TRUYỀN THUYẾT CHÁO LẠP BÁT
Tiết Lạp bát 腊八 ăn cháo Lạp bát, đương nhiên mọi người sẽ nghĩ ngay đến nguồn gốc của nó. Có một truyền thuyết như sau:
Vào thời Bắc Tống, nơi núi Phục Ngưu 伏牛 800 dặm, có một đôi vợ chồng già cùng một người con sống với nhau. Vợ chồng già ra sức cày bừa, cần kiệm dành dụm tiền bạc, năm nào cũng được cơm no áo ấm. Ông bà thường đem chút tiền dư chu cấp cho hàng xóm chung quanh. Người con của họ lại khác, từ nhỏ đã lười biếng, lớn lên cũng chỉ ăn no rồi ngủ chẳng biết làm việc gì. Người trong làng đặt cho anh ta biệt hiệu “khạp thuỵ trùng” 瞌睡虫(con sâu ngủ). Chẳng bao lâu, “khạp thuỵ trùng” lấy vợ, người vợ cũng giống anh ta, chỉ thích ăn không thích làm, mặt trời chưa lặn đã ngủ, mặt trời lên ba con sào mới dậy, không cầm lấy cây kim sợi chỉ, không bước chân vào nhà bếp, cả ngày ăn, thức ăn còn thừa thì vất, vô cùng lãng phí, người trong làng đặt cho cô ta biệt hiệu “một để oa” 没底锅 (nồi không đáy). Qua mấy năm sau, hai vợ chồng già cùng một lúc bị bệnh nặng không ngồi dậy nổi, rồi lần lượt nối nhau qua đời. Hai vợ chồng trẻ ngồi ăn núi lở, tiền của tích trữ trong nhà dần hết. Một năm nọ vào ngày mồng 8 tháng Chạp, hai vợ chồng trẻ không còn gạo để nấu, trên người chỉ có áo đơn, hiểm nguy trong một sớm một chiều. Hai người nhìn xuống đất, bỗng phát hiện nơi kẽ đất có mấy hạt gạo, hạt lúa mạch, tạp lương, còn trong kẽ tường thì có nhét mấy cọng rau khô và bắp. Đây quả là bảo bối, vì thế họ vội vàng đem bỏ vào nồi nấu thành một nồi cháo thập cẩm, mỗi người chia nhau được một chén. Khi họ bưng lên vừa mới ăn vài hớp, một trận gió lớn thổi qua, làm sập căn nhà đã lâu không tu sửa. Khi hàng xóm đến bươi đống tranh ra, cả hai đã chết, bên cạnh mỗi người còn lưng chén cháo. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày mồng 8 tháng Chạp, mọi người nấu một nồi cháo cho trẻ con ăn, vừa ăn vừa kể câu chuyện “khạp thuỵ trùng” và “một để oa” chết đói. Một truyền mười, mười truyền trăm, truyền ngày càng xa, cha truyền cho con, con truyền cho cháu, đời đời truyền nhau.
Trong dân gian Trung Quốc còn lưu truyền một truyền thuyết khác về lai lịch cháo Lạp bát. Truyền thuyết này cho rằng cháo Lạp bát là do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương 朱元璋 phát minh đồng thời ban cho tên mà lưu truyền thành tục.
Truyền thuyết kể rằng, Chu Nguyên Chương khi còn nhỏ, nhà rất nghèo nên đi chăn trâu cho nhà địa chủ để kiếm sống, nhưng nhà vẫn thường hết lương thực, bụng cũng thường đói. Có một lần khi Chu Nguyên Chương cùng bọn trẻ trong xóm đi chăn trâu đã phát hiện một hang chuột đồng, trong hang chứa đầy lương thực mà chuột tha về, có gạo, đậu, đậu phụng, lại có cả táo. Chu Nguyên Chương cùng bọn trẻ vui mừng, vội móc ngũ cốc tạp lương đó ra, đem bỏ vào nồi đất nấu lên. Khi chín, bọn trẻ ngửi được mùi từ nồi cháo bốc ra, ăn vào càng thơm. Về sau khi Chu Nguyên Chương lên làm hoàng đế, thưởng thức hết các món ngon khắp đông tây, nhưng cảm thấy sơn hào hải vị cũng không thơm ngon bằng. Một ngày nọ, Chu Nguyên Chương đột nhiên nhớ tới sự việc lúc nhỏ móc lương thực từ hang chuột đồng ra nấu lên ăn, liền lập tức hạ chỉ sai ngự trù dùng tạp lương như năm nào nấu thành cháo để ông ta ăn. Hôm đó đúng vào ngày mồng 8 tháng Chạp. Chu Nguyên Chương ăn sơn hào hải vị quen rồi giờ cảm thấy cháo này quả thực là thơm ngon nên đã ban cho cháo này tên gọi là “Lạp bát chúc” 粒八粥(cháo Lạp bát). Về sau truyền vào dân gian trở thành tập tục.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 27/01/2015
Tiết Lạp bát năm Giáp Ngọ
Nguyên tác Trung văn
LẠP BÁT CHÚC ĐÍCH TRUYỀN THUYẾT
腊八粥的传说
Trong quyển
TRUNG QUỐC DÂN TỤC VĂN HOÁ ĐẠI QUAN
中国民俗文化大观
(quyển trung)
Chủ biên: Dương Lợi Tuệ 杨利慧
Diên Biên nhân dân xuất bản xã, 2009
0 nhận xét:
Đăng nhận xét