm dâng cống để được bình yên. Năm Khai Bảo 开宝 thứ 4 (năm 791), Tống Thái Tổ diệt nhà Nam Hán, Lí Dục bỏ hiệu Đường, đổi gọi là “Giang Nam Quốc Chủ”. Năm sau dời về Kim Lăng 金陵 (nay là Nam Kinh 南京) để tỏ ý tôn phụng triều Tống. Năm Khai Bảo thứ 8 (năm 975), quân Tống công phá Kim Lăng, Lí Dục phải đầu hàng, bị bắt đưa vệ Biện Kinh 汴京 (nay là Khai Phong 开封), được phong làm Hữu thiên ngưu vệ Thượng tướng quân 右千牛卫上将君, tước Vi Mệnh Hầu 违命侯. Ngày 7 tháng 7 năm Thái Bình Hưng Quốc 太平兴国 thứ 3 (năm 978), Lí Dục mất ở Biện Kinh, người đời gọi ông là Nam Đường Hậu Chủ, Lí Hậu Chủ.
Lí Dục tinh thư tháp, giỏi hội hoạ, thông âm luật, thơ văn đều có những thành tựu nhất định, đặc biệt thành tựu về từ là cao nhất. Từ của Lí Dục đã kế thừa truyền thống của phái Hoa Gian 花间, lại chịu ảnh hưởng của Lí Cảnh李璟, Phùng Diên Tị 冯延巳. Ngôn ngữ trong sáng, hình tượng sinh động, phong cách tươi sáng. Những bài từ sau khi mất nước có hàm ý sâu xa, nêu cao ngọn cờ riêng biệt trong thể từ thời vãn Đường, Ngũ đại, có ảnh hưởng sâu đậm đối với từ đàn đời sau.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/01/2015
Nguyên tác Trung văn
TỐNG ĐẠI ĐÍCH TỪ KHÁI THUẬT
宋代的词概述
Trong quyển
TỐNG NGUYÊN VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
宋元文化大观
Chủ biên: Lí Thiếu Lâm 李少林
Nội Mông Cổ Nhân dân xuất bản xã, 2006
0 nhận xét:
Đăng nhận xét