About

Blog Archive

Lưu trữ Blog

Được tạo bởi Blogger.

Blogroll

 

Dịch thuật: Tăng Quốc Phiên (kì 1)

TĂNG QUỐC PHIÊN
(kì 1)

          Tăng Quốc Phiên 曾国藩 (1811 – 1872), tự Bá Hàm 伯涵, hiệu Địch sinh 涤生, danh tướng cuối đời Thanh.
          Hoàng Đế Đạo Quang 道光 từng trao cho Tăng Quốc Phiên chức Lễ bộ thị lang, thời Đồng Trị 同治, ông là Đại học sĩ, nhậm chức tổng đốc Trực Lệ, khi mất có tên thuỵ là “Văn Chính” 文正.
          Sau khi nổ ra phong trào Thái bình thiên quốc, Tăng Quốc Phiên sáng lập Tương quân 湘军, trở thành trụ cột của vương triều Thanh diệt quân khởi nghĩa nông dân.
          Với trí tuệ mưu lược biến hoá vô cùng của mình, Tăng Quốc Phiên đã giữ đạo tu thân, có bí quyết nhìn người khiến hậu nhân thán phục.

MỪNG ĐƯỢC LÊN CHỐN TRIỀU ĐƯỜNG,
TỰ THAN THĂNG CHỨC QUÁ NHANH
          Ngày 26 tháng 11 năm 1811, Tăng Quốc Phiên được sinh ra tại thôn Bạch Dương Bình 白杨坪 huyện Tương Hương 湘乡phủ Trường Sa 长沙, thôn của ông toạ lạc dưới núi Cao Mi 高嵋 nơi giáp giới giữa 2 huyện Tương Hương 湘乡 và Hành Dương 衡阳, cách huyện thành 120 dặm. Khắp nơi vùng Bạch Dương Bình đều là gò núi, non xanh nước biếc, rừng trúc xanh tươi, phong cảnh u tĩnh, tin tức khó đến được. Tăng Quốc Phiên lúc nhỏ làm ruộng, đốn củi, không biết đến những sự việc bên ngoài.
          Tổ phụ của Tăng Quốc Phiên là Tăng Ngọc Bình 曾玉屏, tự Tinh Cương 星冈. Phụ thân tên Lân Thư 麟书, tự Trúc Đình 竹亭. Tăng Lân Thư có 3 anh em, Lân Thư là lớn nhất, người em thứ hai mất sớm, người thứ ba là Tăng Kí Vân 曾骥云, không có con, nuôi Tăng Quốc Hoa 曾国华, con của Lân Thư làm kế tử. Tăng Quốc Phiên có một người chị và 3 em gái và 4 em trai. Người em thứ hai của Tăng Quốc Phiên là Tăng Quốc Hoàng 曾国潢, người em thứ ba là Tăng Quốc Hoa曾国华, người em thứ tư là Tăng Quốc Thuyên 曾国荃, người em thứ năm là Tăng Quốc Bảo 曾国葆, sau đổi là Tăng Trinh Oát 曾贞斡. Em gái út mất sớm.
          Tăng Ngọc Bình thường dạy anh em Tăng Quốc Phiên rằng:
Tại hạ tắc bài nhất phương chi nạn, tại thượng tắc tức vạn vật chi khí
在下则排一方之难, 在上则息万物之器
          (Ở địa vị thấp thì trừ cái nạn của một vùng, ở địa vị cao thì dẹp cái loạn trong thiên hạ)
          Tăng Ngọc Bình xem 4 chữ “noạ nhược vô cương” 懦弱无刚 là đại sỉ nhục, dạy các cháu phải biết tự lập, có chí quật cường. Những lời này đã trở thành bài minh khắc bên phải chỗ ngồi của Tăng Quốc Phiên.
          Ngôn hành cử chỉ của Tăng Ngọc Bình đối với Tăng Quốc Phiên lúc còn thơ ấu đã âm thầm có tác dụng. Tăng Ngọc Bình dạy Tăng Quốc Phiên biết phát phẫn đọc sách, đuổi theo danh vị, về sau ông thường nói “đĩnh kinh” 挺经 (1), chính là từ tổ phụ mà ra.
           Tăng Quốc Phiên lên 7 tuổi học với phụ thân. Tăng Lân Thư là thầy dạy học, thường dạy học trò lễ giáo phong kiến, tiến hành huấn luyện một cách nghiêm khắc. Ngoài học Tứ thư 四书Ngũ kinh 五经 ra, Tăng Quốc Phiên còn đọc các sách như Sử kí 史记. Tăng Quốc Phiên siêng năng ham học, năm ông 14 tuổi, Âu Dương Ngưng Chỉ 欧阳凝祉 đến gia thục thăm Tăng Lân Thư, khi đọc qua thơ văn của ông, Âu Dương Ngưng Chỉ vô cùng tán thưởng.
          Để khoe tài học của con, Tăng Lân Thư đã mời Âu Dương Ngưng Chỉ ra một đề bài để thử, Tăng Quốc Phiên nhanh chóng làm một bài thơ. Âu Dương Ngưng Chỉ cho rằng tiền trình của Tăng Quốc Phiên là vô cùng nên đã gã người con gái cho ông, tức chính thê Âu Dương thị.
          Tăng Quốc Phiên học ở gia thục mười mấy năm, 20 tuổi mới ra ngoài để cầu học. Ông trước sau đến học gia thục của họ Đường ở Hành Dương 衡阳, thư viện Liên Tân 涟滨 ở Tương Hương 湘乡. Năm 1833, Tăng Quốc Phiên thi đậu Tú tài, đến học tạo thư viện Nhạc Lộc 岳麓 ở Trường Sa 长沙. Thư viện Nhạc Lộc là học phủ cao nhất của Hồ Nam, viện trưởng là Âu Dương Hậu Quân 欧阳厚钧.
          Âu Dương Hậu Quân từng nhậm chức Lang trung, Ngự sử, dạy học 27 năm, học trò thành danh có đến 3000 người. Tại thư viện Nhạc Lộc, Tăng Quốc Phiên được Âu Dương Hậu Quân bồi dưỡng, học thuật được thành đạt.
          Năm 1838, Tăng Quốc Phiên đến kinh thi Hội, sau hai lần thi rớt, lần này ông đậu Cống sĩ xếp hạng thứ 38.
          Thi Hội 3 năm một lần, thi đậu là Cống sĩ, Cống sĩ kinh qua thi Điện mới có thể đậu được Tiến sĩ, sau đó lại phái đại thần duyệt quyển, tức “triều khảo” 朝考. Sau triều khảo, luận theo thành tích mà trao chức quan. Tăng Quốc Phiên sau khi về quán trọ đã tích cực chuẩn bị cho thi Điện và triều khảo, thi Điện được xếp hạng thứ 42, ban Đồng tiến sĩ xuất thân. Theo thông lệ, tam giáp Tiến sĩ không được vào Hàn lâm viện, Tăng Quốc Phiên cảm thấy rất thất vọng định trở về Hồ Nam.
          Hàn lâm viện biên tu Lao Sùng Quang 劳崇光 rất biết Tăng Quốc Phiên, đôi ba lần mời ông ở lại. Với thịnh tình như thế, Tăng Quốc Phiên ở lại tham gia triều khảo. Kết quả, ông được xếp hạng nhất đẳng đệ tam danh. Chánh tổng tài triều khảo là Đại học sĩ Mục Chương A 穆彰阿. Thời kì thi Hội Tăng Quốc Phiên từng đến bái kiến Mục Chương A, biểu thị ý quy phụ, nhân đó ông được Mục Chương A biết đến, cho nên nếu xếp vào đệ tam danh là được tuyển vào Cát thường quán của Hàn lâm viện, trở thành Thứ cát sĩ 庶吉士.
          Do bởi được sự dẫn dắt của Mục Chương A, con đường làm quan của Tăng Quốc Phiên rất thuận lợi. Năm 1838 sau khi thi đậu Tiến sĩ, năm 1840 thăng nhậm chức Hàn lâm viện kiểm thảo. Năm 1843, đại khảo Hàn thiêm 韩詹, Mục Chương A đảm nhiệm Tổng khảo quan, sau khi nộp bài, Mục Chương A hỏi Tăng Quốc Phiên về thi phú ứng thí. Về sau, dường như năm nào Tăng Quốc Phiên cũng được thăng chức.
          Năm 1847, Tăng Quốc Phiên được thăng làm Nội các học sĩ kiêm Lễ bộ thị lang. Ngay cả ông cũng cảm thấy thăng chức quá nhanh. Năm 1849, ông lại được thăng làm Lễ bộ hữu thị lang. Sau đó, lại kiêm nhiệm Binh, Công, Hình, Lại bộ thị lang. Trong khoảng 10 năm mà 7 lần được thăng, nhảy lên 10 cấp là điều ít thấy trong xã hội phong kiến. Đối với người xuất thân nơi rừng sâu, thân phận thấp kém như Tăng Quốc Phiên, quả thực là một bước tới trời.
          Lí học mà Tăng Quốc Phiên nghiên cứu là là tư tưởng duy trì sự thống trị chuyên chế phong kiến, trên quan trường ông cực lực ủng hộ sự thống trị chuyên chế phong kiến, có được địa vị chính trị rất cao, nhân đó mà trở thành đại nhân vật của tập đoàn thống trị triều Thanh. Triều Thanh rất cần người như ông để bảo vệ sự thống trị, sĩ đại phu cũng lấy ông làm gương.

Chú của người dịch
1- Đĩnh kinh 挺经: là một loại triết học xử thế lấy cứng cõi mạnh mẽ làm đặc trưng.

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 05/6/2015

Nguyên tác
TĂNG QUỐC PHIÊN
HỈ ĐĂNG TRIỀU ĐƯỜNG, TỰ THÁN THĂNG ĐẮC THÁI KHOÁI
曾国藩
喜登朝堂, 自叹升得太快
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 1006.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét