About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Vô vi hữu vi chi tranh

VÔ VI HỮU VI CHI TRANH

          Đầu đời Hán theo triết học Hoàng Lão 黄老, trải qua hơn 60 năm thảm đạm, đất nước dần hồi phục nguyên khí. Đến khi Hán Vũ Đế 汉武帝 lên ngôi, phủ khố đã đầy, nhà nhà sum họp, thể hiện cảnh tượng thái bình. Cơ sở vật chất đầy đủ đã chuẩn bị điều kiện tất yếu để Hán Vũ Đế tạo nên công nghiệp to lớn, kinh thiên vĩ địa, oanh oanh liệt liệt mà trước đó chưa từng có.
          Hưng Nho bất quả 兴儒不果 (hưng khởi Nho học nhưng chưa đạt kết quả):
          Khi Vũ Đế còn là thái tử đã nghiêng về Nho học, bất mãn với vô vi của Hoàng Lão. Vũ Đế lúc mới lên ngôi chỉ là một thiếu niên 16 tuổi, huyết khí tràn đầy, hùng tâm mạnh mẽ. Những mưu tính của trước đó không cần phải truy tìm trong mộng nữa, hiện tại đã có đất để thực thi. Vì thế, Hán Vũ Đế để thực hiện hoài bão to lớn của mình đã không theo lối cũ, bắt đầu trọng dụng Nho sinh, đề xướng Nho học, biến chính trị vô vi thành chính trị hữu vi. Đầu tiên Vũ Đế từ nhân sự thực hiện lí tưởng chính trị, bãi miễn Thừa tướng Vệ Oản 卫绾, dùng cháu của Đậu thái hậu là Đậu Anh 窦婴 làm Thừa tướng, lấy người em cùng mẹ của Vương phu nhân (cậu của Vũ Đế) là Điền Phần 田蚡 làm Thái Uý, lấy đệ tử của đại Nho Thân công 申公 đất Lỗ là Nho sinh Triệu Oản 赵绾 tinh thông “Thi” làm Ngự sử đại phu, một học trò khác của Thân Công là Nho sinh Vương Tang 王臧 dâng thư lên bàn về quân túc vệ. Vũ Đế vô cùng tán thưởng, trong một năm thăng lên làm Lang trung lệnh (tương đương Thị vệ trưởng trong hoàng cung). Vũ Đế tiếp thụ kiến nghị của Triệu Oản, Vương Tang chuẩn bị lập Minh đường 明堂(một chế độ lễ nghi trong triều hội, nơi Nho gia thường giảng sách) để triều chư hầu, nhưng hai người này đối với việc đó không tinh thông, vì thế Vũ Đế phái người mang theo lễ vật lụa cùng ngọc bích, dùng xe tứ mã để nghinh đón danh Nho Thân Công lúc bấy giờ đã hơn 80 tuổi về Trường An, bái làm Thái trung đại phu, chỉ đạo cụ thể việc xây dựng Minh đường.
          Đương khi Vũ Đế khua chiêng giống trống thực thi đại kế tôn Nho lại bị cản trở. Thái hoàng thái hậu trú tại Đông cung sùng phụng Lão Tử, không thích Nho thuật. Vũ Đế không biết làm sao đành bỏ kế hoạch xây dựng Minh đường. Thái hoàng thái hậu cho người dò xét, biết Triệu Oản và Vương Tang từng khuyên Vũ Đế tự làm việc đó, không ngó ngàng gì đến mình đã tức giận, cưỡng bức Vũ Đế phải bắt Triệu Oản và Vương Tang giam vào ngục trị tội. Cả hai không chịu nhục liền tự sát. Thừa tướng Đậu Anh, Thái uý Điền Phần đều bị miễn chức, Thân Công cũng miễn quan về quê. Vũ Đế quá trẻ, bước đầu lên đài chính trị chưa có thực quyền mà đã muốn cải tổ tông pháp nên phạm phải đại kị
của một nhà chính trị. May mà Vũ Đế cơ trí, từ đó giấu tài giữ yên hoàng vị để đợi thời.
          Độc lập triều chính 独立朝政 (độc lập xử lí triều chính):
          Tháng 5 năm Kiến Nguyên 建元 thứ 6 (năm 135 trước công nguyên), Thái hoàng thái hậu mà đã trải qua 4 triều qua đời, Vũ Đế đã 22 tuổi, Vương thái hậu không có tài về chính trị, cũng không muốn can dự chính sự, lúc bấy giờ Hán Vũ Đế mới có quyền lực xử lí độc lập đại sự quốc gia, có được cơ hội để thi triển hoài bão của mình.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 9/6/2015

Nguyên tác Trung văn
VÔ VI HỮU VI CHI TRANH
无为有为之争
Trong quyển
HÁN PHÚ ĐÍCH LỊCH SỬ
汉赋的历史
Tác giả: Trương Ân Phú 张恩富
Trùng Khánh xuất bản xã, 2006. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét