诏问山中何所有赋诗以答
山中何所有
岭上多白云
只可自怡悦
不堪持寄君
(陶弘景)
CHIẾU VẤN SƠN TRUNG HÀ SỞ HỮU PHÚ THI DĨ ĐÁP
Sơn trung hà sở hữu
Lĩnh thượng đa bạch vân
Chỉ khả tự di duyệt
Bất kham trì kí quân
(Đào Hoằng Cảnh)
CHIẾU BAN XUỐNG HỎI TRONG NÚI CÓ GÌ,
LÀM THƠ ĐÁP LẠI
Chiếu ban xuống hỏi trong núi có gì?
Đáp rằng nơi đầu núi có nhiều mây trắng.
Chỉ có thể tự mình vui ngắm
Mà không thể đem gửi cho bệ hạ.
Đề giải
Tương truyền bài thơ này được Đào Hoằng Cảnh 陶弘景, một ẩn sĩ nổi tiếng là “Sơn trung Tể tướng” 山中宰相 làm ra để đáp lại chiếu thư của Tề Cao Đế 齐高帝. Bài thơ đã biểu hiện phẩm cách cao thượng và tư tưởng lấy ẩn dật làm thú vui của tác giả.
Giám định và thưởng thức
Sơn trung hà sở hữu, câu đầu ứng với đề mục, mượn lời hỏi trong chiếu thư của Tề Cao Đế, dẫn đến câu trả lời ở dưới là Lĩnh thượng đa bạch vân, giản dị, trong sáng. Theo thi nhân, mây trắng trên đầu núi biến hoá vô cùng, đáng để ngắm nhìn, khiến người ta cảm thấy thân thiết. Điều này có liên quan tới ý nghĩa đặc thù của mây trắng mà kẻ sĩ ẩn dật từ cuối đời Tấn trở đi thường nói đến, hình bóng của mây phiêu lưu bất định, đi và đến tự do không có gì ràng buộc, chính là
đối tượng mà ẩn sĩ tự mình tượng trưng.
Hai câu sau Chỉ khả tự di duyệt, bất kham trì dữ quân, thừa tiếp câu trên, ý nói mây trắng trên trời chỉ có tự mình vui ngắm, tự mình hưởng thú, không thể gửi cho bệ hạ cùng thưởng thức, biểu đạt sự lưu luyến đối với cuộc sống ẩn cư, và cũng là uyển ngữ chối từ lời mời xuống núi của chiếu thư.
Bài thơ này một hỏi một đáp, hình thức hoạt bát, ngôn ngữ giản dị gần gũi, nhưng ngụ ý lại sâu xa, giàu dư vị.
Chú của người dịch
Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (456 – 536): tự Thông Minh 通明, người Mạt Lăng 秣陵 Đan Dương 丹阳 (nay là Nam Kinh, Giang Tô) nhà Lương thời Nam triều, hiệu Hoa Dương cư sĩ 华阳居士 (tự hiệu là Hoa Dương ẩn cư 华阳隐居). Ông là y dược gia, luyện đan gia, văn học gia nổi tiếng, người đời gọi ông là “Sơn trung Tể tướng” 山中宰相. Khi mất có tên thuỵ là Trinh Bạch tiên sinh 贞白先生.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 17/6/2015
Nguồn
HÁN NGỤY THI TỪ GIÁM THƯỞNG
汉魏诗词鉴赏
Chủ biên: Thái Cảnh Tiên 蔡景仙
Nội Mông Cổ nhân dân xuất bản xã, 2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét